Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ngoài ĐH Bách khoa Hà Nội, còn trường nào sắp trở thành ĐH?

Tạp Chí Giáo Dục

Không chỉ riêng Trường Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội chính thức có quyết định chuyển thành ĐH Bách khoa Hà Nội, một số trường khác cũng đã có chủ trương và đang trong lộ trình thực hiện chuyển thành ĐH.

Ngoài ĐH Bách khoa Hà Nội, còn trường nào sắp trở thành ĐH? - ảnh 1

Cuộc họp công bố thông tin định hướng phát triển Trường ĐH Kinh tế TP.HCM thành ĐH UEH. HÀ ÁNH

Nghị định 99 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH có quy định chi tiết về điều kiện chuyển trường ĐH thành ĐH. Từ Nghị định 99 này, một số trường ĐH có chủ trương đang trong lộ trình phát triển thành ĐH trong tương lai.

3 trường thành viên thuộc Trường ĐH Kinh tế TP.HCM

Ngay từ thời điểm 2017, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã có chủ trương phát triển thành một ĐH khi nhà nước bàn về việc sửa đổi, bổ sung luật Giáo dục ĐH. Theo Đề án tái cấu trúc nâng cấp Trường ĐH Kinh tế TP.HCM thành ĐH UEH dựa trên cơ sở pháp lý và thực tiễn, quá trình phát triển của ĐH UEH từ năm 2021 đến 2030 có 2 giai đoạn.

Trong giai đoạn 1 (2021-2025), "ĐH UEH" sẽ được hình thành, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực về kinh tế, kinh doanh quản lý, khoa học xã hội và công nghệ trên cơ sở tái cấu trúc Trường ĐH Kinh tế TP.HCM hiện nay. ĐH này sẽ hình thành 3 trường thành viên gồm: Trường Kinh doanh; Trường Kinh tế, luật và quản lý nhà nước; Trường Công nghệ và thiết kế.

Ở giai đoạn 2 (2026-2030), "ĐH UEH" hình thành thêm Trường Quốc tế và nâng cấp Phân hiệu Vĩnh Long thành trường ĐH ở khu vực ĐBSCL. Giai đoạn này, ĐH sẽ đẩy mạnh đào tạo quốc tế và phát triển mở rộng ở địa phương, hướng tới được công nhận trong khu vực châu Á với xếp hạng trong 500 trường ĐH tốt nhất châu Á.

Từ cuối tháng 10.2021, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM chính thức công bố thành lập 3 trường thành viên thuộc Trường ĐH Kinh tế TP.HCM gồm: Trường Kinh doanh UEH; Trường Kinh tế, luật và quản lý nhà nước UEH; Trường Công nghệ và thiết kế UEH.

Với việc ra mắt 3 trường này, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã bắt đầu mô hình trường trong trường ĐH và sau đó tiếp tục các công việc thực hiện đề án tái cấu trúc. Theo lộ trình, trong giai đoạn 2022-2025, nhà trường sẽ trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án thành lập ĐH UEH. Tiếp theo, giai đoạn 2026-2030 là thành lập Trường Quốc tế, nâng cấp Phân hiệu Vĩnh Long thành trường ĐH của khu vực ĐBSCL.

Ngoài ĐH Bách khoa Hà Nội, còn trường nào sắp trở thành ĐH? - ảnh 2

Khuôn viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. UEH

4 trường thuộc Trường ĐH Cần Thơ

Tháng 6.2021, Hội đồng trường Trường ĐH Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết 34 phê duyệt chủ trương chuyển Trường ĐH Cần Thơ thành ĐH Cần Thơ. Nghị quyết này giao hiệu trưởng xây dựng đề án và hoàn thiện các thủ tục pháp lý trình các đơn vị chức năng có thẩm quyền quyết định. Nghị quyết này đã được hội đồng trường Trường ĐH Cần Thơ nhiệm kỳ 2020-2025, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 25.6.2021 và có hiệu lực kể từ ngày ký.

Đầu tháng 7.2021, Hội đồng trường Trường ĐH Cần Thơ tiếp tục có Nghị quyết 36 phê duyệt chủ trương thành lập 4 trường thuộc Trường ĐH Cần Thơ gồm: Trường Kinh tế trên cơ sở khoa kinh tế; Trường Bách khoa trên cơ sở khoa công nghệ; Trường Nông nghiệp trên cơ sở khoa nông nghiệp và Trường Công nghệ thông tin và truyền thông trên cơ sở khoa công nghệ thông tin và truyền thông. Nghị quyết giao hiệu trưởng xây dựng đề án thành lập 4 trường và trình Hội đồng trường quyết định.

Theo Nghị định 99 của Chính phủ, trường ĐH muốn chuyển thành ĐH cần có những điều kiện cụ thể. Theo đó, trường ĐH đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục ĐH bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp; có ít nhất 3 trường thuộc trường ĐH được thành lập theo quy định.

Bên cạnh đó, trường ĐH được yêu cầu phải có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người; có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường ĐH công lập; có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường ĐH tư thục, trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Với quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thành ĐH Bách khoa Hà Nội, đây là trường ĐH đầu tiên chuyển từ trường ĐH thành ĐH sau khi luật Giáo dục ĐH 2018 và Nghị định 99 năm 2019 có hiệu lực.

Theo Hà Ánh/TNO

 

Bình luận (0)