Sau đại dịch Covid-19, rất nhiều bệnh viện (BV) trên cả nước, nhất là các BV hạng đặc biệt rơi vào tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế. Những loại thuốc đắt tiền, thuốc hiếm thiếu đã đành, đằng này những loại thuốc, vật tư y tế giá rẻ cũng… thiếu. Tình trạng này đã kéo dài từ đầu năm 2022 đến nay sau hàng trăm cuộc họp vẫn không giải quyết được.
Bác sĩ BV Chợ Rẫy đang phẫu thuật cho bệnh nhân
Bệnh nhân “lãnh đủ”
Ngày 2-3, từ tỉnh Bình Dương bắt xe đò đến BV Chợ Rẫy (TP.HCM) lúc 8 giờ, chờ đến 11 giờ trưa chị Lê Kiều mới đón được ba (bị ung thư thanh quản) từ Gia Lai xuống để tái khám.
“Đúng lịch thì ngày mai (ngày 3-3) mới đến ngày tái khám, nhưng hay tin BV thiếu thuốc, vật tư y tế phục vụ điều trị có nguy cơ tạm dừng hoạt động nên mẹ tôi đưa ba xuống tái khám sớm, đề phòng tình huống bất trắc”, chị Kiều cho biết.
Ba chị Kiều là ông Lê Đình Bình, 66 tuổi, điều trị ung thư thanh quản tại BV Chợ Rẫy đến nay được 2 năm. Chị kể, sau Tết Nguyên đán ít hôm, BV có động viên chuyển ông Bình sang BV vệ tinh tại quận 8 (TP.HCM) điều trị vì BV Chợ Rẫy thiếu thuốc, vật tư y tế nhưng gia đình chị không đồng ý.
“Đơn thuốc của ba tôi thiếu 5 loại thuốc vì BV Chợ Rẫy không có nên gia đình phải ra ngoài mua. Tuy nhiên, sức khỏe ba tôi rất yếu nên gia đình xin về nhà và chấp nhận đi lại tái khám dù rất vất vả”, chị Kiều nói.
Chị Kiều cũng cho biết, thời gian gần đây, trong những lần chị đưa ba đi tái khám tại BV Chợ Rẫy, nhiều bệnh nhân nói với chị gặp khó khăn trong xạ trị vì thiếu máy móc. Tại khu vực điều trị giảm nhẹ của ông Bình, trước Tết khá đông bệnh nhân nhưng hiện tại rất vắng.
“Cũng vì thiếu máy móc mà cách đây ít hôm, một người chị họ của tôi từ Bình Dương đến BV Chợ Rẫy để điều trị bệnh tim nhưng không được. Hiện tại tim của chị ấy rất yếu nhưng phải quay lại BV ở Bình Dương để điều trị”, chị Kiều nói.
Bà Lâm Thị Thu (70 tuổi, Đồng Nai) bị bệnh cột sống nặng. Trước Tết, bà sử dụng sổ bảo hiểm y tế mua thuốc tại BV Lê Văn Thịnh (TP.Thủ Đức, TP.HCM) mỗi tháng 1 lần. Tuy nhiên sau Tết, cứ nửa tháng, bà lại nhờ con gái đi mua 1 lần vì BV không đủ số thuốc bán cho 1 tháng. Không những vậy, một số thuốc như RESIDRON phải mua bên ngoài vì BV không có.
XÂY DỰNG LUẬT ĐẤU THẦU RIÊNG CHO NGÀNH Y TẾ PGS.TS.BS Trần Thị Trung Chiến – nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế – cho rằng, cần phải tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hiện nay để BV có đủ thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh cho người dân; sau đó tiếp tục bổ sung những gì chưa hợp lý, chưa đúng. Cụ thể, cần xây dựng Luật Đấu thầu riêng cho ngành y tế hoặc trong luật này cần có một chương riêng cho y tế với cơ chế đặc thù phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Y tế là ngành đặc biệt, phức tạp và nhạy cảm. Nếu chậm trễ sẽ để lại di chứng, có thể là chết người. Với Luật Đấu thầu chung hiện nay không thể áp dụng đại trà cho ngành y tế vì có nhiều điểm chưa phù hợp. Nếu áp dụng cho các tình huống khẩn cấp sẽ có những điểm không đúng quy trình. Ví dụ dịch bệnh, thuốc không có, vật tư tiêu hao trang thiết bị không có, việc thực hiện đấu thầu có thể bị sai, nếu chờ đấu thầu đúng luật thì sẽ chậm trễ. Do đó, cần xây dựng hành lang pháp lý cho ngành y tế. Có được hành lang pháp lý, ngành y tế cũng vững vàng làm mà không sợ sai. “Khi tôi còn làm Bộ trưởng, có rất nhiều ca cấp cứu cần đến các loại thuốc mà nước ta không có, phải đặt hỏa tốc ở nước ngoài nhưng tiền ở đâu? Xin tiền không được, cũng không thể tùy tiện lấy ngân sách để mua. Lúc bấy giờ, nhờ có Quỹ Vòng tay nhân ái mà chúng tôi đã đặt mua được thuốc từ nước ngoài trong vòng 2 ngày để kịp thời điều trị cho bệnh nhân”, bà Chiến chia sẻ. |
“Mỗi lần mua 2 viên RESIDRON giá 122.000 đồng. Nếu mua bằng bảo hiểm y tế sẽ rẻ hơn rất nhiều nhưng BV không có nên tôi phải mua bên ngoài cho mẹ”, chị Thanh Hằng, con gái bà Thu nói.
BV Quân y 7A (TP.HCM) cũng đang gặp khó khăn trong mua sắm thuốc, vật tư. Đại tá Lê Quang Trí – Giám đốc BV – cho biết, nhiều lúc trang thiết bị phục vụ công tác cấp cứu, điều trị chỉ có một máy. Nếu hỏng, không sửa kịp thời thì chắc chắn thiếu máy. Hiện tại, BV chưa thống kê được có bao nhiêu bệnh nhân không được cấp cứu, không được điều trị do thiếu máy. Thiếu máy hiện nay là vấn đề rất lớn. Nếu có máy có thể cấp cứu cho bệnh nhân kịp thời, nhưng không có thì chắc chắn bệnh nhân sẽ chuyển biến nặng. Chưa kể, theo những quy định, các trang thiết bị hư hỏng mất thời gian sửa chữa từ 3-6 tháng, không đáp ứng được nhu cầu cấp cứu, điều trị bệnh.
Có phải bệnh viện đang bị… “trói”?
Theo ông Trí, một trong những vướng mắc khiến việc nhập khẩu vật tư y tế khó khăn là hành lang pháp lý. Có lúc, BV triển khai mua sắm được nhưng nhà thầu không cung cấp được các vật tư theo tiêu chuẩn vì không có hành lang pháp lý để nhập. Vì lý do này, BV Quân y 7A hiện không có được vật tư y tế kỹ thuật cao phục vụ cho thay khớp và nội soi.
BS Nguyễn Tri Thức – Giám đốc BV Chợ Rẫy – cũng cho biết, khó khăn lớn nhất là xây dựng giá đấu thầu. Trong mua sắm hóa chất và vật tư y tế tiêu hao, dựa theo Thông tư 68 của Bộ Tài chính thì phải đáp ứng đủ 3 báo giá. Yêu cầu này khiến các BV gần như không thực hiện được tất cả các gói thầu. Cụ thể, BV Chợ Rẫy, khi mở một gói thầu lớn thì những sản phẩm đủ 3 báo giá chỉ được 30-40%. Mặc dù Thông tư 68 có nhiều giải pháp nhưng có những công đoạn BV không làm được. Đơn cử, thẩm định giá kê khai trên cổng thông tin không có đơn vị thẩm định nào nhận thẩm định. Ví dụ máy citi, có hàng trăm loại máy với nhiều chức năng khác nhau. BV tuyến tỉnh có thể mua máy khoảng 64 lát cắt; còn BV Việt Đức, BV Chợ Rẫy mua máy 258, thậm chí 512 lát cắt nên giá phải khác nhau. Trường hợp này, nếu lấy giá kê khai trên cổng thông tin thì “không áp vào được” vì không có điểm chung. Hay như máy siêu âm, có rất nhiều chức năng siêu âm bụng, gan, mạch máu… nhưng chỉ ghi chung chung là máy siêu âm.
“Thực tế này khiến việc xây dựng giá gói thầu gặp rất nhiều rủi ro trong công tác mua sắm đấu thầu. Cơ quan hậu kiểm có thể hỏi tại sao BV kia mua máy siêu âm 10 đồng, BV Chợ Rẫy lại xây dựng giá tới 15 đồng. Điều này rất khó cho BV. Mới đây, BV Chợ Rẫy triển khai gói thầu đặt stent mạch vành nhưng không đủ 3 báo giá”, BS Thức tâm tư.
Cũng theo BS Thức, bệnh nhân vào BV Chợ Rẫy đa số là bệnh nặng nên phải cần đến máy móc, thiết bị hiện đại. Tuy nhiên, gần như 100% thiết bị hiện đại là độc quyền. Hàng độc quyền sẽ được bán giá chung trên toàn thế giới nên không thể đủ 3 báo giá và cũng không thẩm định được giá. Từ thực tế này Bộ Y tế nên tham mưu cho phép các BV hạng đặc biệt được lựa chọn thương hiệu mua sắm thiết bị phù hợp với tính chất bệnh tật; hoặc các cơ quan quản lý Nhà nước quyết định giá rồi cho phép BV tự mua.
“Bộ Y tế cũng nên tham mưu cho phép các BV được sử dụng hình thức máy đặt, máy mượn. Đơn cử, hiện nay hệ thống xét nghiệm chủ lực tại các BV lớn hoàn toàn tự động, có thể cho ra 3.000 test trong vòng 30 phút, so với trước đây làm 1 tiếng được 10 test. Tuy nhiên, hạn chế ở chỗ nếu hệ thống này hỏng thì kỹ sư Việt Nam không sửa được vì quá hiện đại. Gọi hãng, hãng không vào sửa thì sẽ trùm mền. Nhưng ngược lại, nếu chấp nhận máy đặt, máy mượn thì hãng sẽ đặt cho, nếu hỏng thì hãng sửa được ngay. Nếu được sử dụng hình thức máy đặt, máy mượn đối với các máy hiện đại thì rất có lợi cho người bệnh và BV trong quá trình chẩn đoán, chăm sóc điều trị”, BS Thức nói.
CƠ SỞ Y TẾ KHÔNG CÒN VƯỚNG “3 BÁO GIÁ” Ngày 4-3, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế. Nghị quyết số 30/NQ-CP sửa đổi khoản 4 Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 5-11-2022 của Chính phủ, đã tháo gỡ nhiều điểm nghẽn cho ngành y tế, trong đó có quy định 3 báo giá. Nghị quyết nêu rõ, cho phép các cơ sở y tế được áp dụng thí điểm hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trong năm 2023. Theo đó, khi xây dựng giá gói thầu, trường hợp cùng một chủng loại trang thiết bị y tế nhưng có nhiều hãng sản xuất khác nhau, chủ đầu tư (cơ sở y tế – PV) tổ chức lấy báo giá theo quy định. Đó là, chủ đầu tư xác định giá gói thầu căn cứ ít nhất một trong các tài liệu từ báo giá của các nhà cung cấp theo một trong các hình thức: Gửi thông báo mời chào giá với yêu cầu kỹ thuật lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế; lên cổng dịch vụ công trực tuyến về quản lý trang thiết bị y tế (https://dmec.moh.gov.vn) hoặc trang thông tin điện tử của đơn vị hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về đấu thầu trong thời gian tối thiểu 10 ngày. Hết thời gian thông báo mời chào giá, chủ đầu tư căn cứ số báo giá nhận được để làm cơ sở xây dựng giá gói thầu. Trường hợp chỉ có một hoặc hai nhà phân phối hoặc doanh nghiệp cung cấp báo giá thì được sử dụng các báo giá đã nhận để làm cơ sở xây dựng giá gói thầu. Chủ đầu tư được phép lấy báo giá trực tiếp từ nhà phân phối trong trường hợp chỉ có một nhà phân phối hoặc để bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà phân phối khác. Việc xác định giá gói thầu được dựa trên tính năng kỹ thuật, nhu cầu sử dụng, khả năng tài chính của chủ đầu tư. Ngoài ra, có thể dựa vào kết quả thẩm định giá của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện thẩm định giá, doanh nghiệp thẩm định giá theo quy định của Luật Giá; Hoặc giá trúng thầu của gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế tương tự trong thời gian trước đó gần nhất, tối đa không quá 120 ngày. Trường hợp gói thầu gồm nhiều phần riêng biệt thì ghi rõ giá cho từng phần trong giá gói thầu. Nghị quyết 30 cũng cho phép các cơ sở y tế được sử dụng các trang thiết bị y tế đã được cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân để khám bệnh, chữa bệnh. Các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng trang thiết bị y tế này được Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chịu trách nhiệm về chất lượng dịch vụ y tế cung cấp từ các trang thiết bị y tế này và được sử dụng kinh phí của cơ sở để bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa trang thiết bị y tế trong quá trình sử dụng. Nghị quyết 30 cũng cho phép bỏ thời hạn thanh toán BHYT với máy mượn, máy đặt. Cụ thể, trước đây nghị quyết chỉ chấp nhận cho cơ quan BHYT thanh toán dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp theo thời hạn hợp đồng đối với mọi hợp đồng cung cấp vật tư, hóa chất ký trước ngày 5-11-2022; hoặc chỉ cho phép thanh toán đến ngày 5-11-2023 đối với các hợp đồng ký sau ngày 5-11-2022. Với Nghị quyết 30, ngoại trừ các hợp đồng ký trước ngày 5-11-2022 vẫn thực hiện theo thời hạn của hợp đồng, nghị quyết sửa đổi cho phép đối với các hợp đồng ký từ ngày 5-11-2022, bao gồm cả các hợp đồng được ký theo hình thức mua sắm trực tiếp được thực hiện đến khi có văn bản quy phạm pháp luật quy định về vấn đề này, bao gồm cả các hợp đồng được ký theo hình thức mua sắm trực tiếp. Trường hợp hết thời hạn hợp đồng vẫn tiếp tục thanh toán đến khi sử dụng hết vật tư, hóa chất đã mua. |
Bà Lê Thiện Quỳnh Như – Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM – cho biết, các cơ sở y tế có khoảng 10% số lượng mặt hàng vật tư y tế, trang thiết bị là hàng đặc thù, riêng biệt hoặc dịch vụ phi tư vấn sửa chữa, bảo trì, bảo hành… Các trang thiết bị đặc thù, riêng biệt chỉ có một hoặc hai nhà sản xuất nên cơ sở y tế không thể có được 3 báo giá. Việc thẩm định giá cũng không thực hiện được vì các tổ chức thẩm định giá hiện nay không nhận thực hiện thẩm định giá trang thiết bị y tế, các dịch vụ phi tư vấn.
Bên cạnh đó, giá kê khai và công khai của trang thiết bị y tế trên cổng thông tin chưa thực hiện đầy đủ chi tiết cấu hình, tính năng, chưa được kiểm soát nên việc các cơ sở y tế tham khảo để xây dựng giá dự toán gói thầu cũng không đầy đủ, phù hợp.
Có nhiều trang thiết bị hóa chất xét nghiệm, vật tư y tế kỹ thuật cao hết hạn giấy phép nhập khẩu, giấy chứng nhận đăng ký lưu hành của trang thiết bị từ ngày 1-1-2023 nhưng vẫn chưa được Bộ Y tế cấp mới hoặc gia hạn nên các sản phẩm hàng hóa dự thầu không thể trúng thầu. Vì vậy, cơ sở y tế không thực hiện được việc mua sắm trang thiết bị.
Và với quy định này thì tất cả các gói thầu mua sắm hàng hóa của các cơ sở y tế đều phải thực hiện đấu thầu qua mạng, kể cả các gói thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế với hàng trăm đến hàng ngàn mặt hàng, gói thầu và được chia thành nhiều phần với hồ sơ tài liệu kỹ thuật của hàng hóa rất nhiều. Trong khi đó, hạ tầng của hệ thống mạng đấu thầu quốc gia chưa đáp ứng được.
Linh Anh – Phú Cát
Bình luận (0)