Là tọa đàm do Báo Người Lao động tổ chức chiều 17-11 nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.
Ông Tô Đình Tuân (Tổng biên tập Báo Người Lao động) và Giáo sư Huỳnh Như Phương trao giải nhất cho tác giả Trần Thị Rồng
Tại đây, nhiều ý kiến cho rằng, giáo viên bây giờ chịu quá nhiều áp lực. Đó không chỉ là áp lực về sổ sách, thu nhập mà còn là áp lực vì bị học sinh, phụ huynh và xã hội “kiểm soát” bằng hành vi quay phim, chụp hình. Bên cạnh đó, giáo viên còn phải làm nhiều việc mà các thầy, cô không hề mong muốn, những công việc trái với nghề dạy học…
Giáo sư Huỳnh Như Phương cho rằng, nhà trường không nên để giáo viên phải nhắc chuyện thu tiền với phụ huynh, học sinh. Đây là công việc của tài vụ. Sổ sách của giáo viên nên giảm còn 1-2 cuốn, chứ không phải 5-6 cuốn, thậm chí là 8 cuốn như hiện nay. Ngành giáo dục nên bớt hành chính để giáo viên toàn tâm toàn ý dạy học…
Dịp này, Báo Người Lao động đã tổng kết và trao giải cuộc thi viết “Người thầy kính yêu” lần 1. Theo đó, Ban Tổ chức đã nhận được gần 400 bài dự thi của các tác giả ở mọi miền đất nước cũng như kiều bào ở nước ngoài. Trong đó có tác giả mới 13 tuổi – học sinh lớp 8, có tác giả 96 tuổi.
“Nhìn chung, thành phần tác giả dự thi rất đa dạng và phong phú, song tất cả đều có một điểm chung, đó là hồi tưởng về thầy, cô của mình trong quá khứ hoặc kể chuyện về những “người đưa đò” đương thời bằng sự kính trọng, bằng những kỷ niệm, câu chuyện, hành động chân thực, sâu sắc, hữu ích. Qua đó làm toát lên tấm gương những nhà giáo mẫu mực về nhân cách, yêu nghề và giỏi nghề, tận tụy với sự nghiệp trồng người”, ông Tô Đình Tuân – Tổng biên tập Báo Người Lao động – cho biết.
Cũng theo ông Tuân, Ban Tổ chức đã chọn 18 bài dự thi vào vòng chung khảo, kết quả có 6 tác phẩm đoạt giải – 1 giải nhất, 1 giải nhì, 2 giải ba và 2 giải khuyến khích. Trong đó, giải nhất được trao cho tác giả Trần Thị Rồng (96 tuổi, cựu giáo viên thị trấn Mỹ Luông, Chợ Mới, An Giang) với tác phẩm “Nỗi nhớ thầy, cô khắc sâu như tạc”.
Tin, ảnh: H.Triều
Bình luận (0)