Làm sao để lựa chọn đúng ngành nghề? Chọn nghề theo năng lực hay đam mê?… Đó là băn khoăn của các em học sinh trong chương trình tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 15 năm học 2022-2023 vừa diễn ra tại 2 trường thuộc tỉnh Đồng Nai: THPT Trấn Biên và THPT Nguyễn Trãi.
TS. Tô Nhi A (chuyên gia tâm lý) tư vấn cho học sinh Trường THPT Trấn Biên
Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai, ĐH Quốc gia TP.HCM, Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT) tổ chức. Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF) và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) là đơn vị đồng hành.
Xác định lộ trình
Tư vấn cho các em học sinh, ThS. Trần Vũ (Trưởng phòng Thông tin Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM) cho biết, muốn chọn được ngành nghề phù hợp, các em học sinh phải có lộ trình. Đầu tiên, các em phải xác định công việc mà mình muốn làm. Nếu không biết lựa chọn nghề nào các em có thể dựa vào năng lực học tập, tham vấn thầy cô, chuyên gia hoặc làm những bài tập trắc nghiệm. Khi lựa chọn được nghề, tiếp theo các em phải xác định ngành học, bậc học, trường học.
Nói về câu chuyện học một ngành nhưng ra trường làm một nghề, ThS. Vũ cho rằng tình trạng này khá phổ biến, thường rơi vào trường hợp những em không lựa chọn ngành nghề phù hợp để học, sau cùng mới phát hiện bản thân phù hợp với công việc khác. Vậy làm sao để có kiến thức để làm việc một nghề không liên quan đến ngành học? ThS. Vũ cho biết, hiện nay, ngoài việc đào tạo kiến thức các trường ĐH đều có các câu lạc bộ, đội, nhóm, chương trình giao lưu, thực tập, thực tế. Những sinh viên năng động, nhạy bén, tích cực tham gia hoạt động sẽ tích lũy được kiến thức trong quá trình học ĐH. Khi ra trường, dù sinh viên đó không làm công việc liên quan đến ngành nghề nhưng vẫn thành công. Học ĐH quan trọng nhưng khả năng tự học quan trọng hơn. Người năng động, nhạy bén, luôn chịu khó học hỏi sẽ dễ thích nghi với môi trường làm việc và dễ thành công.
Một nam sinh Trường THPT Nguyễn Trãi nhờ ban tư vấn tháo gỡ khó khăn trong việc lựa chọn ngành nghề
Theo ThS. Vũ, thống kê cho thấy thế hệ gen Z có mức độ nhảy việc khá cao. Cứ khoảng 2-3 năm các em có thể nhảy việc chuyển sang làm công việc mới. Đối với những em biết bản thân muốn gì, thấy công việc đang làm không phù hợp, không thể thăng tiến trong công việc khi chuyển sang công việc mới, môi trường mới sẽ giúp các em làm việc tốt hơn. Ngược lại, những em không biết bản thân muốn gì, khi chuyển việc sẽ khiến các em hoang mang, khó thành công.
Nói thêm về việc lựa chọn ngành nghề, TS. Tô Nhi A (chuyên gia tâm lý) cho rằng, các em nên ưu tiên lựa chọn ngành nghề theo năng lực hơn so với đam mê. Trong năng lực có chỉ số đam mê nên làm việc phù hợp với năng lực sẽ đam mê và thấy công việc dễ dàng. Trong khi đó, người có đam mê chưa chắc có năng lực. “Điều này có thể thấy rõ từ quá trình xét tuyển vào ĐH, CĐ cho đến khi đi làm. Khi xét tuyển, thí sinh trúng tuyển phải đạt yêu cầu đầu vào và để đạt được, các em phải có năng lực học tập. Khi tốt nghiệp ĐH, CĐ, các em cũng phải hoàn thành tốt các môn, đáp ứng yêu cầu đầu ra. Đến khi đi làm, doanh nghiệp cũng dựa vào năng lực để trả lương, thăng chức. Yếu tố năng lực vô cùng quan trọng, đam mê chỉ là yếu tố phụ. Cho nên, khi lựa chọn làm gì các em nên lựa chọn theo năng lực mới gặt hái được thành công”, TS. Nhi A cho biết.
Chọn ngành nào đón đầu xu thế?
Trước cuộc cách mạng 4.0, nhiều học sinh lo lắng về việc lựa chọn ngành nghề. Điển hình như em Nguyễn Minh Đăng (lớp 12A1, Trường THPT Trấn Biên): “Em có quan tâm đến ngành Digital marketing và truyền thông đa phương tiện nhưng không biết nên lựa chọn ngành nào?”.
ThS. Vương Văn Khởi (Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) cho hay, Digital marketing là chuyên ngành của marketing – ngành học được nhiều bạn trẻ yêu thích, lựa chọn. Nếu marketing làm công tác quảng bá thương hiệu, sản phẩm bằng hình thức truyền thống thì Digital marketing ứng dụng công nghệ để quảng bá nhằm đưa thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp đến khách hàng một cách nhanh chóng và tiện lợi. Ngành truyền thông đa phương tiện là ngành ứng dụng công nghệ thông tin trong sáng tạo, thiết kế và phát triển các sản phẩm mỹ thuật để ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống. Nếu như trước kia, truyền thông chỉ gói gọn trong những bài viết, những mẩu quảng cáo trên các mặt báo và truyền hình thì hiện nay, sự phát triển như vũ bão của lĩnh vực công nghệ thông tin đã kéo theo các thông tin truyền thông mở rộng ra thành nhiều hình thức khác nhau như video, tranh ảnh, website, mạng xã hội… “Tùy vào mục tiêu và sở thích của bản thân, học sinh có thể lựa chọn ngành Digital marketing hoặc truyền thông đa phương tiện để theo đuổi. Ngành học nào cũng đón đầu xu thế nêu sinh viên có năng lực và tạo ra sản phẩm cho xã hội”, ThS. Khởi khẳng định.
Học sinh Trường THPT Trấn Biên được tư vấn thêm sau chương trình
Giải đáp cho nhiều học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi về ngành ngôn ngữ Anh và quản trị kinh doanh, ThS. Phan Minh Thiện (Phó ban Tuyển sinh, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho biết, ngành ngôn ngữ Anh là một ngành học chuyên nghiên cứu, sử dụng tiếng Anh để sinh viên có thể làm chủ và giao tiếp tiếng Anh thành thạo. Ngôn ngữ Anh mang đến nhiều cơ hội cho các bạn trẻ mong muốn làm việc tại môi trường kinh tế hội nhập với các doanh nghiệp nước ngoài. Ngành ngôn ngữ Anh có 3 chuyên ngành: Tiếng Anh thương mại; biên phiên dịch; tiếng Anh sư phạm. Ngành quản trị kinh doanh đào tạo các kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến việc thành lập và điều hành một doanh nghiệp. Người học sẽ được học về mọi bộ phận trong một công ty như kế toán, marketing, tài chính, nhân sự… cùng nhiều kỹ năng mềm liên quan đến công việc như lãnh đạo, phân tích và cả đạo đức kinh doanh. “Cả ngành ngôn ngữ Anh hay quản trị kinh doanh đều là những ngành học mang lại cho sinh viên nhiều cơ hội trong tương lai. Tùy vào nhu cầu, sinh viên có thể lựa ngành học để theo đuổi ước mơ”, ThS. Thiện nhắn gửi.
Hồ Trinh
Bình luận (0)