Không quân Mỹ ngày 12-12 tuyên bố lần đầu phóng thành công nguyên mẫu tên lửa siêu vượt âm hoàn chỉnh từ máy bay B-52, sau nhiều lần thử nghiệm thất bại trước đây.
Tên lửa AGM-183A đạt tốc độ lớn hơn 5 lần vận tốc âm thanh trước khi kích nổ ở khu vực được xác định trước. Không quân Mỹ cho biết tất cả mục tiêu của của cuộc thử nghiệm đều được hoàn thành. Cụ thể theo thông cáo, "quả đạn phát nổ ở khu vực mục tiêu, dữ liệu cho thấy mọi yêu cầu đã được hoàn thành".
Máy bay B-52 Mỹ lần đầu phóng thành công nguyên mẫu AGM-183A với đầy đủ tính năng vào ngày 9-12. Ảnh: CNN
Sau khi phóng khỏi máy bay, động cơ đẩy sẽ được kích hoạt nhằm đưa tên lửa đạt đến vận tốc siêu vượt âm – nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh. Sau đó, một thiết bị lượn siêu vượt âm chứa đầu đạn sẽ tách khỏi tên lửa trước khi lao đến mục tiêu.
Không quân Mỹ cho biết AGM-183 do tập đoàn Lockheed Martin chế tạo, chuyên tiêu diệt "các mục tiêu có giá trị cao". AGM-183 được đánh giá cho phép lực lượng Mỹ nhanh chóng tấn công các mục tiêu được bảo vệ nghiêm ngặt trên mặt đất. Mỗi máy bay B-52 có thể mang tối đa 4 quả AGM-183.
Đài CNN cho biết vụ phóng vào ngày 9-12 là thử nghiệm toàn diện đầu tiên của tên lửa AGM-183A. Những cuộc thử nghiệm trước đó chủ yếu tập trung vào động cơ đẩy của tên lửa. Chương trình tên lửa ARRW gặp phải một loạt thất bại trong các cuộc thử nghiệm vào năm 2021, khiến không quân Mỹ lùi tiến độ của dự án.
Bên cạnh các dự án vũ khí siêu vượt âm của các quân chủng khác, AGM-183 là một trong những chương trình tên lửa siêu vượt âm đang được không quân Mỹ tiến hành. Không quân lên kế hoạch mua 12 tên lửa ARRW trong năm tài chính 2022, nhưng do các cuộc thử nghiệm trước đó không thành công nên Quốc hội đã cắt giảm kinh phí.
Chương trình tên lửa ARRW gặp phải một loạt thất bại trong các cuộc thử nghiệm vào năm 2021. Ảnh: Không quân Mỹ
Tháng 5 năm nay, một hệ thống vũ khí khác của Mỹ có tên gọi Hệ thống Lượn siêu vượt âm đã thất bại trong cuộc thử nghiệm toàn diện đầu tiên. Trước đó, một dự án vũ khí siêu vượt âm do quân đội và hải quân Mỹ hợp tác phát triển cũng thất bại.
Sau những cuộc thử nghiệm này, Lầu Năm Góc đẩy mạnh tiến độ phát triển và thử nghiệm vũ siêu vượt âm của Mỹ với sự giúp đỡ từ những nhà nghiên cứu thuộc các trường đại học của nước này.
Bộ Quốc phòng Mỹ hiện chịu áp lực không nhỏ trong việc phát triển và thử nghiệm các hệ thống vũ khí siêu vượt âm nhằm đuổi kịp Nga và Trung Quốc.
Nga và Trung Quốc đã đưa vào trang bị và triển khai trong thực chiến các hệ thống vũ khí siêu vượt âm. Năm ngoái, quân đội Trung Quốc được cho là đã phát triển, thử nghiệm tên lửa siêu thanh tối tân có thể bay vòng quanh hành tinh ở quỹ đạo thấp.
Theo Huệ Bình/NLĐO
Bình luận (0)