Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Sự tinh tế, nét hiện đại qua hai đoạn Kiều

Tạp Chí Giáo Dục

Đã là công chúng văn hc, mi ngưi chc hn đã tng đc Truyn Kiu ca đi thi hào Nguyn Du. Càng đc Kiu, càng thy bao điu mi m, hp dn n đng sau tng trang mà dòng chy thi gian làm phát l rõ tng vĩa vàng ng nghĩa…

Mỗi lứa tuổi đọc Kiều đều có những cảm nhận khác nhau. Tuổi 18, tôi đọc Kiều trong rạo rực tuổi xuân; trong tâm thế của một người chuẩn bị bước vào đời. Thuở ấy “Cỏ non xanh rợn chân trời” đã làm xanh ngăn ngắt từng câu thơ lục bát và tâm hồn luôn phơi phới sắc xanh non. Tuổi ngoài 50, tôi đọc Kiều trong trải nghiệm thế thái nhân tình; trong lắng sâu của chiêm nghiệm. Lật lên từng lớp ngữ nghĩa, hai đoạn Kiều ở hai khoảng thời gian khác nhau, viết về hai con người khác nhau nhưng cùng chung một tâm trạng. Đó là hai đoạn thơ sau: Đoạn thứ nhất tả cảnh ngụ tình khi Thúy Kiều vừa tiễn đưa Kim Trọng trong buổi chiều thanh minh bên dòng suối cạnh mộ Đạm Tiên (từ câu 167 đến câu 170): Bóng tà như giục cơn buồn/ Khách đà lên ngựa, người còn ghé theo/ Dưới cầu nước chảy trong veo/ Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha. Đoạn thứ hai cũng tả cảnh ngụ tình khi Thúc Sinh được Hoạn Thư “mở lời” khuyên chàng hãy trở về thăm cha sau thời gian khá dài về thăm nhà (từ câu 1.601 đến câu 1.604): Được lời như cởi tấc son/ Vó câu rong ruổi nước non quê người/ Long lanh đáy nước in trời/ Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng.

1. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Du cho đôi trẻ Kim – Kiều gặp nhau trong tiết thanh minh. Mùa xuân thời điểm này đã tới độ chín, đạt tới độ viên mãn của nó. Mùa xuân là mùa của cây cỏ đâm chồi, nảy lộc, đơm hoa, kết trái. Mùa xuân khiến lòng người rạo rực, bâng khuâng bởi tiết trời đã ấm áp sau những tháng mùa đông giá lạnh. Chẳng thế mà vạn vật đều dậy tràn sức sống, con chim én “đưa thoi” nhộn nhịp như giục giã lòng người. Một buổi chiều tiết trời mát mẻ, tiết thanh minh trong trẻo vô ngần, Thúy Kiều đã gặp Kim Trọng. Tuổi trăng tròn mới lớn, còn e lệ nên Thúy Kiều chẳng dám nhìn thẳng mặt chàng Kim. Nàng thoáng đỏ mặt, cúi đầu e thẹn nên chỉ thoáng thấy đôi giày Kim Trọng “Hài văn lần bước dặm xanh” mà thôi! Trong câu chuyện, hầu như hai người chẳng nói với nhau một câu nào; một lời chào xã giao cũng không có. Chỉ có Vương Quan là bạn học Kim Trọng nên “Chàng Vương quen mặt ra chào”; còn hai chị em Thúy Kiều và Thúy Vân thì thẹn thùng “Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa”. Nhưng mùa xuân là “bà mối” kỳ diệu, mát tay nên Kim – Kiều đã thầm cảm mến nhau; ngỡ chừng duyên này do “tiền định” tự kiếp nào! Một buổi ban đầu thật nên thơ trong tiết thanh minh đầy tràn cỏ xanh và bầu trời đầy chim én lượn. Họ không nói với nhau điều gì bởi mùa xuân, cỏ xanh, bầu trời xanh, tiết thanh minh đã nói giùm tất cả. Cảm giác lâng lâng, ngọt ngào thấm dần vào từng chân tơ kẽ tóc khiến Thúy Kiều như mê như tỉnh: Chập chờn cơn tỉnh cơn mê/ Rốn ngồi chẳng tiện, dứt về chỉn khôn. Trời đã về chiều, ráng ngồi chút nữa e không ổn mà đột ngột từ giã ra về thì cũng khó lắm thay! Và khi Kim Trọng lên ngựa, Thúy Kiều vẫn kín đáo dõi theo màu áo thanh thiên ấy: Bóng tà như giục cơn buồn/ Khách đà lên ngựa, người còn ghé theo/ Dưới cầu nước chảy trong veo/ Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha. Vẫn dòng suối bao đời trong xanh ấy, sao chiều nay nó trở nên “trong veo” hơn, dường như róc rách reo vui hơn? Cây liễu bên cầu chiều nay bỗng xanh hơn, thướt tha hơn, duyên dáng hơn đến lạ! Cây cầu ván đơn sơ, dòng suối nhỏ xinh cùng cây liễu xanh rì như mái tóc con gái bỗng trở nên sống động, thân thiết vô cùng… Câu thơ như reo lên cùng nhịp đập trái tim cháy bỏng yêu đương của Thúy Kiều. “Bóng chiều thướt tha” hay dáng đi thướt tha, mềm dịu của Thúy Kiều? Tất cả đó là tâm trạng khi tình yêu khơi dậy trong lòng Thúy Kiều; một tình yêu trong trẻo, vô tư giữa mùa xuân huyền diệu. Tuổi xuân ấy, mùa xuân ấy như hòa quyện vào nhau; mang đến cho Thúy Kiều một buổi ban đầu đầy niềm vui khôn tả; không dễ gì quên được trong đời.

2. Trong khi đó, với Thúc Sinh, trước hết chúng ta có thể khẳng định rằng: Tuy chàng có vợ con đề huề; có tình chồng vợ nhưng chàng chưa hề có tình yêu lứa đôi đích thực! Tình yêu là sự hòa hợp của hai tâm hồn; là sự rung động của đôi trái tim cùng nhịp đập. Với Thúc Sinh, bà vợ Hoạn Thư có thể do gia đình xếp đặt bởi “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” hoặc do hoàn cảnh “môn đăng hộ đối” tác thành. Vì thế, Thúc Sinh tuy có vợ nhưng chưa có tình yêu đích thực cũng là điều dễ hiểu. Trước Thúy Kiều, trái tim Thúc Sinh bỗng loạn nhịp (Sinh càng một tỉnh mười mê/ Ngày xuân lắm lúc đi về với xuân). Từ mối tình “Trước là trăng gió sau ra đá vàng”, Thúc Sinh đã có Thúy Kiều, có người tâm đầu ý hợp cùng sẻ chia tâm sự buồn vui: Khi gió gác, khi trăng sân/ Bầu tiên chuốc rượu, câu thần nối thơ/ Khi hương sớm, khi trà trưa/ Bàn vây điểm nước, đường tơ họa đàn. Khi Thúy Kiều ngần ngại cho thân phận mình, e ngại cho danh giá chàng thì Thúc Sinh “ra tay nghĩa hiệp”, cứu nàng ra khỏi lầu xanh; đưa nàng về cùng sum họp một nhà: Một nhà sum họp trúc mai/ Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông/ Hương càng đượm, vẻ càng nồng/ Càng sôi vẻ ngọc, càng lồng màu sen. Hơn thế, cũng vì thương Thúy Kiều, vì tình yêu mặn nồng mà Thúc Sinh cam chịu cơn thịnh nộ của cha già. Khi biết Thúc Sinh đón Thúy Kiều nơi lầu xanh về làm vợ, Thúc ông đã buộc Thúc Sinh trả Thúy Kiều trở lại nơi lầu xanh. Nhưng Thúc Sinh đã kêu nài người cha tha thứ và chấp nhận: Rằng: “Con biết tội đã nhiều/ Dẫu rằng sấm sét búa rìu cũng cam/ Trót vì tay đã nhúng chàm/ Dại rồi còn biết khôn làm sao đây”. Khi Thúy Kiều khuyên Thúc Sinh về thăm Hoạn Thư, chàng bịn rịn chia tay trong tư thế của người… ra trận. Đây là một mối tình đẹp, lắng sâu nên Nguyễn Du dành cho buổi biệt ly những vần thơ cực hay trong Kiều! (Người lên ngựa, kẻ chia bào/ Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san/ Dặm hồng bụi cuốn chinh an/ Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh/ Người về chiếc bóng năm canh/ Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi/ Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường). Sau thời gian ở nhà cùng vợ, Thúc Sinh cũng không dại gì “tự thú trước bình minh” mà bề ngoài vẫn luôn vui vẻ. Nỗi nhớ Thúy Kiều càng nhân lên gấp bội khi mùa thu đã sắp tàn (Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô). May mắn thay, Hoạn Thư dường như “hiểu ý” chàng và khuyên chàng trở về thăm cha đang ngóng chờ nơi quê cũ. Mùa thu, mùa của nỗi lòng se sắt, nhớ nhung. Mùa thu, nước xanh trong bởi phù sa đã lắng tận đáy sông sâu. Mùa thu, lòng người dường như cùng lắng lại trong cái lạnh se se của gió heo may đã về. Thúc Sinh hồi hương, trở về thăm cha và thăm Thúy Kiều yêu dấu (Có người nói vui rằng: Yêu phải giấu nên có thể gọi là “người yêu dấu”). Có mùa thu nào đẹp hơn mùa thu này trong tâm thức Thúc Sinh?

3. Cả ngàn năm qua chắc cũng chưa đẹp bằng, chưa thương bằng mùa thu mà chàng Thúc Sinh trở về đầy tâm trạng khi Hoạn Thư “mở đường hiếu sinh” (Cách năm mây bạc xa xa/ Lâm Tri chàng phải liệu mà thần hôn)… Cả Thúy Kiều lẫn Thúc Sinh và cả những người đã yêu, đang yêu đều có chung tâm trạng như thế. Tâm trạng của người đang yêu thật buồn vui lẫn lộn; có đợi chờ, có hờn giận, có thương nhớ… Vạn vật xung quanh bỗng hóa tình người!

Hai đoạn thơ, hai hoàn cảnh, hai con người và hai mùa khác nhau nhưng cùng chung một ý nghĩa. Đó là tâm trạng của con người đang yêu. Với Thúy Kiều, buổi ban đầu và mối tình đầu phải hợp với mùa xuân! Với Thúc Sinh, con người từng trải; mối tình này phải hợp với mùa thu! Mùa xuân sôi nổi, hào hứng; còn mùa thu ơi, hãy lắng lòng trong sâu thẳm dòng thời gian để mà chiêm nghiệm – mùa thu đẹp đến nao lòng nhưng mùa thu cũng báo hiệu một sự chia ly sau đó.

Lê Đc Đng

* Tài liệu tham khảo: Danh ngôn tình yêu – NXB TP.HCM, 1994. Lý luận văn học – Lê Ngọc Trà, NXB Trẻ, 2005. Truyện Kiều – Nguyễn Du – NXB Văn học, 2006.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)