Tết vui nhất là những ngày trước Tết, mà phải là ở quê, Tết quê mới thực sự vui. Ở đó có cả bầu không khí rộn ràng cảnh mọi người chuẩn bị cho Tết và một miền không gian hoài niệm, cũ mà không bao giờ chịu tàn phai.
Ảnh: Huỳnh Mỹ Thuận
Tôi đã không có dịp hít thở không khí hoài niệm Tết quê ấy suốt hơn hai mươi năm. Đó là từ khi lập gia đình, mỗi hai năm mới về quê ăn Tết một lần, vì phải chia đều một năm Tết nội, một năm Tết ngoại. Mà chỉ được về quê những ngày trong Tết, khoảng tầm mùng 2 trở đi. Vậy là suốt thời gian dài không được nếm mùi Tết quê đúng nghĩa hoài niệm. Cho đến năm nay…
Tôi đã có kế hoạch từ trước, và đã thỏa thuận trước với vợ con, là tôi sẽ về quê mình ăn Tết một mình, về từ những ngày trước Tết. Hai mẹ con sẽ về Tết ngoại, và bù lại, hè sau, tôi sẽ mua vé máy bay cho cả nhà về nội. Giơ tay biểu quyết nhanh thiệt nhanh liền, vì vợ và nhóc nhà tôi chưa một lần được đi máy bay. Chuyến bay hè có thể được xem như một phần thưởng, làm vợ con của người viết văn nghèo thì nó thế.
Về quê mình ăn Tết một mình nghĩa là tôi sẽ được dịp sống lại trong miền không gian hoài niệm của Tết xưa, chỉ thiếu mỗi Tết nay không còn được nghe tiếng pháo. Tôi sẽ cùng ba má nấu và canh chừng nồi bánh tét đêm 30. Khuya 30 sẽ vớt bánh tét dâng lên bàn thờ tổ tiên cúng giao thừa. Rồi trong giờ khắc ấy tưởng tượng tiếng pháo đì đùng tiễn năm cũ, đón năm mới.
Nhưng trước đó, sáng sớm 30 tháng chạp, tôi sẽ chở má đi chợ mua sắm đồ Tết. Chợ quê ngày Tết lúc nào cũng đông, rộn bước chân người. Má tôi sẽ mua thực phẩm dự trữ trong hai ngày, vì ở quê phải tới mùng 2 Tết người ta mới họp chợ lại. Tôi sẽ hỏi, “Má có muốn mua quần áo mới ăn Tết không, con mua cho”, giống như ngày xưa má đã dành dụm cắc ca cắc củm suốt mấy tháng cuối năm để có tiền sắm đồ mới cho anh em tụi tôi đi chơi Tết.
Và lui lại chút, vào chiều tối 29 tháng chạp, tôi sẽ chở ba tôi đi dạo phố, ghé quán cà phê ngon, mỗi người một ly, kèm điếu thuốc thơm, ngày xưa được vậy là sang lắm lắm! Rồi hai cha con lượn một vòng quanh chợ hoa. Hai chúng tôi sẽ đi từ hàng hoa thược dược, hoa cúc, hoa mai, hoa hướng dương, rồi đến hàng hoa vạn thọ. Không cần phải hỏi, ba tôi cũng sẽ chọn ngay một chậu vạn thọ màu vàng thật to, hoa nở đều, và nói: “Con ưng thì trả tiền cho người ta, rồi mình chở về!”. Hoa vạn thọ là loài hoa đặc trưng của ngày Tết ở miền Trung quê tôi, hoa biểu trưng cho sự vui vẻ, cát tường, sự trường thọ. Và dĩ nhiên là tôi sẽ chọn ngay chậu hoa mà cả hai cha con đều ưng ý.
Ba tôi không thích chưng diện, nhưng tôi sẽ ướm hỏi ông thích đôi giày nào để tôi mua tặng một đôi giày đi Tết. Đó là một kỷ niệm khó quên vào mỗi dịp Tết năm xưa. Hồi đó, vào những ngày cuối năm, anh em tôi mỗi người sẽ được ba mua cho một đôi dép mới (thường là dép nhựa) để đi chơi Tết, mà sang nhất cũng chỉ là đôi giày bata. Tết nay thì tôi sẽ mua cho ba đôi giày nào mà ba thích. Nay người ta không còn bán bata nữa, vậy thì giày Tây cho oách, ba nghen!
Sáng mùng một, sau khi cúng lễ ông bà ở nhà, cả gia đình sẽ đưa nhau đi chùa, gọi là xuất hành, rước lộc đầu năm. Lễ Phật xong là đi thăm nhà ông bà nội, ngoại hai bên. Mùng một Tết ở quê, người miền Trung vẫn còn tục kiêng ngày đầu năm, nên phải đến mùng 2 mới đi chúc Tết bà con xóm giềng, bạn bè thân hữu xa gần.
“Mùng một Tết cha, mùng ba Tết thầy”, đây là lệ xưa, và tôi cũng không ngoại lệ. Sáng mùng ba Tết, tôi sẽ đi thăm các thầy cô ở trường cấp hai cũ của chúng tôi ngày xưa, năm nay có tổ chức chương trình kỷ niệm 35 năm thành lập trường. Chỉ có dịp Tết, mọi người mới về quê, tề tựu gần như đông đủ, nên sự kiện này cũng là dịp để thầy trò hội ngộ, ôn cố tri tân. Thầy, cô năm nay ai cũng đã bảy mươi, đúng như câu “Thất thập cổ lai hy”.
Và có một người tôi rất mong được gặp lại vào dịp Tết này. Đó là cô bạn học thời cấp hai thời xa xưa đó. Hồi đó, bạn là hoa khôi của trường, học rất giỏi. Mà hồi đó, bạn nữ nào xinh đẹp cũng đều học rất giỏi! Nhưng không may, đến cuối năm cấp ba, bạn lại bị bệnh, nhiều năm về sau này tôi mới biết đó là bệnh trầm cảm. Và tới giờ, bạn vẫn như thời con gái, không áo trắng sân trường, mà là một bóng hồng cô đơn. Bẵng đi một thời gian dài mất liên lạc, gần đây mới kết nối lại được, tôi mừng hết sức.
Dĩ nhiên, tôi sẽ ăn diện thật đẹp để đến nhà bạn. Khi dựng xe trước cửa nhà, sẽ phải ít lâu sau mới nghe thấy tiếng người vọng ra từ trong nhà: “Ai đó dẫy?” (*). Ồ, tiếng Bình Định, miền Trung mình, nghe thân thương làm sao! Rồi tôi sẽ nói, “Là Thưởng đây, Thưởng đến thăm bạn đây!”.
Bạn sẽ bước ra cửa, nheo nheo mắt, rồi bật thốt lên, “Ừa, đúng rồi, Thưởng ngày xưa đây rồi!”. Bạn sẽ mời tôi vào nhà, ngồi vào bàn khách, cả hai cùng cắn hạt dưa, cắn đến khi nào mỏi miệng, đôi môi đỏ chót lên mới thôi. Tôi sẽ hỏi thăm bạn thật nhiều, còn bạn thi thoảng mới nói một đôi câu, kèm theo lời thán, “Dẫy na”, hay “Thâu rầu”, “Hổng dám đâu, kệ nẫu!”(*). Ừ, thì đại loại sẽ là như vậy. Rồi đến cuối buổi gặp mặt, tôi sẽ mở lời ướm hỏi: “Bạn có muốn đi thăm, chúc Tết ai đó không, Thưởng chở bạn đi?”.
Thế rồi trên đường tôi chở bạn đi chúc Tết, cả hai sẽ rỉ rả ôn lại chuyện ngày xưa. Cũng chỉ độ 35 năm thôi mà đã thành chuyện xưa rồi. Tới đây, tôi chợt nhớ đến câu thơ của thầy Tuệ Sỹ: “Năm tháng vẫn như nụ cười trong mộng!”. Và giấc mộng ấy sẽ được đánh thức khi chúng tôi cùng đứng bên nhau lặng ngắm sông Kôn, dòng sông của tuổi thơ, dòng chảy của lịch sử. Bên kia là bến Trường Trầu, nơi “anh Hai Trầu” (Nguyễn Nhạc) khởi đầu và kết thúc những thuyền hàng ngược lên miền cao, rồi xuôi về lại đồng bằng vào thời tiền khởi nghĩa Tây Sơn. Xa xa nữa là những làng nghề thủ công truyền thống, như xóm đậu (làm đậu hũ), xóm giá (giá đậu)…
Tết về, Tết về đến nơi rồi. Vậy mà vẫn có người còn chưa biết mùi Tết. Chưa biết thì phải đi tìm thôi. Tìm, ắt sẽ gặp, là gặp điều ta muốn tìm. Còn không thì sống trong miền hoài niệm, mà nhớ về Tết, Tết của ngày xưa.
Tạp bút của Trần Văn Thưởng
(*) Chú thích: Theo cách phát âm của người Bình Định hoặc Phú Yên, “dẫy na” nghĩa là “thiệt vậy hả”, “thâu rầu” là “thôi rồi”, “kệ nẫu” là “kệ người ta”.
Bình luận (0)