Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đặt thử thách học sinh thiết kế “Quyển sách lịch sử của tôi”

Tạp Chí Giáo Dục

Từ hành trình “đọc” lịch sử qua các hiện vật, cổ vật trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, ngành giáo dục yêu cầu học sinh thiết kế “Quyển sách lịch sử của tôi” dày 13 trang với từng yêu cầu cụ thể.


Học sinh "đọc lịch sử" từ những trải nghiệm tại bảo tàng

Đây là lần đầu tiên thử thách “đọc lịch sử” để thiết kế sách lịch sử được đặt ra cho học sinh bậc THCS trong hội thi “Lớn lên cùng sách” vừa được Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức sáng 9-2.

Cụ thể, để thực hiện được “Quyển sách lịch sử của tôi”, Sở GD-ĐT TP.HCM hướng dẫn:

Trong chuyến trải nghiệm, em đã được nghe thuyết minh về nhiều khu vực triển lãm của Bảo tàng lịch sử Việt Nam tại TP.HCM, từ đó hiểu hơn về chiều dài hàng ngàn năm lịch sử và văn hóa Việt Nam cũng như đặc trưng văn hóa vùng đất phương Nam. Từ những trải nghiệm ấy, em hãy thiết kế một quyển sách với nhan đề: “Quyển sách lịch sử của tôi”.

Trong đó, từ trang 1-10: Những dấu ấn lịch sử – tên những phòng triển lãm đã tham quan, đã được giới thiệu và đặc điểm nổi bật.

Trang 11, 12: Những suy nghĩ và cảm xúc đọng lại, với yêu cầu “Nếu được giới thiệu Bảo tàng lịch sử Việt Nam tại TP.HCM với các bạn, em sẽ dùng 3 từ nào để miêu tả bảo tàng, 3 từ nào để nói lên giá trị của các hiện vật nơi đây và 3 từ nào để chia sẻ cảm nhận của em về “hành trình đọc trang sách Bảo tàng”, vì sao”?.

Trang 13: Lời nhắn gửi của tiền nhân, yêu cầu học sinh ghi lại thông điệp rút ra được từ một câu chuyện lịch sử:

“Cách đây 235 năm, ngày 22-12-1788, trước khi chỉ huy nghĩa quân Tây Sơn hành quân ra Bắc đánh đuổi quân xâm lược nhà Thanh, Nguyễn Huệ đã lên ngôi hoàng đế và khẳng khái tuyên thệ trước ba quân tướng sĩ: “Đánh cho để dài tóc/Đánh cho để đen răng/Đánh cho nó chích luân bất phản/Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”

Lời hịch trên được hiểu là: Quyết đánh kẻ thù để giữ gìn, bảo tồn phong tục, tập quán của tổ tiên ông cha để lại, vẫn để được tóc dài, vẫn nhuộm được răng đen. Đánh cho nó một chiếc xe để chạy về nước cũng không có. Đánh cho nó một mảnh giáp cũng chẳng còn. Đánh cho lịch sử muôn đời biết nước Nam anh hùng là có chủ.

Lời tuyên thệ ấy đã được ghi lại trang trọng tại nhiều bảo tàng lịch sử. Hơn hai thế kỷ trôi qua, tuy người Việt thời nay không còn nhuộm răng đen, để tóc dài, nhưng tinh thần, ý nghĩa từ lời tuyên thệ bất hủ của hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ vẫn còn nguyên giá trị (dựa theo Bảo Như, Kiên trì bảo vệ bản sắc văn hóa Việt, Báo Quân đội Nhân dân, số ra ngày 23-12-2018).

Rèn cho học sinh khả năng quan sát, phân tích

Ông Trần Tiến Thành – chuyên viên ngữ văn, Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, hội thi Lớn lên cùng sách năm nay có sự tham gia của 200 học sinh, chia thành 2 bảng khối 6-7 và khối 8-9. Hội thi hướng đến hình thành cho học sinh thói quen đọc, yêu sách, rèn khả năng tự học, tự đọc, tư duy, phân tích – những kỹ năng vô cùng cần thiết cho học sinh trong thời đại hiện nay.

“Điểm mới của hội thi năm nay là thử thách “đọc lịch sử” của học sinh từ chính hành trình trải nghiệm tại bảo tàng để viết nên một quyển sách lịch sử của tôi. Hành trình “đọc lịch sử” ở đây chính là khả năng quan sát, phân tích, đọc lịch sử qua hiện vật, cổ vật, qua triển lãm, mô hình, số liệu… mà các em thu nhận được từ quá trình trải nghiệm ở bảo tàng. Điều này đòi hỏi học sinh không chỉ khả năng quan sát, phân tích, đánh giá, cảm nhận mà còn là vốn kiến thức lịch sử được tích lũy qua quá trình học và đọc của mình” – ông Thành đánh giá.

Điểm mới mẻ này của hội thi đã khiến các thí sinh tham gia hội thi vô cùng hào hứng. Nhiều giáo viên cũng bày tỏ sự thích thú, ấn tượng trước yêu cầu đầy thú vị của hội thi.

Yến Hoa

Bình luận (0)