Hệ quả pháp lý của việc chuyển nhượng, “bán đứt” tác phẩm âm nhạc là tác giả sẽ mất vĩnh viễn quyền hưởng lợi, khai thác, kiểm soát với các quyền tác giả đã chuyển nhượng.
Hiện nay, hoạt động “bán đứt” tác phẩm âm nhạc không chỉ diễn ra tại thị trường Việt Nam, mà còn là vấn đề nhức nhối ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Việc “bán đứt” tác phẩm và những rủi ro tiềm ẩn đối với quyền, lợi ích hợp pháp của nhạc sỹ, chủ sở hữu quyền tác giả là chuyện phức tạp mà các tác giả cần quan tâm.
Bảo vệ quyền tác giả trên nền tảng số
Tại Hội thảo Bản quyền Âm nhạc 2023 do Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) phối hợp với Công ty Meta tổ chức mới đây, những câu chuyện liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả – quyền liên quan về âm nhạc; bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trong sáng tác, phổ biến, sử dụng và khai thác tác phẩm, đặc biệt là trên nền tảng số… được nhiều đại biểu quan tâm chia sẻ.
Việc này nhằm tối ưu hóa hiệu quả khai thác bản quyền và nội dung âm nhạc, góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tạo, đem lại lợi ích kinh tế cho các bên liên quan.
Nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam chia sẻ, trong xu hướng phát triển công nghệ số hiện nay, âm nhạc phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ trong môi trường số và không gian kỹ thuật số trên toàn cầu.
Điều này có tác động đến sự phát triển của ngành công nghiệp âm nhạc, đồng thời, sự ra đời của nhiều nền tảng, ứng dụng mạng xã hội, trong đó có mạng Facebook, Zalo, Tik Tok, Instagram… đã tạo ra một sự cộng hưởng để âm nhạc lan tỏa rộng hơn, thúc đẩy sự sáng tạo.
Quyền thụ hưởng của công chúng đạt được hiệu quả cao hơn do ưu thế tương tác, kết nối của mạng xã hội.
Theo Cục trưởng Cục Bản quyền Tác giả Trần Hoàng, Việt Nam có một hành lang pháp lý về bản quyền ngày càng được quan tâm và hoàn thiện. Năm 2022, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu Trí tuệ về Quyền tác giả, Quyền liên quan, Nghị định 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu Trí tuệ về Quyền tác giả, Quyền liên quan.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư 08 quy định mẫu trong hoạt động đăng ký Quyền tác giả, Quyền liên quan.
Ông Trần Hoàng cho hay Việt Nam đã ký kết 3 Hiệp định song phương, tham gia 8 Điều ước Quốc tế Đa phương về Quyền tác giả, Quyền liên quan.
Việt Nam đã đạt được một số kết quả nhất định trong việc thực thi Quyền tác giả, Quyền liên quan như thành lập các tổ chức đại diện tập thể Quyền tác giả, Quyền liên quan (CMOs), mà một trong số này là Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam – đơn vị đầu tiên trong 6 đơn vị/tổ chức được thành lập ở nước ta.
Trung tâm đã từng bước vững chắc, khẳng định vị trí ở trong nước và quốc tế qua số lượng ấn tượng về thành viên, doanh thu cấp phép, trả bản quyền thu được cho các nhạc sỹ, chủ sở hữu quyền tác giả âm nhạc theo quy định.
Các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm trong việc bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan. (Ảnh: Báo Tổ quốc)
Cục trưởng Cục Bản Quyền tác giả Trần Hoàng cho rằng vấn đề khai thác âm nhạc trên môi trường số đang là chủ đề nóng, thu hút nhiều tác giả quan tâm, vì vậy những nội dung chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia trong nước, quốc tế sẽ góp phần tích cực bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích chính đáng của nhạc sỹ, tác giả. Đây là một bước đi rất quan trọng để hài hòa bảo vệ, khai thác và thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Cẩn trọng để không dính “bẫy”
Cuối tháng 10/2023, câu chuyện bản quyền âm nhạc giữa ca sỹ Noo Phước Thịnh và nhạc sỹ Đỗ Hiếu khiến dư luận xôn xao. Tuy nhiên, đây cũng không phải là trường hợp tranh chấp đầu tiên giữa hai phía nhạc sỹ và ca sỹ trong lĩnh vực âm nhạc.
Trên thực tế, những khúc mắc liên quan đến bản quyền âm nhạc giữa nhạc sỹ với ca sỹ, giữa nhạc sỹ với một số công ty sản xuất, khai thác sản phẩm âm nhạc… đã từng xảy ra rất nhiều.
Theo Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam, câu chuyện tác quyền giữa nhạc sỹ và bên còn lại như ca sỹ, đơn vị tổ chức, sản xuất âm nhạc… từ lâu vẫn còn nhiều khúc mắc. Trong đó, vấn đề luôn luôn được quan tâm và đề cập, liên quan đến việc sáng tác, phổ biến, sử dụng và khai thác tác phẩm – đó là nội dung xoay quanh các thỏa thuận về “bán đứt” và chuyển giao quyền tác giả.
Ông Mai Thanh Huy, Chuyên viên Pháp chế Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam cho biết thời gian qua, Trung tâm đã khởi kiện hơn 40 vụ, trong đó 20 vụ đã được giải quyết xong (có bản án hoặc đơn vị chấp nhận vi phạm bồi thường), trên 20 vụ đang trong quá trình giải quyết ở cả cấp sơ thẩm và phúc thẩm.
Phần lớn các vụ việc đều xuất phát từ tranh chấp bản quyền. Nhiều trường hợp tác giả chỉ thỏa thuận qua miệng, tin nhắn hay gọi điện thoại… do đó khi phát sinh mâu thuẫn sẽ khó giải quyết được về mặt pháp lý.
Nhiều vụ việc kiện tụng đều xuất phát từ tranh chấp bản quyền. (Ảnh minh họa: Mona Media)
Ông Mai Thanh Huy dẫn chứng một số tác giả vì không nắm rõ luật, đặt nặng tình cảm nên vĩnh viễn mất quyền tác giả với tác phẩm về tay người khác. Trong đó, nhiều trường hợp bên nhận chuyển nhượng cố tình đánh tráo khái niệm trong hợp đồng.
Ví dụ như việc thỏa thuận chỉ mua tác phẩm trong 5 năm, song khi soạn thảo hợp đồng bên nhận chuyển nhượng lại viết theo hình thức hợp đồng chuyển nhượng, sau đó mang đi đăng ký quyền sở hữu.
Sự mập mờ này của một số cá nhân, đơn vị đã gây thiệt hại cho tác giả, người chủ thực sự của tác phẩm và gây khó cho cơ quan có thẩm quyền.
Hệ quả pháp lý của việc chuyển nhượng, “bán đứt” tác phẩm là tác giả sẽ mất vĩnh viễn quyền hưởng lợi, khai thác, kiểm soát với các quyền tác giả đã chuyển nhượng.
Đối với việc chuyển giao quyền sở hữu tác phẩm trong một thời gian nhất định, tác giả sẽ không nắm giữ quyền sở hữu trong thời gian chuyển giao. Trong trường hợp thỏa thuận cho sử dụng độc quyền tác phẩm, nếu không cẩn thận, tác giả rất dễ bị tổn hại và mất quyền lợi…
Từ góc nhìn của người hoạt động bảo vệ quyền tác giả âm nhạc quốc tế, ông Benjamin NG, Giám đốc Khu vực châu Á-Thái Bình Dương Liên minh Quốc tế các Hiệp hội Tác giả và Nhà soạn nhạc (CISAC) cho rằng sự phổ biến của các điều khoản “bán đứt,” đặc biệt là ở các quốc gia cho phép cơ chế “tác phẩm theo đơn đặt hàng” như Hoa Kỳ đặt ra thách thức với người sáng tạo.
Hiện nay, một số vùng lãnh thổ, như Liên minh châu Âu (EU) có các quy định chống “bán đứt”, nhưng vẫn xảy ra việc tránh né hoặc không thực hiện. Vì vậy, tác giả, người sáng tạo nên thương lượng hợp đồng cẩn thận, xem xét thời gian, phạm vi và bồi thường… để tránh rủi ro.
Các nỗ lực hợp tác trên phạm vi toàn cầu có thể thiết lập các tiêu chuẩn bảo vệ quyền của người sáng tạo, đồng thời tuyên truyền cho người sáng tạo về quyền lợi của họ, hỗ trợ trong quá trình đàm phán, tránh hậu quả tiềm ẩn của việc “bán đứt.”
Về vấn đề này, ông Mai Thanh Huy cho rằng các tác giả nên cân nhắc kỹ và hết sức thận trọng đối với thỏa thuận hợp tác của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Khi ký hợp đồng, các tác giả cần phải đọc kỹ các điều khoản cụ thể về các quyền tác giả, lĩnh vực sử dụng quyền tác giả, phạm vi khai thác thứ cấp để tránh bị tổn hại quyền và lợi ích hợp pháp.
“Theo kinh nghiệm quốc tế và tinh thần của pháp luật, để đảm bảo quyền sở hữu, lợi ích kinh tế cho tác giả và bảo vệ giá trị của tác phẩm, thì tác giả, chủ sở hữu tác phẩm không chuyển nhượng quyền tác giả cho tổ chức, cá nhân khác mà nên ủy quyền quản lý, cấp phép, bảo vệ quyền tác giả cho tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả.
Trong trường hợp tác giả muốn tự cho phép sử dụng hoặc giao dịch khác thì nên thông qua tư vấn, hỗ trợ của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả về các nội dung giao dịch, thỏa thuận.
Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam hiện đã có đội ngũ pháp lý để tư vấn, hỗ trợ miễn phí cho thành viên, ông Mai Thanh Huy chia sẻ./.
Bình luận (0)