Động thái này diễn ra sau khi Nghị quyết 165 của Chính phủ yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học công lập giữ ổn định mức thu năm học này (2022-2023) bằng với năm học 2021 -2022 do cơ sở giáo dục đã ban hành theo quy định của Nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ.
Nhiều sinh viên vui mừng sau thông báo dừng tăng học phí của các trường đại học
Ngày 6/1, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV)- ĐH Quốc gia TPHCM phát hành thông báo điều chỉnh học phí cho năm học 2022-2023.
Ông Trần Nam, Trưởng Phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp- Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM cho biết, trường thực hiện theo Nghị quyết 165 của Chính phủ về việc không tăng học phí ở các cơ sở giáo dục, đào tạo công lập để đảm bảo quyền lợi của sinh viên.
Theo đó, trường sẽ áp dụng mức học phí của năm học 2022-2023 như mức của năm học 2021-2022. Sinh viên đã nộp học phí theo mức thu mới thì sẽ cấn trừ vào khoản học phí học kỳ II hoặc có thể liên hệ phòng Kế hoạch – Tài chính để nhận lại.
Tuy nhiên, ông Nam cho hay, chỉ những sinh viên khóa tuyển sinh năm 2021 trở về trước (tức sinh viên năm thứ hai trở lên) mới được điều chỉnh học phí theo mức cũ của năm học trước. Cụ thể ở hệ đại trà có mức thu cũ năm học 2021-2022 trung bình 11 triệu đồng/năm học. Còn hệ chất lượng cao có mức thu cũ khoảng 36 triệu đồng/năm học.
Riêng với khoá tuyển sinh năm 2022, ông Nam cho rằng do đây là khoá đầu tiên trường chuyển sang thực hiện cơ chế tự chủ tài chính nên vẫn áp dụng mức học phí mới theo lộ trình. Tức ở hệ đại trà có mức thu học phí từ 16-24 triệu đồng/năm học (tuỳ theo nhóm ngành). Còn hệ chất lượng cao có mức thu cao nhất khoảng 60 triệu đồng/năm học, hệ đào tạo liên kết quốc tế khoảng 82 triệu đồng/năm học.
Tương tự, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên- ĐH Quốc gia TPHCM cũng thực hiện việc điều chỉnh học phí chỉ áp dụng không tăng cho những sinh viên khóa tuyển sinh năm 2021 trở về trước. Còn khóa tuyển sinh năm 2022 do là năm đầu tiên trường thu học phí theo cơ chế tự chủ nên vẫn thực hiện mức thu mới như bình thường, cụ thể hệ đại trà có học phí thấp nhất là 21,5 triệu đồng/năm, cao nhất là 27 triệu đồng/năm.
“Hiện khóa 2022 của trường chỉ mới tạm thu học phí một nửa năm học nên sinh viên chắc chắn sẽ đóng thêm dựa vào thực tế điều chỉnh đơn giá mới và phần chênh lệch. Còn sinh viên khóa 2021 trở về trước, số tiền dư sẽ cấn trừ vào học phí học kỳ 2”, thạc sĩ Trần Vũ, Trưởng phòng Thông tin và Truyền thông Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM cho biết.
Ông Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu- Trường ĐH Ngân hàng TPHCM cũng cho hay, nhà trường vừa ban hành thông báo điều chỉnh học phí năm học 2022- 2023 so với mức học phí vừa công bố cách đây ít tháng theo hướng giữ nguyên mức học phí năm học 2021- 2022. Nguyên do là nhà trường thực hiện theo Nghị quyết 165 của Chính phủ yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học công lập giữ ổn định mức thu năm học 2022-2023.
“Theo đó, với những sinh viên đã nộp học phí, số tiền đã nộp thừa sẽ được chuyển sang học kỳ kế tiếp. Với sinh viên năm cuối đã hoàn thành các nghĩa vụ liên quan thì được hoàn tiền tại Phòng Tài chính kế toán từ ngày 13-24/2”, ông Vũ thông tin.
Trước đó, như Tiền Phong thông tin, vào đầu tháng 1/2023, Trường ĐH Luật TPHCM cũng ra quyết định dừng tăng học phí, mức thu học phí năm học 2022-2023 được giữ nguyên như mức thu năm học 2021-2022.
Theo PGS- TS Trần Hoàng Hải- Quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM, với thông báo mới này, nhà trường sẽ tiến hành tính lại toàn bộ học phí cho học viên, sinh viên theo mức thu học phí mới.
Theo đó, với những sinh viên, học viên đã đóng học phí ở học kỳ 1, học phí chênh lệch sẽ được cấn trừ vào học kỳ hai năm học này và các năm tiếp theo.
Còn với những sinh viên, học viên đã đóng hết học phí vào học kỳ cuối, nhà trường sẽ hoàn trả lại vào tài khoản cá nhân của các em sau khi trường tính toán chính xác thông tin số tiền đã đóng.
Trước đó, đầu năm học 2022- 2023, Trường ĐH Luật TPHCM dự kiến tăng khoảng 9% học phí, mức học phí cao nhất có ngành lên đến 165 triệu đồng/ năm.
Nguyễn Quỳnh Anh, sinh viên năm nhất Trường ĐH Luật TPHCM vui mừng khi nhận được thông báo ngừng tăng học phí của trường. "Đầu năm học, bố mẹ phải vay mượn nhiều nơi với hơn 10 triệu đồng để đóng học phí và các khoản đầu năm học cho em, nay trường ngừng tăng học phí, số tiền thừa sẽ được cấn trừ sang học kỳ sau nên em đỡ lo hơn rất nhiều", Quỳnh Anh nói và cho biết, sau Tết, em chỉ cần chuẩn bị thêm khoản 10 triệu nữa là đủ lo cho học kỳ 2 thay vì dự tính 15 triệu đồng như trước.
Theo Nguyễn Dũng/TPO
Bình luận (0)