Trung Quốc đang chuẩn bị hạ thủy tàu khoan nước siêu sâu đầu tiên để thăm dò dầu khí ở các vùng biển trên thế giới, theo truyền thông nhà nước.
Tàu sẽ có thể hoạt động ở bất kỳ vùng biển nào trên toàn cầu và khoan sâu hơn 10.000 mét, đài truyền hình CCTV đưa tin hôm 18.12. Tàu sẽ được vận hành bởi Cục Khảo sát Địa chất thuộc Bộ Tài nguyên thiên nhiên Trung Quốc.
Việc hạ thủy con tàu diễn ra khi Trung Quốc đang tìm cách mở rộng thăm dò dầu khí ngoài khơi để giải quyết cơn khát năng lượng.
Nhân viên trên một giàn khoan của Trung Quốc ở Biển Đông năm 2020. TÂN HOA XÃ
"Con tàu này là… một 'trụ cột sức mạnh' hỗ trợ xây dựng một quốc gia hàng hải hùng mạnh… Nó đại diện cho một bước tiến quan trọng trong việc phát triển thiết bị thăm dò nước sâu", theo tường thuật của CCTV.
Tầm hoạt động của con tàu vươn ra ngoài các vùng biển trong khu vực. Theo CCTV, tàu khoan mới của Trung Quốc sẽ có thể thực hiện cả khoan thăm dò dầu khí và khoan phục vụ hải dương học ở các khu vực biển khơi thuộc bất cứ đại dương nào trên thế giới.
Tàu cũng sẽ tập trung vào việc giải quyết các vấn đề khoa học môi trường và tài nguyên quan trọng. Nó sẽ được trang bị các thiết bị tiên tiến và có 9 phòng thí nghiệm được thiết kế cho hầu hết các lĩnh vực khoa học đại dương, bao gồm phòng thí nghiệm cổ địa từ (paleomagnetic lab) trên tàu đầu tiên của Trung Quốc để nghiên cứu từ tính trong các mẫu thu thập và phòng thí nghiệm siêu sạch, theo bản tin.
Bên cạnh các nhiệm vụ quốc gia, con tàu cũng sẽ đảm nhận các dự án khoa học quốc tế về khoan ở đại dương.
Con tàu được đóng tại nhà máy đóng tàu Hoàng Phố Văn Chung ở Quảng Châu, thuộc tỉnh Quảng Đông và dự kiến đi vào hoạt động đầy đủ từ năm 2024. Công ty đóng tàu này cũng là nhà sản xuất hầu hết các tàu khảo sát và khoa học của Trung Quốc.
Tàu khảo sát lớn gần đây nhất của hãng mang tên Thực nghiệm 6 đã bắt đầu hoạt động ở Biển Đông năm ngoái.
Theo Lam Vũ/TNO
Bình luận (0)