Đây là thông tin được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra tại buổi tiếp xúc cử tri quận Ninh Kiều, Cái Răng và huyện Phong Điền – TP.Cần Thơ để thông báo kết quả kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV cũng như lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp xúc cử tri tại TP.Cần Thơ
Tại buổi tiếp xúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính thông tin, Quốc hội đánh giá cao những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực của đất nước trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước có nhiều khó khăn, thách thức.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Lạm phát được kiểm soát dưới 3%. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 616 tỷ USD, xuất siêu 9,4 tỷ USD; xuất khẩu nông sản đạt 45 tỷ USD, xuất khẩu gạo trên 6 triệu tấn. Trên 178.000 doanh nghiệp được thành lập mới và quay trở lại hoạt động; an ninh năng lượng, lương thực cơ bản bảo đảm; thị trường lao động phục hồi. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội được chú trọng; đời sống người dân được cải thiện. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 7,6 triệu đồng/tháng, tăng 1,6 triệu đồng so cùng kỳ. Đã hỗ trợ 87.000 tỷ đồng cho gần 56 triệu lao động và gần 800.000 người sử dụng lao động.
Năm 2023, Quốc hội giao chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP là 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%…
Theo đó, về các nhiệm vụ, giải pháp năm 2023, Thủ tướng nêu rõ, tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; Tập trung phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; Đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế; Tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; Giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội…
ĐBQH TP.HCM tiếp xúc cử tri Tại quận Phú Nhuận, nhiều cử tri phấn khởi khi tại kỳ họp này, các ĐBQH đã thể hiện tính chuyên nghiệp và năng lực với những vấn đề của đất nước; những vấn đề dư luận quan tâm được ĐBQH thảo luận, chất vấn, qua đó đã tạo được niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, Quốc hội. Một số cử tri kiến nghị Quốc hội và Chính phủ thực hiện đồng bộ và thành công các giải pháp bình ổn giá cả thị trường để việc tăng lương cơ sở và thực hiện cải cách tiền lương thực sự có giá trị đối với người lao động; sớm thực hiện tự chủ ở các bệnh viện để chăm sóc người bệnh tốt hơn; kiểm soát, bình ổn giá… Tại quận 3, cử tri Tạ Văn Thanh (P.11, Q.3) bức xúc, thời gian qua, tình hình biến động xăng dầu gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến đời sống nhân dân. Vì vậy, tổ ĐBQH cần gửi ý kiến để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo quyết liệt, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, cơ quan liên quan thực hiện tổng thể các giải pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước. Một số cử tri kiến nghị cần có giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả hơn Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM. Trả lời câu hỏi của cử tri, ĐBQH Đỗ Đức Hiển thông tin, về việc cung ứng xăng dầu, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương có giải pháp điều chỉnh giá xăng dầu hợp lý để sát với tình hình thị trường. Thời gian tới, Quốc hội cũng sẽ xem xét về việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu để kéo giảm giá. Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 131, ĐBQH Trần Kim Yến cho biết, trong hơn 1 năm thực hiện nghị quyết này, TP.HCM đã có nhiều hội thảo chuyên đề để phân tích, đánh giá và rút kinh nghiệm một số vấn đề chưa sát với thực tiễn. Bên cạnh đó, còn một số nội dung cần tiếp tục đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội trong việc ban hành các cơ chế, chính sách để thực hiện tốt hơn nghị quyết này. |
Tại buổi tiếp xúc, Thủ tướng đã giải đáp, làm rõ các vấn đề cử tri quan tâm. Cụ thể, với lĩnh vực y tế… Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Y tế hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4-7-2011 về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập để trình Chính phủ ban hành, trong đó dự kiến nâng phụ cấp ưu đãi nghề cho nhân viên y tế dự phòng, y tế cơ sở từ mức 40-70% lên 100%. Đồng thời đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương cải cách tiền lương quan tâm tới chế độ tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ ngành y tế khi thực hiện chế độ tiền lương mới để nâng cao thu nhập, đảm bảo cuộc sống cho nhân viên y tế công lập. Bên cạnh đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu xây dựng quy định về tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, đảm bảo nguồn lực tự chủ hoạt động của các bệnh viện công lập.
Về vấn đề xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã ban hành nghị định, Thủ tướng đã ban hành quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Hiện đề án đang được Thủ tướng xem xét, phê duyệt để các cấp, các ngành triển khai thực hiện trong thời gian tới.
“Đối với các vấn đề bất cập mà cử tri nêu, Chính phủ và các bộ ngành sẽ cố gắng khắc phục nhanh chóng, đáp ứng đòi hỏi chính đáng của người dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhóm PV
Bình luận (0)