Trận động đất cướp đi sinh mạng của hơn 46.000 người, tàn phá Thổ Nhĩ Kỳ và Syria chỉ kéo dài khoảng 75 giây trong ngày 6.2 nhưng những ảnh hưởng kinh tế, xã hội và chính trị sẽ kéo dài trong nhiều năm.
Đống đổ nát sau trận động đất ở Antakya, tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ.
Kinh nghiệm của nhiều quốc gia như Haiti, Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng minh, chỉ khi ống kính của giới truyền thông rời khỏi vùng thảm họa và sự chú ý của thế giới chuyển hướng sang những vấn đề khác thì công việc tái thiết mới thực sự bắt đầu và những chi phí dài hạn của các thảm họa thiên nhiên mới xuất hiện, theo cây viết David Pilling của Financial Times.
Các chuyên gia nhận định, thiên tai ảnh hưởng đến các khu vực theo những cách không thể đoán định trước, nhưng chúng có thể gây căng thẳng cho tài chính công, thay đổi các ưu tiên phát triển và thậm chí khiến một chính phủ sụp đổ.
Phản ứng thất bại của nhà lãnh đạo Nicaragua Anastasio Somoza trước trận động đất kinh hoàng năm 1972 gần thủ đô Managua dẫn đến sự sụp đổ chính phủ của ông năm 1979.
Kinh nghiệm từ Thổ Nhĩ Kỳ
Ông Ajay Chhibber – người đứng đầu quốc gia của Ngân hàng Thế giới khi trận động đất Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra năm 1999 – chỉ ra, vấn đề ban đầu là cố gắng xử lý viện trợ quốc tế.
“Có áo khoác, giày dép và thực phẩm nhưng rất nhiều thứ đã bị lãng phí. Cần rất nhiều nỗ lực để tiếp nhận và sắp xếp chúng" – ông nói về trận động đất Thổ Nhĩ Kỳ có tâm chấn ở Izmit cướp đi sinh mạng của hơn 17.000 người.
Lực lượng cứu trợ nhận thấy các cửa hàng cầm đồ tăng khi mọi người bán những mặt hàng được nhận để lấy tiền. Những người đàn ông rời gia đình để đến Istanbul tìm việc.
Khi đó, sau khi kết luận rằng mọi người cần tiền hơn là hàng hóa vật chất, Ngân hàng Thế giới đã bắt đầu hệ thống chuyển tiền mặt để bảo vệ nền kinh tế và cộng đồng địa phương.
Sau khi cuộc khủng hoảng lắng xuống, nỗ lực cứu trợ ở Thổ Nhĩ Kỳ trải qua nhiều giai đoạn. Ngân hàng Thế giới huy động được từ 3-4 tỉ USD để tái thiết.
Để xoa dịu những lo ngại về khả năng tham nhũng, ngân hàng khẳng định, số tiền được giải ngân thông qua một bộ mới thành lập trong văn phòng thủ tướng.
Ngân hàng Thế giới đã giúp triển khai hệ thống bảo hiểm động đất, điều mà theo ông Chhibber là đã góp phần thực thi tốt hơn các tiêu chuẩn xây dựng ở Izmit so với ở khu vực phía nam – nơi xảy ra trận động đất ngày 6.2 năm nay. Trong vòng 2 năm sau trận động đất năm 1999, hầu hết cơ sở hạ tầng và nhà ở đã được xây dựng lại, ông nói.
Bài học của Haiti
Jacky Lumarque – hiệu trưởng trường Đại học Quisqueya ở thủ đô Port-au-Prince của Haiti – cho biết, quốc gia Caribbean này chưa bao giờ hồi phục sau trận động đất khiến hơn 300.000 người thiệt mạng năm 2010. Hiện nay, an ninh hầu như đã sụp đổ và phần lớn Port-au-Prince bị các băng đảng có vũ trang kiểm soát.
Trái ngược với Thổ Nhĩ Kỳ, ở Haiti, ông Lumarque chia sẻ, phần lớn số tiền do cộng đồng quốc tế quyên góp để tái thiết đã bị lãng phí, đánh cắp hoặc chi tiêu theo những cách không mang lại lợi ích cho người dân Haiti bình thường – những người trải qua một trận động đất mạnh khác vào năm 2021.
Đống đổ nát của trụ sở phái bộ Liên Hợp Quốc ở Haiti tại Port-au-Prince, sau trận động đất tháng 1.2010.
“Có cảm giác hàng tỉ USD từ trên trời rơi xuống người Haiti. Nhưng rất ít trong số đó có tác động thực sự" – ông nói.
Hiệu trưởng trường Đại học Quisqueya chỉ ra, các cơ quan viện trợ đã nhập nhiều mặt hàng, bao gồm thực phẩm, quần áo và vật liệu xây dựng – những mặt hàng có thể lấy từ địa phương – do đó, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp địa phương.
Ông Lumarque chỉ ra, khác với Thổ Nhĩ Kỳ, những nỗ lực quốc tế nhằm chuyển người dân Haiti từ nơi ở tạm thời sang nơi ở lâu dài cơ bản đã thất bại.
Tranh chấp đất đai, tham nhũng và vị trí không thuận lợi để sinh sống của những ngôi nhà mới – cách xa những nơi cư dân có thể kiếm sống, là nguyên nhân của thực trạng này.
Ngân hàng Thế giới từng nêu bật những bước triển khai sau động đất ở Gujarat, Ấn Độ năm 2001.
Theo đó, tiền hỗ trợ được chuyển đến cư dân ở bang miền tây Ấn Độ để xây dựng lại nhà ở bằng vật liệu địa phương. “Khi chủ nhà chịu trách nhiệm về quá trình này, những ngôi nhà sẽ phù hợp hơn với nhu cầu của mỗi gia đình"- báo cáo nêu rõ.
Tình trạng của Nhật Bản
Ở Nhật Bản, các tòa nhà ở vùng phía bắc Tohoku chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong động đất năm 2011 đã được xây dựng theo tiêu chuẩn kỹ thuật cao và phần lớn không chịu ảnh hưởng của chấn động dưới biển mạnh 9 độ richter.
Tuy nhiên, nhiều đô thị ven biển đã bị phá hủy do sóng thần tràn qua hệ thống phòng thủ ven biển và góp phần dẫn tới thảm họa hạt nhân Fukushima.
Chính phủ Nhật Bản phân bổ khoảng 300 tỉ USD trong thập kỷ tiếp sau đó để sửa chữa những thiệt hại và củng cố hệ thống phòng thủ.
Jeff Kingston – giáo sư tại Đại học Temple ở Tokyo – cho biết, bất chấp khoản chi khổng lồ cho “những con đường và tòa nhà mới sáng bóng”, nhiều cộng đồng đã không thể phục hồi và nhiều người trẻ tuổi đã rời khỏi khu vực bị ảnh hưởng bởi thảm họa. Ông cũng nhấn mạnh, sự phục hồi là không đồng đều ở những khu vực bị ảnh hưởng.
PV (theo laodong)
Bình luận (0)