Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tái hiện danh sư Võ Trường Toản dưới sân trường

Tạp Chí Giáo Dục

Với chủ đề “Danh sư Võ Trường Toản – Vạn thế sư biểu vùng đất Phương Nam”, các em học sinh đã được xem lại vở diễn về cuộc đời và sự nghiệp của nhà giáo Võ Trường Toản một cách trực quan, sinh động ngay tại sân trường. Chương trình giúp các em hiểu hơn về lịch sử dân tộc, nhất là đối với vùng đất Phương Nam.


Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang – học trò của cố GS.TS Trần Văn Khê kể về câu chuyện “Sài Gòn xưa và nay” cho các em học sinh  (Ảnh: BTC)

CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn hóa Nam bộ vừa phối hợp với Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) tổ chức hoạt động vinh danh lịch sử văn hóa địa phương với chủ đề “Danh sư Võ Trường Toản – Vạn thế sư biểu vùng đất phương Nam”.

Chương trình được bắt đầu bằng nội dung thuyết trình sâu sắc của diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang – học trò của cố GS.TS Trần Văn Khê về câu chuyện “Sài Gòn xưa và nay”. Thông qua bài chia sẻ này, các em học sinh được tìm hiểu về thời khai khẩn từ vùng Mô Xoài (Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay) – một trong những vùng đầu tiên tiếp đón lực lượng lưu dân từ Đại Việt (phía Bắc) và Ngũ Quảng (miền Trung) vào Nam khai khẩn, dần dần tạo nên sự trù phú của vùng đất Đông Nam bộ, hình thành sự thịnh vượng của Cù Lao Phố. Bằng phương pháp “sơn điền” trồng trọt trên vùng núi, về sau lại áp dụng phương pháp “thảo điền” dọn cỏ để gieo hạt ở vùng đất thấp trũng khi tiến về vùng Sài Gòn và Tây Nam bộ.


Thành viên CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn hóa Nam bộ kết hợp cùng học sinh Trường THPT Nguyễn Du thực hiện vở diễn về cuộc đời và sự nghiệp của nhà giáo Võ Trường Toản  (Ảnh: BTC)

Các em thích thú khi được nhìn thấy nguyên liệu của lá buông mà theo diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang chia sẻ là được ghi trong sách “Đại Nam Nhứt Thống Chí” gọi là lá “bối diệp” vì khi phơi sẽ có màu trắng nhìn tựa như vỏ con sò. Đây là loại lá đặc trưng của vùng Bình Tuy – Xuân Lộc miền Đông Nam bộ. Bên cạnh đó, các em còn được nhìn thấy chiếc cặp đi học thời thập niên 80 của thế kỷ trước được đươn (đan) bằng cỏ bàng, loại cỏ đặc trưng của vùng đất phèn Tây Nam bộ.

Cả sân trường trở nên hào hứng và xúc động khi được xem vở diễn tái hiện câu chuyện cuộc đời và sự nghiệp của nhà giáo Võ Trường Toản do thành viên CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn hóa Nam bộ kết hợp cùng các em học sinh Trường THPT Nguyễn Du biểu diễn.

Nhà giáo Võ Trường Toản được người đời xưng tụng là Vạn thế sư biểu của vùng đất phương Nam, một trong những người thầy đầu tiên mở trường dạy học tại Đình Hòa Hưng (Đình Chí Hòa – quận 10 ngày nay). Thầy Võ Trường Toản đã đào tạo ra biết bao thế hệ học trò ưu tú như Ngô Tùng Châu, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định… Tác phẩm Hoài Cổ Phú của thầy tuy chỉ có 24 câu thơ nhưng đã hun đúc tinh thần yêu nước thương nhà, trung hiếu tiết nghĩa, giúp lòng người hướng về chân – thiện – mỹ, thấy được giá trị của phẩm chất con người về sự thảo ngay dù cho cuộc đời có lắm bể dâu biến đổi.


Ban tổ chức cùng quý thầy cô và các em học sinh chụp ảnh kỷ niệm  (Ảnh: BTC)

Vở diễn đã làm người xem đã rơi nước mắt khi thầy giáo Võ Trường Toản ra đi trong sự nuối tiếc của các học trò thời đó. Đặc biệt là cảnh tái hiện cuộc chạy loạn lúc thực dân Pháp đánh vào Sài Gòn năm 1859 và chiếm 3 tỉnh miền Đông 1862. Sau đó, các học trò sau này như Nguyễn Thông, Phan Thanh Giản, Nguyễn Đình Chiểu… dù không được học trực tiếp từ thầy nhưng đau lòng khi thấy mộ thầy nằm trong đất giặc quản lý, họ đã quyết định xin dời mộ về Làng Mù U (Ba Tri – Bến Tre thuộc tỉnh Vĩnh Long xưa) để cải táng. Tinh thần “tri ngôn dưỡng khí”, học tập rõ thông tường tận gốc rễ ngữ nghĩa để nuôi dưỡng khí phách tâm hồn, điều đó đã thấm sâu vào trái tim yêu nước thương dân của những anh hùng trung liệt như Nguyễn Hữu Huân, Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực, Lãnh binh Thăng…

Em Phạm Gia Hảo Khiết (lớp 10A17) bày tỏ: Em rất xúc động với buổi học hôm nay. Ngoài thưởng thức nghệ thuật cải lương chúng em còn được nghe và hết sức thú vị khi biết về vùng đất Sài Gòn Gia Định xưa. Em cảm thấy yêu và tôn kính người xưa trọng đạo nghĩa thầy trò, hết lòng trung can với đất nước. Qua buổi học này em càng yêu Sài Gòn xưa và TP.HCM hôm nay. Chúng em khao khát có nhiều tiết học như thế này”.

Thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng nhà trường) xúc động chia sẻ: “Thầy cô và học trò chúng tôi rất xúc động, nhiều người đã rơi nước mắt khi được xem vở tuồng danh sư Võ Trường Toản, hiểu hơn về chân dung nhà giáo uyên bác, không vì lợi danh, tận tâm tận tụy trong sự nghiệp trồng người. Tình nghĩa thầy trò thời xưa đã gắn liền với tình nhà nghĩa nước, đậm đà bản sắc tôn sư trọng đạo. Môn học lịch sử văn hóa địa phương giúp các em học sinh và thậm chí là cả thầy cô được hiểu hơn rất nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của vùng đất mình đang sống. Bằng phương pháp sân khấu hóa, môn học được tiếp thu dễ dàng nhờ sự trực quan sinh động, và thú vị nhất là chính các em học sinh cùng được hóa thân thành nhân vật lịch sử”.

Hồ Trinh

Bình luận (0)