Trong những năm gần đây việc tuyển sinh nhiều ngành khoa học cơ bản gặp khó khăn. Trong đó, có những ngành dù sinh viên được cấp học bổng, miễn học phí vẫn không thu hút người học.
PGS-TS Bùi Thành Nam, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), chia sẻ trong hội thảo. LÝ NGUYÊN
Những vấn đề trên được nêu ra tại Hội thảo "Khoa học cơ bản: Vai trò và định hướng phát triển trong đào tạo và nghiên cứu khoa học" do Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức sáng nay 23.12.
'Tuyển sinh, đào tạo các ngành khoa học cơ bản đang có vấn đề’
Trong hội thảo, PGS-TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã chia sẻ về tổng số tuyển sinh và tỷ lệ tuyển các ngành khoa học cơ bản các năm 2018-2022 tại trường này. Số liệu thống kê của trường cho thấy tỷ lệ tuyển mới các ngành khoa học cơ bản vào khoảng 30% so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm. Năm 2022 có giảm nhẹ về số lượng và tỷ lệ so với 2 năm trước. Một số ngành khoa học cơ bản tiếp tục rơi vào tình trạng khó tuyển sinh.
Đáng chú ý, một số ngành đặc biệt khó tuyển, không có sinh viên hoặc rất ít như: hải dương học năm 2018 (0 sinh viên), năm 2019 (2 sinh viên). Tương tự, tình trạng không tuyển được sinh viên nào cũng diễn ra với ngành tài nguyên và môi trường nước (tên gọi cũ là thủy văn học) vào năm 2017 và 2019, ngành địa chất vào năm 2019. Các ngành này đồng thời cũng tuyển dưới 20 sinh viên/năm trong nhiều năm.
Tương tự, PGS-TS Bùi Thành Nam, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết hiện nay trường này có 9 ngành khoa học cơ bản. Đặc điểm chung của các ngành này là tuyển sinh khó dù chỉ tiêu trung bình chỉ ở mức 50 sinh viên/ngành.
“Tổng số thí sinh đăng ký ít dẫn đến điểm chuẩn đầu vào thấp. Trong khi ngành Hàn Quốc học điểm chuẩn 29,95 thì các ngành khoa học cơ bản chỉ ở mức 20-21 điểm nên chất lượng khoa học cơ bản không thể so với các ngành có kết quả đầu vào tốt”, PGS Nam chia sẻ.
Không chỉ tuyển sinh, ngay trong quá trình đào tạo, PGS-TS Nam nói: “Kết quả học tập của sinh viên các ngành khoa học cơ bản cũng không tốt ở một số ngành, dẫn đến đầu ra và việc làm cũng tương tự. Thống kê 6 tháng đầu tiên sau khi sinh viên tốt nghiệp, tỷ lệ người tìm việc làm các ngành khoa học cơ bản cũng thấp hơn các ngành khác trong trường”.
Từ những dẫn chứng trên, PGS-TS Nguyễn Thành Nam nhận định: “Tuyển sinh, đào tạo các ngành khoa học cơ bản đang có vấn đề”.
Sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM trong lễ khai giảng năm nay. NGỌC DƯƠNG
Nguyên nhân do đâu?
PGS-TS Bùi Thành Nam đặt câu hỏi các trường trong ĐH Quốc gia Hà Nội đều có những chính sách hỗ trợ học phí, cấp học bổng và nơi ở cho sinh viên các ngành khoa học cơ bản nhưng vì sao đầu vào vẫn hạn chế? Theo Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), nguyên nhân chủ yếu vẫn là câu chuyện đầu ra, tương lai sau 4 năm ra trường sinh viên các ngành này khó kiếm việc làm. "Có những cử nhân ngành triết học nói rất thật rằng học ngành này rồi ra trường làm công việc gì, đó là tâm sự rất thực tế”, ông Nam nói.
PGS-TS Nguyễn Thị Hồng Minh cho rằng vấn đề tuyển sinh khó khăn của các ngành khoa học cơ bản của trường cũng nằm trong bối cảnh chung của nhiều trường đào tạo khoa học cơ bản. Có thể kể đến một số lý do như: Tính chất khó khăn của nghiên cứu trong khoa học cơ bản; Sức hút đối với xã hội và người học trong bối cảnh các ngành có tính ứng dụng cao luôn thu hút được thí sinh có chất lượng tốt trong các kỳ tuyển sinh.
Ngoài ra, theo PGS-TS Minh, vị trí việc làm của sinh viên tốt nghiệp các ngành khoa học cơ bản chủ yếu là trong đơn vị hành chính, sự nghiệp, cơ sở nghiên cứu của khu vực công nên thu nhập không cao, lộ trình nghề nghiệp tương đối dài, cần nhiều thời gian để thăng tiến và khẳng định. Sự thiếu hụt thông tin, nhận thức trong xã hội về vai trò của khoa học cơ bản, danh mục tuyển dụng cũng tác động tới cơ hội việc làm của người tốt nghiệp các ngành khoa học cơ bản.
Từ đó, PGS-TS Nguyễn Thị Hồng Minh cho rằng cần có những thay đổi phù hợp. Cụ thể, cần đổi mới và tích hợp chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng hơn. Những năm gần đây, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã mở thêm ngành đào tạo hướng ứng dụng, mang tính liên ngành dựa trên một số ngành cốt lõi thuộc thế mạnh của nhà trường, như: khoa học dữ liệu (dựa trên các trụ cột là toán học, tin học, thống kê); kỹ thuật điện tử và tin học (vật lý), khoa học và công nghệ thực phẩm (hóa-sinh), quản lý đô thị và bất động sản (địa lý)… Đây là những ngành mang tính ứng dụng, không phải là khoa học cơ bản thuần túy nên có sức thu hút và tuyển sinh khá tốt.
Trong bài tham luận của mình, PGS-TS Nguyễn Thị Hồng Minh cũng thông tin để khuyến khích, hỗ trợ sinh viên theo học một số ngành khoa học cơ bản thiếu sức hút đối với sinh viên hiện nay, Chính phủ đã có quy định về việc miễn, giảm học phí cho người theo học các ngành này. ĐH Quốc gia Hà Nội từ vài năm trở lại đây đã được đầu tư kinh phí để thực hiện đề án Áp dụng thí điểm cơ chế tài chính nâng cao chất lượng đào tạo với các ngành khoa học cơ bản. ĐH này đã phê duyệt Chương trình học bổng cho các ngành khoa học cơ bản từ năm học 2022-2023 nhằm thu hút học sinh giỏi, xuất sắc vào chương trình ươm tạo nhà khoa học.
“Những giải pháp đầu tư, chính sách đãi ngộ sẽ có hiệu quả và thu hút sinh viên. Tuy nhiên, đó mới chỉ góc độ đầu vào, cần thiết có sự đồng bộ trong quá trình đào tạo và sử dụng sản phẩm đầu ra”, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) nói.
Theo Hà Ánh/TNO
Bình luận (0)