Nhiều công ty công nghệ ra quyết định cho thôi việc hàng ngàn người trong thời gian gần đây vì gặp khó khăn sau đại dịch Covid-19.
Những con số khổng lồ
Tờ The New York Times cuối tuần qua dẫn lời các nguồn tin cho biết Twitter đã cho thôi việc 200 người trong đợt sa thải mới nhất, tương đương 10% trong số 2.000 nhân viên của công ty. Trước đó, tỉ phú Elon Musk sau khi mua lại Twitter đã thực hiện một loạt đợt sa thải từ ngày 4.11.2022, đưa số nhân viên của công ty từ 7.500 người vào cuối tháng 10.2022 xuống mức hiện tại.
Twitter không phải là công ty sa thải nhiều nhân viên nhất trong làn sóng cắt giảm nhân sự của các "ông lớn" công nghệ trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, những thay đổi gây ồn ào của Twitter sau khi đổi chủ đã hướng nhiều sự chú ý hơn vào chuyện ngày càng nhiều nhân viên các công ty công nghệ bị cho thôi việc.
Khuôn viên mới của Go
Khó khăn sau đại dịch
Những đợt sa thải khổng lồ này diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, nhu cầu tiêu dùng giảm và lo ngại về khả năng suy thoái. Trong thông cáo về việc cắt giảm nhân sự, các công ty đều đưa ra những lý do hợp lý, nhưng đa phần tương tự nhau, cho quyết định của mình. Theo đó, tình trạng suy thoái sau đại dịch Covid-19, việc tuyển dụng quá nhiều, lạm phát và lãi suất tăng cao là các nguyên nhân chính.
Trái ngược với ngành sản xuất, trong đại dịch Covid-19, các lệnh phong tỏa và yêu cầu làm việc từ xa khiến nhu cầu của người tiêu dùng tăng vọt. Để nắm bắt cơ hội kiếm lời, các công ty công nghệ cần thêm nhân lực. Vì vậy, họ đã thực hiện những đợt tuyển dụng rầm rộ trong đại dịch Covid-19, theo tạp chí Forbes. Họ đua nhau tăng lương lên mức kỷ lục trong cuộc đua khốc liệt để giành những tài năng hàng đầu.
Theo Reuters, số nhân viên của Meta đã tăng 60% trong thời kỳ đại dịch. Amazon cũng tăng cường tuyển dụng để đưa lực lượng lao động toàn cầu của công ty từ 798.000 người vào quý 4/2019 lên 1,6 triệu nhân viên vào cuối năm 2021.
Tuy nhiên, sau khi Covid-19 tạm lắng xuống, các công ty công nghệ phải đối mặt với một loạt vấn đề. Trong bối cảnh khủng hoảng địa chính trị đang nóng, lạm phát khiến giá cả tăng vọt ở hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới, làm giảm nhu cầu tiêu dùng. Điều này buộc các ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất cơ bản, dẫn đến các công ty phải tốn kém nhiều hơn khi vay tiền. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia tin rằng suy thoái kinh tế toàn cầu có thể xảy ra vào năm 2023.
Trong lúc đó, các công ty công nghệ đang có quá nhiều nhân viên và chi phí cho mỗi nhân viên quá cao. Vì vậy, dưới áp lực của nhà đầu tư, nhiều công ty phải đánh giá lại chi tiêu và cắt giảm chi phí để chuẩn bị đối phó với đợt khủng hoảng này.
Theo tờ USA Today, dù tình trạng có vẻ đáng báo động, nhưng số người mất việc chỉ chiếm một tỷ lệ tương đối nhỏ trong lực lượng lao động của các công ty và việc làm ngành công nghệ chỉ chiếm chưa đến 3% tổng số việc làm ở Mỹ. Ngay cả khi đã thực hiện xong những cuộc cắt giảm nhân sự, số nhân viên của những ông lớn công nghệ như Amazon, Microsoft, Alphabet (công ty mẹ của Google) và Meta đều nhiều hơn so với trước đại dịch.
Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp của ngành công nghệ đang giảm. Theo phân tích của CompTIA, tỷ lệ thất nghiệp trong lĩnh vực công nghệ vào tháng 1 đã giảm xuống chỉ còn 1,5% từ mức 1,8% trong tháng 12.2022.
Điều này chứng tỏ nhiều người bị sa thải đã nhanh chóng tìm được việc làm mới. Họ có thể đã đến những công ty vừa và nhỏ, vốn thiếu nhân công vì không thể cạnh tranh với các ông lớn trong việc thu hút nhân tài. Những công ty nhỏ này chiếm số lượng lớn trong ngành công nghệ và họ vẫn đang phát triển tốt. Vì vậy, tình hình không quá lo ngại.
Theo Như Trần/TNO
Bình luận (0)