Các trường học sẽ triển khai mô hình cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý trường học nhằm hỗ trợ, can thiệp kịp thời những vấn đề tâm lý của học sinh trong trường học.
Học sinh cần được tạo môi trường vui vẻ khi đến trường
Gần 60% học sinh bị stress
Trong Hội nghị tập huấn sử dụng tài liệu và bồi dưỡng kỹ năng tư vấn tâm lý trường học mới đây, Bộ GD-ĐT đánh giá, thời gian gần đây, những vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm lý học đuờng như hành vi, cảm xúc, khó khăn tâm lý, định hướng nghề nghiệp, bạo lực, bắt nạt ngày càng trở nên phức tạp, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, đặc biệt ảnh hưởng đến học tập và chất lượng cuộc sống của học sinh.
Tại Việt Nam, nhiều nghiên cứu dịch tễ học về sức khỏe tinh thần ở thanh thiếu niên cho thấy có một tỷ lệ đáng kể cần đuợc quan tâm hỗ trợ, can thiệp. Theo một nghiên cứu từ Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội – cho thấy, stress là vấn đề mà học sinh gặp phải nhiều nhất (56,8%), sau đó đến lo âu và trầm cảm (45,2%), bên cạnh đó học sinh còn gặp phải những khó khăn học tập, định hướng nghề nghiệp…
Bộ GD-ĐT khẳng định, tư vấn tâm lý trường học có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh giải quyết các vấn đề tâm lý gặp phải thông qua các trợ giúp mang tính chuyên nghiệp. Đối với học sinh, tư vấn tâm lý trường học giúp các em tiếp cận được các cơ hội học tập, hướng nghiệp phù hợp và phát triển bản thân, giảm tỷ lệ học sinh bị stress, hình thành thái độ sống tích cực, thiết lập mối quan hệ chan hòa với những người xung quanh. Hoạt động tư vấn tâm lý trường học cũng góp phần hỗ trợ giáo viên, thành viên nhà trường tối ưu hóa năng lực giảng dạy, quản lý.
Để thực hiện tư vấn tâm lý trường học, Bộ GD-ĐT yêu cầu mỗi trường thành lập một tổ tư vấn tâm lý có ít nhất 5 thành viên, gồm: 1 tổ trưởng là đại diện lãnh đạo nhà trường; 1-2 cán bộ chuyên trách về tư vấn tâm lý/bán chuyên trách; 1 giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên phụ trách công tác Đoàn/Đội; 1 nhân viên y tế và 1 đại diện cha mẹ học sinh. Tổ được phân công nhiệm vụ rõ ràng, được bố trí cơ sở vật chất, công tác tài chính.
Tùy điều kiện mỗi trường, tổ trưởng có thể tuyển dụng, hợp đồng hoặc cử giáo viên phụ trách công tác tư vấn tâm lý. Cán bộ chuyên trách tư vấn tâm lý là người được nhà trường phân công hoặc ký hợp đồng, đảm nhiệm toàn thời gian trong việc cung cấp các dịch vụ tư vấn tâm lý học sinh.
Nhân viên tư vấn tâm lý trong trường học phối hợp với gia đình, giáo viên, cán bộ quản lý và các chuyên gia khác để tạo ra môi trường học tập an toàn, lành mạnh, tăng cường sự kết nối chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng.
Theo ông Trần Văn Đạt – quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên, Bộ GD-ĐT, công tác tư vấn tâm lý, xã hội trong trường học không mới nhưng rất khó, nhiều khó khăn vướng mắc trong toàn ngành. Dù có khối lượng công việc khổng lồ song cán bộ chuyên trách triển khai công tác này trong trường học cũng chưa có.
Mô hình cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý trường học là gì? Bộ GD-ĐT thông tin, mô hình cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý trường học là hình thức tổ chức, triển khai, hướng dẫn cán bộ quản lý, cán bộ tư vấn tâm lý đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của học sinh, phụ huynh, thầy cô trong tiếp cận các dịch vụ tư vấn tâm lý có chất lượng ngay trong trường học, qua đó hỗ trợ học sinh vượt qua những khó khăn tâm lý, nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện trong nhà trường. Nhiệm vụ của mô hình cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý trong trường học, bao gồm: Khảo sát, đánh giá nhu cầu của học sinh, thực hiện các giải pháp phòng ngừa sớm những khó khăn tâm lý gặp phải trong học tập, cuộc sống của học sinh; Tiếp nhận, đánh giá những học sinh đang gặp những khó khăn tâm lý thông qua các kênh thông tin, các công cụ sàng lọc; Cung cấp các dịch vụ phòng ngừa, hỗ trợ, tư vấn tâm lý, can thiệp trị liệu tâm lý cho học sinh đang gặp phải những vấn đề hoặc có nhu cầu; Kết nối cơ sở can thiệp, trị liệu tâm lý, chuyên gia tâm lý để chuyển gửi với những trường hợp đặc biệt cần hỗ trợ.
|
“Các văn bản pháp luật nhìn có vẻ đồng bộ, đầy đủ nhưng chưa phải. Các văn bản ít nhiều mang tính chất chung, còn đời sống xã hội, trong trường học lại đa dạng phong phú, mà văn bản chưa thể lường trước được các tình huống cụ thể. Khó khăn là các trường học phải chủ động thực hiện, điều hành linh hoạt hiệu quả. Đặc biệt, cái thiếu nữa là kỹ năng trong công tác tư vấn cần phải cải thiện rất nhiều…” – ông Trần Văn Đạt nói thêm.
Để hỗ trợ học sinh, thầy cô phải có kỹ năng quản lý cảm xúc
PGS.TS Trần Thị Lệ Thu – Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, trong tổng số 95 ca tiếp nhận tư vấn tâm lý trong năm nay thì có tới 25 ca bị bắt nạt, bạo lực, khi các em đến gặp thì hầu hết đều đã gặp rối loạn hành vi cảm xúc. Có trường hợp đến nay khi em đã tốt nghiệp đại học vẫn còn cần phải hồi cứu do bị bắt nạt từ tiểu học…
Bà cho rằng, người lớn đôi khi hỗ trợ nhưng chưa thật sâu sắc, bền bỉ, đã bỏ qua nhiều trường hợp cần phải hỗ trợ, thậm chí cho đến tận khi em đã tốt nghiệp đại học. “Không chỉ là hỏi han, nhìn bên ngoài, mà chúng ta chịu để ý một chút về hành vi của con thì sẽ giải quyết nhiều. Công việc tư vấn tâm lý đòi hỏi chúng ta nhìn nhận một cách nghiêm túc, bắt tay hỗ trợ một cách nghiêm túc”.
Theo PGS.TS Trần Thị Lệ Thu, công tác tư vấn tâm lý học đường là lĩnh vực còn nhiều thách thức, khi thực hiện cần có bằng chứng khoa học chứ không chỉ là kinh nghiệm. Hành trình thực hiện cần đi bền vững, kiên trì, lâu dài… Khi thực hiện tư vấn tâm lý cho học sinh, có 8 kỹ năng mà giáo viên cần phải chú ý, bao gồm: quản lý cảm xúc; chú tâm và quan sát; lắng nghe thấu hiểu; đặt câu hỏi; phản hồi; đối đầu; đánh giá và lập mục tiêu; tìm kiếm giải pháp. Trong đó, kỹ năng quản lý cảm xúc, chuyển hóa cảm xúc tức giận, tiêu cực là quan trọng nhất, bởi nếu giáo viên không cân bằng được cảm xúc của bản thân thì rất khó khăn khi hỗ trợ học sinh.
“Có học sinh đến phòng tư vấn tâm lý than phiền rằng cô chủ nhiệm do bực một số bạn thế là trút giận lên cả lớp mất hết 1 tiết. Nhiều thầy cô, giận học sinh có khi vừa giảng bài mặt vẫn căng thẳng không kiềm chế được cơn giận. Học sinh chỉ nhìn thầy cô chau mày thôi các em đã lo càng lo hơn, thầy cô khó chịu thì đã sợ càng sợ hơn. Như vậy thì làm sao để các em mở lòng chia sẻ vấn đề của các em. Chính cơn nóng giận, sự nhập cuộc với cơn nóng giận đã hạn chế chúng ta tiếp cận với học sinh, chia sẻ với các em” – bà nêu.
Bà cho rằng, muốn tư vấn tâm lý học sinh thì từng buổi lên lớp, đến trường, từng bước chân của thầy cô phải chuyển hóa, không cần hoàn hảo với các em nhưng phải có kỹ năng quản lý những thất vọng, buồn bực. Nếu thầy cô không bình an, dễ dàng nổi cáu, thất vọng, buồn phiền, chán nản thì khó có thể giúp các em học sinh bước ra ngoài tình trạng này…
Đỗ Giang Quân
Bình luận (0)