Từ thực tế triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, ngành giáo dục TP.HCM nhận thấy rằng các địa phương vẫn phải nhờ nhiều vào việc bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ giáo viên hiện có mới có thể đáp ứng được mục tiêu của chương trình.
Các địa phương cho rằng công tác bồi dưỡng hiện nay là chưa đủ, cần tổ chức thêm (ảnh minh họa)
Địa phương mong mỏi có thêm các lớp bồi dưỡng
Đánh giá từ thực tế triển khai Chương trình GDPT 2018 tại địa phương, ông Trịnh Vĩnh Thanh (Trưởng phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp) cho biết, Chương trình GDPT 2018 ở các môn tích hợp là lịch sử – địa lý, khoa học tự nhiên thì quan điểm là dạy cho học sinh biết rộng chứ không dạy cho học sinh biết sâu. Tuy nhiên, khi giảng dạy giáo viên vẫn “mắc bệnh” khai thác sâu.
Ông Trịnh Vĩnh Thanh nhìn nhận, thời gian qua công tác bồi dưỡng mới chú trọng trang bị cho giáo viên về kiến thức liên môn, còn phương pháp thực tế thì chưa nhiều. Tuy nhiên, quan trọng nhất là cần quán triệt, thay đổi được tư duy, phương pháp giảng dạy của giáo viên. Bởi kiến thức nếu không biết có thể tìm hiểu thêm, song quan trọng là tư duy, phương pháp giảng dạy phải thay đổi. Vào lớp, giáo viên phải tạo điều kiện, tình huống để học sinh có tư duy suy nghĩ, giao nhiệm vụ để học sinh thực hiện, có giám sát, tổng kết. Nếu nắm được thì sẽ trở thành một giờ học mới, khác với việc giáo viên chỉ áp kiến thức. “Bây giờ tiết dạy trên lớp của giáo viên không còn nặng nề mà nặng về khâu chuẩn bị bài, giáo viên phải tưởng tượng, hình dung ra trước cách thức tiếp cận thì mới cởi bỏ được áp lực trên lớp. Vấn đề quan trọng nhất là làm cho giáo viên tiếp cận chương trình như thế nào, như vậy rất cần thêm những chuyên đề bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên để đội ngũ thay đổi được quan điểm này”, ông Trịnh Vĩnh Thanh đề xuất.
Tương tự, ông Ngô Văn Tuyên (Trưởng phòng GD-ĐT Q.Bình Tân) nhìn nhận, từ khi triển khai Chương trình GDPT 2018 đến nay, tâm thế đội ngũ giáo viên vẫn chưa có sự chuẩn bị tốt nhất dù đã được bồi dưỡng. Đặc biệt, Q.Bình Tân là địa bàn có dân nhập cư đông, trung bình mỗi năm tăng thêm từ 4.000-5.000 học sinh, gây áp lực lớn lên bậc tiểu học và THCS, càng đặt ra yêu cầu của công tác bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên để đáp ứng yêu cầu thực tế. “Địa bàn Q.Bình Tân chỉ có 5 trường có số lớp đúng chuẩn, còn lại đều vượt chuẩn. Có những trường tiểu học với 106 lớp, hơn 5.000 học sinh; trường THCS với hơn 4.100 học sinh. Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cũng phải đứng lớp để đảm bảo đủ giáo viên. Với đặc thù này, quận mong muốn có thêm các lớp bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên để đảm bảo việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 theo đúng mục đích phát triển phẩm chất, năng lực học sinh”, ông Ngô Văn Tuyên kiến nghị.
Vẫn phải nhờ vào đội ngũ giáo viên hiện có
PGS.TS Phạm Hoàng Quân (Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn) khẳng định, với Chương trình GDPT 2018 thì chính giáo viên phải thay đổi cách dạy. Chương trình mới có người nói dễ, có người nói khó. Dễ vì khối lượng kiến thức không bằng ngày xưa song nếu vận dụng thực tế, tổ chức dạy học như thế nào thì lại thấy khó làm. Sở GD-ĐT TP.HCM cần hết sức chú ý, đổi mới sách giáo khoa mà con người không đổi mới thì không được. Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT cần thiết phải cho đội ngũ giáo viên bồi dưỡng liên tục song không nên sa đà vào chuyên môn mà cần đẩy mạnh trang bị cho thầy cô phương pháp giảng dạy. “Giáo viên tích hợp trước đó được đào tạo đơn môn, học lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học 4 năm rồi bây giờ chúng ta đưa đi bồi dưỡng 3 tháng dạy thêm môn tích hợp nữa thì khó”, PGS.TS Phạm Hoàng Quân phân tích.
Nhìn từ quá trình đào tạo chính quy giáo viên các môn khoa học tự nhiên, lịch sử – địa lý tại trường, TS. Võ Văn Thật (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn) cho rằng TP.HCM vẫn phải dựa vào đội ngũ giáo viên hiện có để bồi dưỡng chứ không thể nào dựa vào số lượng đào tạo chính quy từ các trường ĐH đang đào tạo ngành này.
Ngành giáo dục TP.HCM hiện vẫn phải dựa vào đội ngũ giáo viên hiện có để bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (ảnh minh họa)
TS. Võ Văn Thật nêu, tại Trường ĐH Sài Gòn, các lớp bồi dưỡng chính quy bắt đầu đào tạo giáo viên lịch sử – địa lý, khoa học tự nhiên từ năm 2019. Lứa sinh viên này tháng 6, tháng 7 năm nay sẽ tốt nghiệp, nếu không có gì thay đổi thì sẽ có 9 cử nhân sư phạm lịch sử – địa lý và 24 cử nhân sư phạm khoa học tự nhiên. Kế đó, với lộ trình tuyển sinh năm 2020 thì ra trường vào năm 2024 sẽ có 28 cử nhân lịch sử – địa lý, 32 khoa học tự nhiên; tuyển sinh năm 2021 ra trường năm 2025 thì có 22 cử nhân lịch sử – địa lý và 19 cử nhân khoa học tự nhiên. “Để giải bài toán nhu cầu giáo viên tích hợp rất nan giải, chỉ có thể dựa vào giáo viên hiện có tiếp thực thực hiện các lớp bồi dưỡng. Chương trình mới theo nhận định của giáo viên là rất khó. Nhiều thầy cô sau khi học bồi dưỡng chứng chỉ đứng lớp các môn dạy tích hợp vẫn còn hoang mang. Trường ĐH Sài Gòn sẽ phối hợp với các phòng chức năng xây dựng các mô đun tiếp tục bồi dưỡng để giáo viên tự tin đứng lớp”, TS. Võ Văn Thật chia sẻ.
Ông Tống Phước Lộc (Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT TP.HCM) cho hay, hiện nay khi triển khai Chương trình GDPT 2018 thì TP.HCM thiếu nhiều giáo viên ở các bộ môn mới. Trong lộ trình ngắn hạn trước mắt, giải pháp được đưa ra là chia sẻ giáo viên giữa các trường, cụm. Về lâu dài thì Sở GD-ĐT đề xuất Trường ĐH Sài Gòn đào tạo nhiều hơn song song với việc thành phố sẽ xây dựng cơ chế thu hút, đồng thời đặt hàng các trường ĐH đào tạo theo Nghị định 116 của Chính phủ. “Dự kiến năm 2023, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ đề xuất tổ chức thêm 6 lớp tiếp tục bồi dưỡng giáo viên các môn tích hợp là lịch sử – địa lý, khoa học tự nhiên; bồi dưỡng giáo viên tin học, công nghệ. Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT cũng sẽ rà soát lại đối tượng giáo viên các trường, bổ sung bồi dưỡng; với giáo viên đã bồi dưỡng rồi thì tiếp tục thực hiện bồi dưỡng các chuyên đề chuyên sâu…”, ông Tống Phước Lộc thông tin.
Bài, ảnh: Đỗ Yến
Bình luận (0)