Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Tự học hay đến lớp ôn luyện năng khiếu: Lời khuyên bất ngờ từ chuyên gia

Tạp Chí Giáo Dục

Ôn luyện kỳ thi năng khiếu như thế nào cho hiệu quả là vấn đề mà nhiều học sinh dự định thi ngành diễn viên quan tâm. Và lời khuyên của chuyên gia sẽ khiến thí sinh bất ngờ.

Học phí từ 1-10 triệu đồng

Dù còn khoảng 5 tháng nữa mới đến kỳ thi năng khiếu của các trường ĐH, CĐ đào tạo ngành diễn viên nhưng nhiều thí sinh đã bắt đầu tham gia các khóa luyện thi diễn xuất để tích lũy kinh nghiệm và tăng cơ hội trúng tuyển.

Dự định thi vào Trường ĐH Sân khấu-Điện ảnh TP.HCM, T.H.T (học sinh lớp 12 tại TP.HCM) quyết định đến lớp luyện thi để an tâm và tự tin hơn với kỳ thi năng khiếu sắp tới. "Việc được học hỏi trực tiếp từ những anh chị, thầy cô trong nghề giúp tôi diễn xuất thành thạo hơn và hiểu rõ hơn về nghề diễn viên", H.T. chia sẻ. Đó cũng là lý do chính khiến nhiều thí sinh đầu tư thời gian, tiền bạc và công sức vào các lớp ôn luyện.

Qua tìm hiểu, hiện có nhiều lớp luyện thi năng khiếu diễn xuất tại TP.HCM. Bên cạnh những trung tâm luyện thi bên ngoài, các sân khấu kịch và trường ĐH, CĐ cũng mở khóa đào tạo ngắn hạn về diễn xuất.

Đa phần khóa học kéo dài từ 2-5 tháng, học phí khoảng 1-10 triệu đồng ở cả hình thức trực tuyến lẫn trực tiếp. Nội dung các khóa học này là kỹ thuật biểu diễn cùng kỹ năng bổ trợ như tiếng nói sân khấu, ngôn ngữ hình thể, kỹ năng nói chuyện trước công chúng…

Tự ôn qua video, tham gia câu lạc bộ

Tuy nhiên, không phải thí sinh nào cũng đủ kinh tế, thời gian để tham gia những lớp này. Theo Phi Hùng (học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, tỉnh Phú Yên), các lớp luyện thi thường tập trung ở TP.HCM nên nam sinh này không thể theo học. Thay vào đó, Phi Hùng chọn cách tự học diễn xuất tại nhà.

"Em dự định thi vào Trường ĐH Sân khấu-Điện ảnh TP.HCM hoặc Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM. Em bắt đầu tự ôn luyện từ tháng 10.2022. Bên cạnh việc tham khảo kinh nghiệm từ các anh chị, em còn xem nhiều video về diễn xuất rồi tự diễn theo, luyện tập những biểu cảm như khóc, cười… và thường xuyên tham gia diễn kịch tại trường để tích lũy kinh nghiệm sân khấu", Phi Hùng chia sẻ.

Rục rịch ôn thi năng khiếu ngành diễn viên - Ảnh 1.

Một phân đoạn trong vở kịch Triệu chứng cuối cùng mà Minh Nhựt tham gia. THU THẢO

Tương tự, Quách Nguyễn Minh Nhựt (học sinh lớp 12, Trường THPT Hoàng Hoa Thám, TP.HCM) cũng chọn cách tham gia câu lạc bộ (CLB) kịch của trường để trau dồi kỹ năng diễn xuất.

Nam sinh bày tỏ: "Nhờ tham gia CLB, em quen biết nhiều anh chị là sinh viên Trường ĐH Sân khấu-Điện ảnh TP.HCM và được họ hướng dẫn tận tình. Vào năm 2022, em còn được đóng vai chính trong vở kịch Triệu chứng cuối cùng do CLB tổ chức. Đây là cơ hội giúp em học hỏi nhiều kinh nghiệm cho bài thi năng khiếu vào ngôi trường mơ ước".

Ngoài rèn luyện kỹ năng, Minh Nhựt cũng tham khảo cách thức thi tuyển của các năm trước và tự chuẩn bị tiểu phẩm ngắn cho phần thi năng khiếu. Dù không đến lớp luyện thi, nhưng Minh Nhựt cho rằng nếu có kế hoạch ôn tập cụ thể thì kỹ năng diễn xuất cũng cải thiện đáng kể.

Thí sinh từng tham gia lớp ôn luyện đậu rất thấp!

Từng trải qua phần thi năng khiếu diễn viên, nhiều sinh viên khẳng định rằng việc tự ôn thi tại nhà hoàn toàn có thể đem lại kết quả cao.

Là sinh viên năm 2, ngành Diễn viên kịch và Điện ảnh Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn, Nguyễn Phi Long cho biết từng rất tự tin với cách tự ôn thi năng khiếu và đã đạt số điểm là 8,5.

"Đây là thành quả của quá trình tự ôn luyện 5 tháng tại nhà. Để ôn tập hiệu quả, tôi đã tham gia một số hội nhóm, diễn đàn, xem rất nhiều vở kịch trên YouTube để học hỏi và tự viết kịch bản để thể hiện cho phần thi năng khiếu. Ngoài ra, tôi thường đứng diễn, tập biểu cảm trước gương để quan sát và điều chỉnh cơ mặt của mình khi tức giận, buồn bã", Phi Long chia sẻ.

Theo Phi Long, anh cũng có đôi chút bất lợi so với những bạn cùng khóa có đến các lớp luyện thi. Tuy nhiên, nam sinh viên vẫn khẳng định việc tham gia lớp ôn thi, khóa đào tạo diễn xuất ngắn hạn là không thực sự cần thiết.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong công tác tuyển sinh, thạc sĩ Lê Hùng, Phó trưởng phòng Đào tạo, quản lý khoa học và hợp tác quốc tế, Trường ĐH Sân khấu-Điện ảnh TP.HCM, cho biết, tỷ lệ thí sinh ngành diễn viên từng tham gia lớp ôn luyện thi đậu vào trường rất thấp.

Chẳng hạn, có một khóa nhà trường tuyển vào hơn 80 người nhưng chỉ có 4-5 bạn từng tham gia lớp luyện thi bên ngoài. Lý giải về điều này, thầy Hùng cho rằng các khóa luyện thi hay diễn ra trong thời gian ngắn và thường xây dựng 1-2 tiểu phẩm để thí sinh học theo.

Rục rịch ôn thi năng khiếu ngành diễn viên - Ảnh 2.

Phi Hùng (học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, tỉnh Phú Yên) cùng bạn học tham gia buổi diễn kịch ở trường THPT. NVCC

"Do đó, vào vòng thi sơ tuyển, nhiều thí sinh cùng diễn một kịch bản với cách thể hiện khuôn mẫu, thiếu cảm xúc và tính sáng tạo. Khi giám khảo yêu cầu sự thay đổi, các bạn thường không biết phải làm gì. Giám khảo năm 2021, 2022 đã nhận xét: thí sinh cùng một 'lò luyện' vào thi là nhận ra ngay vì các bạn chỉ có một tiểu phẩm để diễn", thạc sĩ Lê Hùng cho hay.

Bên cạnh đó, trong những năm qua, các trung tâm luyện thi năng khiếu vào ngành diễn viên xuất hiện khá nhiều, theo thạc sĩ Lê Hùng. Một số trung tâm do cựu sinh viên Trường ĐH Sân khấu-Điện ảnh TP.HCM đứng ra quảng cáo và giảng dạy, một số khác thì không rõ thông tin đào tạo, nguồn gốc.

Tuy nhiên, tất cả trung tâm đều không liên quan đến nhà trường nên những mẫu quảng cáo "có sự góp mặt của giảng viên A, nghệ sĩ B của Trường ĐH Sân khấu-Điện ảnh TP.HCM hay ông C, bà D sẽ là giám khảo" hoàn toàn sai sự thật, thậm chí có dấu hiệu lừa đảo.

"Dù khóa học diễn viên ngắn hạn là xu thế tất yếu nhưng nếu muốn tham gia, thí sinh cần tìm hiểu ai là người đứng lớp, uy tín của trung tâm để tránh tiền mất tật mang", thầy Hùng nhắn nhủ.

Thay vì đến các lớp luyện thi, thạc sĩ Lê Hùng cho rằng thí sinh hoàn toàn có thể lên kế hoạch tự ôn tập tại nhà. Thầy giải thích: "Đa phần thí sinh trúng tuyển đều chủ động chuẩn bị từ trước, xem kỹ clip hướng dẫn trên YouTube của nhà trường, tham gia các buổi hỏi đáp, giao lưu, tư vấn do trường tổ chức. Những bạn này nắm bắt thể lệ thi, đồng thời tự đánh giá, phát huy và thể hiện điểm mạnh của bản thân vào bài thi".

Thạc sĩ Lê Hùng gợi ý rằng thí sinh có thể tạo tình huống trong tiểu phẩm dự thi để phát huy tối đa lợi thế về giọng hát hay kỹ năng nhảy, múa.

Tuy nhiên, thầy Hùng cũng nhắc nhở: "Thí sinh cần tập trung vào những vấn đề chính mà phần thi đặt ra chứ không nên lan man vào tiểu tiết phụ trợ. Chẳng hạn, nhiều thí sinh thích nhạc rap nên đọc rap thay thế cho phần đọc diễn cảm thơ, văn trong phần thi sơ tuyển, như vậy là lạc đề và có thể có kết quả thấp. Thay vào đó, các bạn nên tập trung học thuộc một đoạn văn hoặc bài thơ thật chính xác, với giọng đọc chuẩn và giàu cảm xúc".

Theo Thu Trang – Thu Thảo/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)