Một thập kỷ không thể bứt phá do chệch hướng phát triển và những điểm yếu cố hữu, các trợ lý ảo nổi tiếng một thời đành khuất phục trước sự lên ngôi của chatbot AI.
Các bot được hỗ trợ bởi AI, chẳng hạn như ChatGPT, đang được sử dụng để xử lý tác vụ phức tạp kiểu lập trình phần mềm, dự thảo đề xuất kinh doanh hay viết tiểu thuyết viễn tưởng. Sự phấn khích xung quanh chatbot càng cho thấy rõ những trợ lý ảo nổi tiếng một thời như Siri, Alexa hay các chương trình trợ lý ảo giọng nói khác đã sa cơ trong cuộc đua AI.
Điểm yếu cố hữu
Trải qua một thập kỷ phát triển, các sản phẩm trợ lý ảo này đang rơi vào ngõ cụt. Một số gặp trở ngại về kỹ thuật, trong khi số khác lại trì trệ do tính toán chiến lược sai lầm của nhà sản xuất. Khi những thử nghiệm với trợ lý ảo không đem lại kết quả, sự hứng thú của các công ty cũng phai nhạt dần.
Siri, Alexa và Google Assistant là những hệ thống ra lệnh – kiểm soát (command-and-control). Chúng có thể hiểu một danh sách câu hỏi có sẵn, kiểu như “thời tiết hôm nay ở New York như thế nào?” hay “tắt/bật đèn ngủ”. Nếu người dùng yêu cầu một tác vụ không được lập trình sẵn, các chương trình này đơn giản là không thể trả lời.
John Burkey, cựu kỹ sư Apple từng tham gia nhóm phát triển Siri cho biết ứng dụng này phải mất hàng tuần mới có thể cập nhật những tính năng cơ bản. Nguyên nhân do cơ sở dữ liệu của nó chứa lượng từ khổng lồ, gồm cả tên các nghệ sĩ và bài hát, cho đến địa điểm nhà hàng khách sạn bằng gần 2 chục ngôn ngữ khác nhau.
Bởi vậy, những cập nhật nghe chừng đơn giản như thêm cụm từ mới cũng mất đến 6 tuần để hoàn thành, còn những tính năng phức tạp hơn, như thay thế bộ công cụ tìm kiếm, thì các kỹ sư “Nhà Táo” có thể mất đến 1 năm. Điều này đồng nghĩa không có cách nào để Siri trở thành một trợ lý sáng tạo như ChatGPT.
Chệch hướng chiến lược
Trong khi đó, Amazon và Google lại tính toán sai lầm về cách thức những trợ lý ảo được sử dụng, khiến khoản đầu tư của họ hiếm khi mang lại lợi nhuận.
Năm 2014, Amazon ra mắt Echo, chiếc loa thông minh có tích hợp Alexa. Gã khổng lồ bán hàng trực tuyến kỳ vọng sản phẩm này có thể làm tăng doanh số bán hàng khi người dùng có thể đặt hàng với trợ lý ảo. Nhưng khách hàng lại thích thú với tính năng hỏi đáp thời tiết và đặt chuông báo thức của sản phẩm hơn là chốt đơn TMĐT.
Qua thời gian, Google nhận thấy hầu hết người dùng chỉ sử dụng trợ lý ảo trong một số trường hợp tác vụ đơn giản, như bấm giờ hay chơi nhạc.
Công ty này sau đó tiếp tục đầu tư quá mức cho các phần cứng gia dụng như lò vi sóng hay đồng hồ báo thức tích hợp Alexa, thay vì tập trung phát triển hệ sinh thái ứng dụng như cách Apple thu hút người dùng iPhone bằng App Store.
Sự chệch hướng của Amazon đã khiến Google lạc lối theo. Các kỹ sư của gã khổng lồ tìm kiếm dành nhiều năm để thử nghiệm một số tính năng bắt chước Alexa, trong đó có cả thiết kế loa thông minh và màn hình điều khiển bằng giọng nói phục vụ cho các phụ kiện trong nhà như nhiệt kế và công tắc đèn với tính toán thu lợi nhuận quảng cáo đưa lên các sản phẩm này.
Cuộc hội ngộ giữa chatbot AI và trợ lý ảo
Satya Nadella, CEO Microsoft nói rằng các trợ lý âm thanh “ngờ nghệch như những tảng đá” và khẳng định các thế hệ AI mới hơn đang chiếm lĩnh đường đua. Gã khổng lồ phần mềm làm việc chặt chẽ với OpenAI, đầu tư 13 tỷ USD vào startup này và tích hợp chatbot AI vào công cụ tìm kiếm Bing, cũng như các sản phẩm khác.
Trong khi đó, kể từ năm 2020, khi Prabhakar Raghavan đảm nhận vị trí lãnh đạo bộ phận Google Assistant, gã khổng lồ tìm kiếm đã chuyển trọng tâm vào việc đưa trợ lý ảo lên điện thoại Android, smarthome và xe hơi.
Google cho biết hãng sẽ sớm ra mắt công cụ AI sinh tạo cho doanh nghiệp, chính phủ và nhà phát triển phần mềm xây dựng ứng dụng nhúng chatbot, cũng như kết hợp các công nghệ nền tảng vào hệ thống của họ.
Amazon nói rằng họ ghi nhận mức độ tương tác của khách hàng trên toàn cầu với Alexa tăng 30% trong năm ngoái và lạc quan với triển vọng xây dựng AI.
Tháng trước, Apple đã tổ chức hội nghị AI thường niên, một sự kiện nội bộ giúp các nhân viên tìm hiểu rõ hơn về mô hình ngôn ngữ lớn cũng như các công cụ AI khác. Nguồn tin của New York Times cho hay, nhiều kỹ sư, gồm cả thành viên nhóm phát triển Siri, đang nghiên cứu các mô hình AI sinh ngữ mới hàng tuần.
Giới quan sát nhận định, công nghệ chatbot và trợ lý ảo giọng nói sẽ hội tụ trong thời gian tới, đồng nghĩa người dùng sẽ sớm có thể trò chuyện với Siri, Alexa hay Google Assistant thay vì chỉ hỏi chúng thời tiết hôm nay thế nào.
Thế Vinh (theo vietnamnet)
Bình luận (0)