Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, mô hình đại học (ĐH) thích hợp để triển khai cơ cấu đa ngành. Mô hình này có nhiều ưu thế, phù hợp với trình độ quản lý cao, nguồn lực dồi dào, dày đặc các hoạt động học thuật…
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi lễ trao các quyết định đối với ĐH Bách khoa Hà Nội
Tuần qua, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã trao quyết định chuyển Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thành ĐH Bách khoa Hà Nội; đồng thời trao các quyết định công nhận Hội đồng ĐH, Chủ tịch hội đồng, Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025. Trước đó, vào ngày 2-12-2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định chuyển Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thành ĐH Bách khoa Hà Nội.
“Áo” cũ đã chật, cần “lột xác”
Với việc chuyển từ trường ĐH thành ĐH, theo Bộ trưởng, chính là dấu ấn của sự phát triển khi mà khuôn, vỏ, “áo” cũ đã trở nên chật hẹp, cần phải “lột xác” để có điều kiện phát triển tổ chức bên trong và quản trị tốt hơn theo thông lệ thế giới.
Bộ trưởng cho rằng, ĐH Bách khoa Hà Nội còn rất nhiều việc phải làm để hoàn thiện cơ cấu ĐH nhiều cấp với cấu trúc chặt chẽ của quản trị hiện đại; cần hoàn thiện chiến lược và định hướng phát triển lâu dài; hoàn thiện lại quy chế tổ chức, hoạt động…
Người đứng đầu ngành giáo dục nhận định, mô hình ĐH thích hợp để triển khai cơ cấu đa ngành. Với một hệ thống lớn; số lượng cán bộ, sinh viên đông, mô hình này vừa bảo đảm sự tự chủ và điều hành thống nhất của bộ máy chỉ huy chung vừa tạo điều kiện cho các thành tố cấp thấp nhất có được quyền tự chủ tương đối về học thuật, tạo nên sự năng động chung cho toàn hệ thống. Mô hình này có nhiều ưu thế, phù hợp với một trình độ quản lý cao, nguồn lực dồi dào, dày đặc các hoạt động học thuật… Các quyền hành chính tập trung ở cấp ĐH, còn quyền và tiếng nói chuyên môn là cơ chế vận hành của các đơn vị cấp dưới.
Bên cạnh đó, ĐH này cũng cần xác định chặng đường đổi mới của mình. Một ĐH vận hành theo mô hình mới, quản trị tiên tiến, ĐH số, sự chuyển đổi đó cần phải được tiến hành cùng lúc và đồng bộ, cần phải thấy hết các thách thức còn đang chờ phía trước. “Sự chuyển đổi mô hình từ trường ĐH thành ĐH cần được xem là công cụ để giải phóng cho sức sáng tạo từ bên trong, giải pháp cho các năng lực sáng tạo bằng một cơ chế mới. Nếu không phải vậy sự thay đổi sẽ rất ít ý nghĩa” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Lấy kỹ thuật, công nghệ làm trụ cột
Đất nước mong muốn phát triển; ngành GD-ĐT là một đột phá chiến lược để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển đó thì các lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và kỹ thuật tiên tiến, hiện đại hết sức quan trọng. Đất nước không thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công nếu thiếu công nghệ, kỹ thuật mũi nhọn.
Đưa ra nhận định nêu trên, Bộ trưởng cho rằng, ĐH Bách khoa Hà Nội đứng trước cơ hội lẫn định hướng mở rộng đa ngành nhưng cần xác định trụ cột là công nghệ, kỹ thuật và kỹ thuật cao. ĐH này không chỉ phát triển cho mình mà còn thực hiện vai trò đầu tàu dẫn dắt cho cả khối các trường ĐH, CĐ thuộc nhóm công nghệ, kỹ thuật. Cần rà soát cơ cấu ngành nghề phù hợp với bối cảnh cách mạng công nghiệp mới. Điều này, ĐH Bách khoa Hà Nội cần tuyên bố rõ trong sứ mệnh, trong chức năng nhiệm vụ của mình. Trong quá trình thực hiện, Bộ GD-ĐT sẽ giám sát việc tuân thủ sứ mệnh được tuyên bố và việc thực hiện chức năng nhiệm vụ đã lựa chọn, công nhận. Đây là việc cần thiết trong quản lý các trường ĐH và các ĐH thời tự chủ cao.
Bộ GD-ĐT xác định việc ưu tiên đặc biệt cho phát triển khối ngành công nghệ và kỹ thuật. Tầm quan trọng của khối ngành này khiến chúng ta cần có đầu tư trọng tâm, trọng điểm, toàn diện cho hệ thống phòng thí nghiệm, trang thiết bị để ĐH có thể hoàn thành được sứ mệnh của mình; tự chủ nhưng vẫn cần thiết và cần được tiếp tục đầu tư lớn.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị ĐH Bách khoa Hà Nội cần đi đầu trong việc thực hiện tự chủ. ĐH tự chủ đầy đủ, tự chủ có chiều sâu, tự chủ trong một giai đoạn mới vừa theo thông lệ của thế giới vừa phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội, văn hóa, con người Việt Nam.
Thục Trân
Bình luận (0)