Hội nhậpGiáo dục phát triển

Trường THCS Trần Quốc Toản 1: Chuyển đổi số giáo dục từ thư viện thông minh

Tạp Chí Giáo Dục

Với nhiệm vụ xây dựng trường tiên tiến, hội nhập khu vực và quốc tế, Trường THCS Trần Quốc Toản 1 (TP.Thủ Đức) đã từng bước thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục. Theo đó, trường tập trung xây dựng không gian mở, chuyển đổi thư viện truyền thống sang thư viện số.

Cô Nguyễn Thị Thu Hằng – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Sau thời gian sửa chữa, nâng cấp và mua sắm trang thiết bị, thư viện số hiện đại, thông minh, đa chức năng của Trường THCS Trần Quốc Toản 1 được đưa vào hoạt động từ tháng 2-2022. Thư viện có tổng kinh phí đầu tư hơn 2,3 tỷ đồng, trong đó hơn 1,6 tỷ đồng từ nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị và gần 700 triệu đồng từ hỗ trợ của mạnh thường quân.

Với không gian thiết kế đa chức năng, thiết bị đa tiện ích, thư viện hỗ trợ đắc lực cho việc triển khai các hoạt động dạy học và giáo dục đặc thù của nhà trường mà không bị giới hạn không gian và thời gian. Đặc biệt là phù hợp với xu hướng phát triển chung của thành phố, lộ trình xây dựng xã hội số của quốc gia.

Tại thư viện số, thầy và trò có thể khai thác dạy và học qua thiết bị có kết nối từ xa với hàng ngàn tài khoản cùng lúc. Thư viện số không chỉ giúp tối ưu hóa vai trò của thư viện mà còn là tiền đề thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục.

Qua trải nghiệm, học tập tại thư viện, em Phan Lê Quỳnh Như – lớp 9/2, Trường THCS Trần Quốc Toản 1 chia sẻ, với một số bộ môn, học từ sách giáo khoa và qua bài giảng của thầy cô thì việc tiếp cận nguồn thông tin, hình ảnh sẽ hạn chế, khó hình dung nhưng học với nguồn học liệu và tài nguyên từ thư viện, tiết học trở nên sinh động, thú vị hơn.

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Nguyệt – giáo viên môn vật lý và KHTN lớp 6 Chương trình GDPT mới đúc kết: “Với phương pháp dạy học truyền thống thì học sinh chỉ có thể quan sát hình ảnh qua sách giáo khoa hay qua video nhưng với các phần mềm được trang bị tại thư viện thì giáo viên và học sinh có thể sử dụng linh hoạt các phần mềm 3D, hình ảnh chất lượng làm tăng tính trực quan, qua đó học sinh ghi nhớ kiến thức sâu hơn và có thể ứng dụng trong thực tế dễ dàng hơn”.

Để có thư viện số đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong giáo dục, tập thể Trường THCS Trần Quốc Toản 1 đã xây dựng những giải pháp, cụ thể: Huy động hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nhà trường; Thiết kế lộ trình xây dựng thư viện cụ thể, tránh lãng phí đầu tư; Nâng cấp, đầu tư cơ sở vật chất theo hướng đa chức năng, đa nhiệm vụ nhằm tối ưu hóa không gian và công năng của thư viện. Một giải pháp quan trọng nữa là đào tạo và bồi dưỡng nhân sự để vận hành hiệu quả thư viện số.

Định hướng chuyển đổi số giáo dục của nhà trường cho thời gian tới, cô Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết thêm: Vận hành hiệu quả thư viện thông minh tiếp tục được nhà trường xác định là một nhiệm vụ quan trọng trong định hướng phát triển nhà trường giai đoạn 2022-2026, tầm nhìn đến 2030. Qua đó tạo điều kiện tối đa cho giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy. Nhà trường cũng sẽ tiếp tục đầu tư hơn nữa để thư viện số thật sự là một khởi đầu tốt đẹp trên lộ trình xây dựng trường học thông minh, phù hợp với định hướng phát triển đô thị thông minh của TP.

Tuấn Đặng

 

Bình luận (0)