Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Gần 4.000 thí sinh thi học sinh giỏi ngữ văn lớp 9

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 14-3, kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 TP.HCM năm 2023 đã diễn ra với sự tham dự của 3.891 thí sinh. Đề thi ngữ văn tiếp tục nhận được sự quan tâm đánh giá cao của nhiều giáo viên, học sinh.


Thí sinh dự thi tại điểm thi Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa

Đề văn gợi nhiều cảm xúc

Khá ấn tượng với cách ra đề văn học sinh giỏi lớp 9, H.H – thí sinh tham dự kỳ thi môn ngữ văn chia sẻ, đề mang đến những mạch cảm xúc rất riêng biệt, sâu sắc, gắn với lứa tuổi nhưng vẫn gợi mở nhiều chất riêng của mỗi người. Đề thi năm nay còn nhắc nhở mỗi người trẻ cần học cách quan tâm, yêu thương và lắng nghe những điều giản dị xung quanh mình, những người yêu thương mình, thay vì chỉ biết đến những thay âm sôi nổi, xô bồ của cuộc sống.

“Em nghĩ đề mang đến nhiều đất để viết cho chúng em. Tuy nhiên, đề đọc lên cũng có phần hơi rối” – H.H bày tỏ.

Thầy Trần Văn Đúng – giáo viên ngữ văn, Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1) đánh giá, đề khá phù hợp với đối tượng học sinh giỏi, không đi vào lối mòn là làm rõ hay đối thoại với những câu những ý kiến của người khác (cả phần nghị luận xã hội và nghị luận văn học). Đề khuyến khích những học sinh biết quan sát và chiêm nghiệm từ cuộc sống quanh ta.

Phần gợi dẫn trong đề hợp lý, giúp học sinh hình dung hướng triển khai vấn đề nhưng vẫn đảm bảo độ mở cần thiết. Đề thi theo hướng chủ đề (gồm cả phần nghị luận xã hội và nghị luận văn học) nên vừa có mạch thống nhất, đồng thời cho ta thêm một bài học ngầm đó là sự gắn kết khăng khít giữa cuộc sống và thơ ca. 

Tuy nhiên, giáo viên này thẳng thắn, nếu có thể được lựa chọn thì sẽ chọn thay ngữ liệu 3 (Tiếng Việt, Lưu Quang Vũ) ở phần nghị luận xã hội bằng đoạn thơ trong bài Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh thì đề sẽ gợi mở hơn, gần gũi hơn, phù hợp hơn với học sinh lớp 9.

Mình băn khoăn thứ nhất, ở câu: “Em biết chăng, vạn vật trên thế gian này đều có tiếng nói”. Câu này thứ nhất là dạng câu hỏi (nên cần có dấu chấm hỏi), chữ “tiếng nói” nên để trong dấu ngoặc kép. Và có thể thay câu này bằng câu có đề cập đến hai chữ “thanh âm”. Cạnh đó là đổi từ “lấp lánh” bằng: Những thanh âm có “sức vọng”. Và như vậy trong câu nghị luận văn học cũng sẽ thay bằng những câu thơ/ bài thơ có “sức vọng”. “Như vậy, học sinh không chỉ bàn sâu về sự phản ánh hiện thực (thanh âm trong cuộc sống) mà rõ hơn về vấn đề tiếp nhận mà có thể bỏ qua phần dẫn dắt trên đề. Đề sẽ gọn hơn”- thầy Đúng nhìn nhận.

Thầy Trần Văn Đúng cũng kỳ vọng, đề thi các năm tiếp theo sẽ luôn ra theo hướng mở, vẫn tiếp tục theo chủ đề. Luôn dùng khái niệm dễ hiểu nhưng giàu sức gợi; tránh lạm dụng hình ảnh. Không nên dùng những câu nhận định quá khó hiểu và nên hạn chế sử dụng loại này và đây cũng là chỗ sáng tạo nhất của người ra đề. Điều này sẽ giúp đề thoát ra khỏi cảnh “tầm chương trích cú”, học sinh sẽ cảm thấy thoải mái sáng tạo hơn.

Nhiều điểm mới của kỳ thi

Kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 TP.HCM năm 2023 diễn ra tại 5 điểm thi. Cụ thể: điểm thi Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ tổ chức thi các môn lịch sử, địa lí, ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Nhật); Điểm thi Trường THPT Marie Curie tổ chức thi các môn vật lí, hóa học, sinh học; Điểm thi Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa tổ chức thi các môn ngữ văn, toán, khoa học tự nhiên; Điểm thi Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tổ chức thi môn tin học; Điểm thi Trường THCS Võ Trường Toản tổ chức thi môn công nghệ

Trong đó, môn tin học thí sinh thi lập trình trên máy vi tính. Các môn ngoại ngữ có phần thi kỹ năng nghe. Môn công nghệ gồm 2 phần thi: lý thuyết (60 phút) và thực hành (60 phút).

Nội dung thi nằm trong chương trình THCS hiện hành, theo định hướng khảo sát năng lực tư duy và vận dụng thực tiễn của học sinh. Mỗi môn có thời gian làm bài 120 phút.

Sở GD-ĐT TP.HCM quy định, đối tượng dự thi là học sinh đang học lớp 9 tại các trường THCS năm học 2022- 2023, có xếp loại học lực và hạnh kiểm của học kỳ 1 từ khá trở lên, là thành viên của đội tuyển học sinh giỏi các quận, huyện.

Kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 TP.HCM năm nay có nhiều điểm mới. Sở GD-ĐT TP.HCM quy định, số lượng đội tuyển học sinh giỏi dự thi của các đơn vị là 15 học sinh/môn thi. Phòng GD-ĐT quận, huyện và TP.Thủ Đức, trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và trường Trung học Thực hành Sài Gòn có học sinh đạt giải nhất trong kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9 cấp thành phố năm học 2020-2021, 2021-2022 được cử thêm tối đa 5 học sinh cho môn thi đó.

Đối với giải thưởng, Sở GD-ĐT TP.HCM quy định chỉ xếp giải cá nhân (nhất, nhì, ba) theo từng môn thi. Trong đó, tỷ lệ giải đối với mỗi môn thi theo nguyên tắc tổng số giải không vượt quá 60% số thí sinh dự thi; số giải nhất không vượt quá 5% tổng số giải, số giải nhì không vượt quá 35% tổng số giải.

Học sinh đạt giải nhất được khen thưởng theo Nghị quyết 02/2021/NQ-HĐND năm 2021 của HĐND TP.HCM về quy định một số chính sách khuyến khích giáo viên, học sinh, học viên đoạt giải trong các kỳ thi cấp thành phố, quốc gia, khu vực, quốc tế và giáo viên có thành tích đào tạo, bồi dưỡng các học sinh, học viên đoạt các giải trên địa bàn TP.HCM, với phần thưởng là 10 triệu đồng. Tất cả học sinh đạt giải được cấp giấy chứng nhận học sinh giỏi cấp thành phố.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)