Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Những lầm tưởng về viên nén cà phê

Tạp Chí Giáo Dục

Khi nhắc đến việc pha cà phê, viên nén được cho là không thân thiện với môi trường vì chúng thường khó tái chế, nhưng đây không phải thủ phạm lớn nhất phát thải khí nhà kính.
Nếu bạn uống một trong số 2 tỷ cốc cà phê được tiêu thụ trên toàn thế giới mỗi ngày, bạn có thể từng chứng kiến các bài viết ca ngợi viên nén cà phê vào tháng trước.
Viên nén cà phê
Viên nén cà phê.
Đây là loại viên nén được bọc bằng bao bì nhựa hoặc nhôm, và để sử dụng, người dùng chỉ cần nhét trực tiếp vào máy pha cà phê.
Phân tích mới cho thấy viên nén cà phê có thể thân thiện với môi trường hơn cà phê phin, theo các bài báo được Washington Post và BBC đăng tải. Nhưng liệu điều đó có là sự thật, Guardian đặt câu hỏi.
Một số chuyên gia và những người đam mê cà phê đã đặt câu hỏi rằng viên nén cà phê thực sự tốt cho hành tinh như thế nào, đặc biệt là do rác thải từ bao bì của nó.
Tuy nhiên, một số học giả khẳng định hầu hết khí thải nhà kính xuất hiện trong quá trình trồng cà phê, mặc dù cũng cần cân nhắc đến việc xử lý các viên nén.
Phần nổi của tảng băng chìm
“Thật đau lòng khi biết rằng chúng ta tạo ra quá nhiều rác thải. Nhưng ngay cả khi không còn viên nén cà phê trên thế giới vào ngày mai, việc từ bỏ chúng "sẽ không góp phần giảm phát thải khí nhà kính"”, Luciano Rodrigues Viana, nghiên cứu sinh tiến sĩ về khoa học môi trường tại Đại học Quebec ở Chicoutimi (Canada), cho biết.
Ông là một trong những người đứng sau nghiên cứu mới này. Tháng trước, một nhóm nhà nghiên cứu tại Đại học Quebec đã công bố phân tích về lượng khí thải nhà kính liên quan đến 4 kỹ thuật pha chế cà phê khác nhau: Bằng bình pha cà phê kiểu Pháp, cà phê hòa tan, pha phin hoặc viên nén sử dụng một lần.
Những gì họ phát hiện đã khiến nhiều người ngạc nhiên. Trong một số trường hợp, pha cà phê phin truyền thống có thể tạo ra lượng khí thải gấp 1,5 lần so với máy pha cà phê viên nén, bất chấp rác thải nhôm hoặc nhựa từ bao bì của viên nén.
Các tác giả của bài viết giải thích lý do là việc viên nén giúp tối ưu hóa lượng nước và cà phê mỗi lần sử dụng. Trong khi đó, để pha một tách cà phê phin, một số người sử dụng lượng cà phê nhiều hơn 20% và gấp đôi lượng nước cần thiết.
So với cà phê phin truyền thống, uống cà phê dạng nén (280ml) sẽ giúp tiết kiệm 11-13 g cà phê. Sản xuất 11 g cà phê arabica ở Brazil thải ra khoảng 59g CO2e. Trong khi đó, việc sản xuất cà phê dạng nén chỉ thải ra khoảng 27g CO2e. Những con số này cho thấy tầm quan trọng của việc tránh lãng phí cà phê, theo Conversation.

Cà phê được pha bằng bình Moka.
Theo trực giác, "chúng ta nghĩ rằng viên nén có hại hơn với môi trường vì thường vứt bao bì vào thùng rác sau khi sử dụng", song việc “sử dụng gấp đôi lượng cà phê để pha phin không phải là vấn đề”, ông Viana nói.
Tuy nhiên, việc sản xuất hạt cà phê thực sự “gây ô nhiễm hơn nhiều”. Sự khác biệt là người tiêu dùng không nhìn ra điều đó.
Dù cà phê được pha theo cách nào, quá trình sản xuất hạt cà phê là giai đoạn thải ra nhiều khí nhà kính nhất trong vòng đời của cà phê. Nó tạo ra 40-80% tổng lượng khí thải của cà phê.
Đó là kết quả của cách ngành nông nghiệp sử dụng hệ thống tưới tiêu thâm canh, phân bón và thuốc trừ sâu để tăng năng suất cây cà phê, hay nạn phá rừng để trồng cà phê ở một số quốc gia.
Ông Viana cho biết bản thân không ngạc nhiên với phát hiện của nhóm mình, nhưng ngạc nhiên trước sự chú ý của giới truyền thông, vì “chúng tôi không phải là người đầu tiên báo cáo những phát hiện tương tự”.
Lời kêu gọi hành động
Mặc dù hầu hết nhà nghiên cứu đều đồng ý rằng cà phê viên nén tạo ra ít khí thải hơn so với cà phê phin, điều đó không có nghĩa là không có cách pha cà phê thân thiện với môi trường hơn.
Bên cạnh đó, tác động với môi trường của viên nén cà phê cũng không phải là như nhau ở mọi thành phố hoặc quốc gia.
Vào năm 2021, một nhóm nhà nghiên cứu người Italy đã phát hiện ra rằng việc sử dụng bình Moka, một loại máy pha cà phê phổ biến ở châu Âu và châu Mỹ Latin, có thể tạo ra ít khí nhà kính hơn đáng kể so với viên nén.
Ngay cả phân tích của nhóm nghiên cứu ở Canada cũng phát hiện rằng cà phê hòa tan có ít khí thải hơn.
Nghiên cứu cho thấy cà phê hòa tan là cách pha cà phê thân thiện với môi trường nhất vì nó sử dụng ít cà phê hơn, và ấm đun nước sử dụng ít năng lượng hơn so với máy pha cà phê truyền thống, BBC đưa tin.

Một người đang thu hoạch cà phê.
Dẫu vậy, ông Viana cho biết chỉ vì viên nén tạo ra ít khí nhà kính hơn cà phê phin không có nghĩa là chất thải mà chúng tạo ra không phải là vấn đề. Trên toàn cầu, viên nén cà phê tạo ra khoảng 576.000 tấn chất thải.
Andrew Gray, nhà nghiên cứu thuộc Đại học California-Riverside, cho biết các nghiên cứu như của nhóm ông Viana đang thực hiện là rất quan trọng.
Tuy nhiên, ông chỉ ra vấn đề là đôi khi, các nhà nghiên cứu dường như có xu hướng tập trung vào các chỉ số phản ánh tác động môi trường hoặc khí hậu – như lượng khí thải CO2 vào khí quyển – và sau đó có khả năng bỏ qua các tác động tiềm tàng khác, chẳng hạn ô nhiễm nhựa.
Bên cạnh đó, Guardian chỉ ra rằng cũng không phải những viên nén cà phê có khả năng tái chế sẽ luôn được tái chế. Một nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ có 11% viên nén được tái chế ở Brazil vào năm 2017. Đó là lý do một số thành phố như Hamburg (Đức) đã cấm viên nén cà phê.
Trong một nỗ lực để đối phó với rác thải từ viên nén, một công ty Thụy Sĩ đã tung ra máy “cà phê viên” mới vào cuối năm ngoái. Thay vì sử dụng nhựa hoặc nhôm, viên nén cà phê của hãng được phủ một lớp làm từ rong biển. Họ khẳng định chúng có thể phân hủy hoàn toàn.
Ngoài ra, theo ông Viana, cà phê có thể trở thành một trong những “nạn nhân chính” của cuộc khủng hoảng khí hậu, do diện tích đất thích hợp cho sản xuất cà phê trên thế giới ngày càng giảm.
Ông và các cộng sự nhận định điều quan trọng là các nhà sản xuất và cung cấp cà phê “hãy hành động để giảm tác động đến môi trường và xã hội của việc sản xuất cà phê”.
NT (theo khoahoc.tv)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)