Việc trùng tu và bảo quản di tích là việc làm không chỉ có giá trị về mặt bảo tồn di tích văn hóa mà còn mang lại lợi ích thiết thực cho cả cộng đồng. Đây cũng là việc làm thể hiện lòng biết ơn các bậc tiền nhân đã tốn biết bao công sức và trí tuệ gầy dựng để lại cho hậu thế chúng ta và con cháu mai sau một tài sản văn hóa vô cùng độc đáo để chiêm ngưỡng, nghiên cứu và học tập.
Đường vào đình Chí Hòa
Đó chính là khẳng định của ông Trần Thế Thuận (Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM) tại buổi lễ khởi công tu bổ, tôn tạo đình Chí Hòa (Q.10).
Lưu giữ giá trị văn hóa – lịch sử
Đình Chí Hòa là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia hơn 150 tuổi. Đình có những đường nét cổ kính, mang đậm phong cách đình làng Nam bộ với các bàn thờ, khám thờ, bao lam, hoành phi được sắp đặt trang nghiêm. Chính điện là kiến trúc gỗ dạng tứ trụ với cột kèo, xà được khắc chạm nghệ thuật, mái đình lợp ngói âm dương, bờ nóc mái trang trí tượng lưỡng long tranh châu bằng gốm men xanh có tính thẩm mỹ cao.
Các di vật cổ vật của ngôi đình như: Đôi liễn tại chính điện (năm Đinh Mão – 1867), các hoành phi “Quốc thái dân an” (năm Canh Tuất – 1850), “thần minh chính trực” (năm Đinh Mão – 1867), sắc phong vua Tự Đức thứ 5… đã khẳng định giá trị lịch sử – văn hóa của ngôi đình cổ.
Phía trước đình Chí Hòa xập xệ, xuống cấp
Theo thời gian, đình Chí Hòa xuống cấp trầm trọng phải trải qua nhiều lần tu sửa, chống sập. Lần tu sửa đầu tiên vào khoảng 10 năm trước, khi khu vực chính điện có nhiều dấu hiệu sắp sập, UBND Q.10 đã chi gần 245 triệu đồng để tu bổ cấp thiết. Ba lần sau dựa vào kinh phí thành phố. Do những yếu tố lịch sử, đình càng ngày càng xuống cấp, thậm chí có những chi tiết xuống cấp nghiêm trọng làm Ban Quản lý đình không thể yên tâm nhìn những tài sản vô giá như thế này phải hằng ngày xuống cấp. Đến hiện tại, đình mới được khởi công trùng tu, tôn tạo lại – đúng vào thời điểm đình không chịu thêm được nữa.
Ông Trần Thế Thuận (Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM) cho biết, đình Chí Hòa được tu bổ bằng ngân sách Nhà nước với tổng mức đầu tư 34 tỷ đồng. Đây không chỉ là vinh dự mà còn là trách nhiệm của tất cả chúng ta. “Việc trùng tu và bảo quản di tích là việc làm không chỉ có giá trị về mặt bảo tồn di tích văn hóa mà còn mang lại lợi ích thiết thực cho cả cộng đồng. Đây cũng là việc làm thể hiện lòng biết ơn các bậc tiền nhân đã tốn biết bao công sức và trí tuệ gầy dựng để lại cho hậu thế chúng ta và con cháu mai sau một tài sản văn hóa vô cùng độc đáo để chiêm ngưỡng, nghiên cứu và học tập”, ông Thuận nhấn mạnh. |
Ông Bùi Thế Hải (Phó Chủ tịch UBND Q.10) cho biết, di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đình Chí Hòa luôn được lãnh đạo và nhân dân trên địa bàn quan tâm giữ gìn, phát huy giá trị quý báu của di tích trong công tác giáo dục truyền thống, văn hóa, lịch sử cho người dân và du khách, nhất là thế hệ trẻ. Tuy nhiên theo thời gian, đình bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng ảnh hưởng đến hoạt động và công tác đảm bảo an toàn cho người dân và du khách đến tham quan, sinh hoạt. Chính vì vậy, UBND quận, phường và Ban Quản lý đình đã báo cáo, đề xuất Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM chấp nhận đầu tư, tôn tạo. “Sau khi đình hoàn thiện, đây không chỉ là nơi để người dân sinh hoạt, học tập và bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử của cha ông mà còn góp phần thu hút khách du lịch đến tham quan”, ông Hải nói.
Giáo dục thế hệ trẻ
Ông Phạm Thanh Lâm (Trưởng ban quản lý đình Chí Hòa) cho biết, đình Chí Hòa gắn với 2 sự kiện quan trọng trong lịch sử. Từ 1785-1792 cụ đồ Nho Võ Trường Toản đã dạy học ở đây. Ban đầu người ta biết đến cụ không nhiều nhưng khi học trò của cụ thành đạt thì nhiều người mới biết đến – cụ đồ uyên thâm, suốt đời rèn đức, luyện người. Hiện nay ở đình có tượng thờ cụ Võ Trường Toản. Ở miền Đông và Tây Nam bộ hiện nay cũng có khoảng 20 trường tiểu học, THCS và THPT mang tên cụ Võ Trường Toản. Sự kiện thứ 2 vào năm 1917, đình Chí Hòa được là nơi để thanh niên luyện tập võ nghệ đánh nhau với Pháp. Với những giá trị của ngôi đình, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã công nhận đình Chí Hòa là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia vào năm 1996.
Lễ khởi công trùng tu, sửa chữa đình Chí Hòa
Theo diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang – học trò của cố GS.TS Trần Văn Khê, nhà giáo Võ Trường Toản được người đời xưng tụng là Vạn thế sư biểu của vùng đất phương Nam, một trong những người thầy đầu tiên mở trường dạy học tại đình Hòa Hưng (đình Chí Hòa – Q.10 ngày nay). Thầy Võ Trường Toản đã đào tạo ra biết bao thế hệ học trò ưu tú như Ngô Tùng Châu, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định… Tác phẩm Hoài cổ phú của thầy tuy chỉ có 24 câu thơ nhưng đã hun đúc tinh thần yêu nước thương nhà, trung hiếu tiết nghĩa, giúp lòng người hướng về chân – thiện – mỹ, thấy được giá trị của phẩm chất con người về sự thảo ngay dù cho cuộc đời có lắm bể dâu biến đổi.
Hồ Trinh
Bình luận (0)