Với quy chế đào tạo mới, sinh viên trường đại học này có thể học tập tại trường đại học khác. Quy chế mở cho phép người học có cơ hội trải nghiệm các môi trường khác nhau.
Được học ở trường khác tối đa 1/4 chương trình
Từ năm 2022, sinh viên (SV) các trường đại học (ĐH) trong nước được đăng ký môn học ở trường khác để tích lũy tín chỉ. Điểm này được thể hiện rõ trong quy chế đào tạo trình độ ĐH do Bộ GD-ĐT ban hành từ năm 2021. Cụ thể, các trường ĐH được phép thực hiện hoạt động trao đổi SV và công nhận lẫn nhau về quy trình đào tạo, nội dung đào tạo và giá trị của tín chỉ. Trên cơ sở đó làm căn cứ cho phép SV của trường này được học một số học phần tại trường khác và ngược lại.
Việc này được thực hiện khi hiệu trưởng 2 trường đồng ý và số lượng tín chỉ mà SV tích lũy tại trường ĐH khác không vượt quá 25% tổng khối lượng của chương trình đào tạo.
Tân sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM có nhiều cơ hội tham gia trao đổi học tập tại trường khác. NAM TRẦN
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo – Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho rằng điểm mới này của quy chế rất có lợi cho người học. Không chỉ giới hạn khoảng cách di chuyển của SV ở những địa phương khác nhau mà quan trọng hơn còn giúp người học có cơ hội được trải nghiệm môi trường học tập khác nhau. Khi đó, chẳng hạn SV một trường ĐH tại khu vực ĐBSCL có thể đăng ký để theo học tại một trường ĐH ở TP.HCM.
“Hoạt động này tương tự việc trao đổi SV các trường nước ngoài. Quy chế đã mở, vấn đề còn lại là các trường chủ động triển khai thực hiện”, ông Nhân nói. Cũng theo ông Nhân, hoạt động trao đổi SV nước ngoài được thực hiện tại trường nhiều năm nay, trong thời gian tới trường cũng xây dựng kế hoạch để triển khai việc trao đổi SV với các trường trong nước.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết hoạt động này trường đã thực hiện nhiều năm nay trên cơ sở quy định công nhận tín chỉ lẫn nhau giữa các trường trong hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM. SV các trường và đơn vị thành viên có thể đăng ký học phần của trường khác trong hệ thống, sau đó nộp tín chỉ vào trường mình học.
Ngoài ra, tiến sĩ Hạ thông tin thêm Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM và Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội cũng thực hiện công nhận tín chỉ các môn học tương đồng. “Không chỉ bậc ĐH, 2 trường còn tiến tới công nhận các tín chỉ tương đương ở bậc đào tạo sau ĐH”, tiến sĩ Hạ nói.
Có thể trao đổi học tập ở nhiều trường
Không chỉ dừng lại ở việc trao đổi SV từng trường một, hoạt động này đang được nhiều trường ĐH triển khai theo nhóm những trường cùng khối ngành đào tạo.
Tiến sĩ Bùi Quang Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết trong năm học này trường sẽ tiếp nhận hơn 50 SV từ 10 trường ĐH khác đến học tập trao đổi trong học kỳ hè năm học 2022 – 2023. Hoạt động này được thực hiện trên thỏa thuận chung của 10 trường ĐH cùng đào tạo khối ngành này gồm: Kinh tế quốc dân, Kinh tế TP.HCM, Ngoại thương, Thương mại, Kinh tế (ĐH Huế), Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội); các học viện: Ngân hàng, Tài chính, Chính sách và phát triển. Dự kiến trong tháng 7.2023, SV các trường sẽ cùng học tập các môn tại Phân hiệu Vĩnh Long.
Theo nội dung được ký từ các trường này, việc tổ chức các khóa trao đổi 10 trường được thực hiện dưới dạng các khóa dài hạn (1 học kỳ tương ứng khoảng 15 tuần). Các khóa ngắn hạn (tương ứng từ 3 – 8 tuần) sẽ được các trường tổ chức trong thời gian hè tối đa 12 tín chỉ. Người học đăng ký tối đa 25 tín chỉ và các học phần đăng ký phải có trong chương trình đào tạo của trường tiếp nhận. Người học được sắp xếp học tập, thực tập, nghiên cứu cùng với người học của trường tiếp nhận trong các lớp học được mở theo kế hoạch học tập của trường.
Sinh viên các trường ĐH tham gia trao đổi học tập tại Trường ĐH Nha Trang. PHƯƠNG VĂN
Tiến sĩ Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nha Trang, cho hay trường cũng thực hiện việc trao đổi người học với các trường ĐH gồm: Đà Lạt, Tây Nguyên, Kiên Giang và Học viện Nông nghiệp VN. Tiến sĩ Phương cho biết đây là năm đầu tiên trường tiếp nhận SV trao đổi đến từ các trường ĐH khác. Trong đó, hơn 30 SV ngành ngôn ngữ Anh Trường ĐH Kiên Giang và Học viện Nông nghiệp VN đã đến học tập 2 học phần biên dịch và phiên dịch tại trường. “Sau lớp học đầu tiên được triển khai, trường sẽ mở rộng để có thêm SV nhiều trường khác cùng tham gia hoạt động học tập này”, ông Phương nói.
Nhận định thêm về hình thức học tập mới, ông Phương cho rằng SV có cơ hội trải nghiệm môi trường học tập khác nhau, giao lưu học hỏi với các SV khác, bổ khuyết những môn học mà trường khác có thế mạnh. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng: “Mỗi trường có mức độ tự chủ khác nhau, sự khác biệt về học phí khiến việc triển khai đào tạo chung cũng gặp những hạn chế. Hơn nữa, một số trường chưa sẵn sàng vì còn e ngại việc SV chuyển đi học trường khác sẽ ảnh hưởng giờ giảng của giảng viên trường mình”.
Theo Hà Ánh/TNO
Bình luận (0)