Hội nhậpThế giới 24h

Chạy đua quyết liệt giành ghế Thủ tướng Thái Lan

Tạp Chí Giáo Dục

Các ứng viên hàng đầu đang tích cực vận động sự ủng hộ với những cam kết về chính sách hứa hẹn viễn cảnh tươi đẹp hơn cho Thái Lan.

Hôm nay 7.4 là thời hạn các ứng viên tranh chức Thủ tướng Thái Lan đăng ký với Ủy ban Bầu cử quốc gia, bắt đầu cuộc đua giai đoạn cuối trước ngày tổng tuyển cử 14.5. Nhiều đảng đã đề cử người đại diện và đưa ra những cam kết chính sách nếu đắc cử. Trong số các ứng viên có đương kim Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha, dù theo quy định ông chỉ có thể cầm quyền thêm 2 năm nếu thắng cử. Bên cạnh đó, bà Paetongtarn Shinawatra, hậu duệ của 2 đời thủ tướng, cũng đang nuôi hy vọng đưa dòng họ Shinawatra trở lại cầm quyền.

Quyết tâm của đương kim lãnh đạo

Đảng Quốc gia Thái Lan thống nhất (UTN) mà Thủ tướng Prayuth (69 tuổi) làm chiến lược gia trưởng ưu tiên cam kết tranh cử tập trung vào sự phát triển của một nền kinh tế cơ sở vững mạnh. Tờ Bangkok Post ngày 6.4 dẫn lời thành viên Anucha Nakasai thuộc đội ngũ kinh tế của UTN cho biết đảng sẽ tiếp tục mở rộng các dự án cơ sở hạ tầng và giao thông đã được chính phủ khởi xướng. Ngoài ra, đảng cam kết sẽ thúc đẩy du lịch để tạo thu nhập cho người dân địa phương. UTN còn đưa ra chính sách cải thiện chất lượng sống của người dân, tập trung vào nông dân vốn chiếm đa số, trong đó có kế hoạch cung cấp bò cho 1 triệu nông hộ.

Chạy đua quyết liệt giành ghế Thủ tướng Thái Lan - Ảnh 1.

Đám đông tụ tập khi lãnh đạo các đảng phát biểu với truyền thông bên lề sự kiện đăng ký ứng viên tranh cử chức Thủ tướng Thái Lan tại Bangkok, Thái Lan hôm 3.4. Reuters

Tướng Prayuth đã lãnh đạo Thái Lan gần 8 năm kể từ khi chỉ đạo cuộc đảo chính vào tháng 8.2014 lật đổ chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Một viên tướng khác liên quan đảo chính là đương kim Phó thủ tướng Prawit Wongsuwon (78 tuổi) đại diện đảng Palang Pracharat cũng ra tranh cử. Ông Prawit cho biết thế mạnh của mình là có thể làm cầu nối giữa các lực lượng bảo thủ và dân chủ.

Những gương mặt mới

Cuộc bầu cử nhìn chung là sự đọ sức giữa các nhóm chính trị được quân đội bảo hoàng hậu thuẫn với phe đối lập, trong đó nổi bật là đảng Pheu Thai với sự hậu thuẫn của gia đình Shinawatra và các đồng minh trong lĩnh vực kinh doanh, theo Reuters. Pheu Thai đề cử bà Paetongtarn (37 tuổi), một gương mặt mới trên chính trường nhưng kỳ vọng thu hút các cử tri từng ủng hộ cha và cô mình là 2 cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra và Yingluck Shinawatra. Pheu Thai còn đề cử 2 ứng viên khác là cựu Bộ trưởng Tư pháp Chaikasem Nitisiri – người đang là cố vấn của đảng, và ông Srettha Thavisin, người vừa từ chức CEO Sansiri, tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản Thái Lan. Giới phân tích cho rằng ông Srettha, doanh nhân 60 tuổi nổi tiếng trong cộng đồng doanh nghiệp, sẽ giúp cân bằng những suy nghĩ cho rằng bà Paetongtarn thiếu kinh nghiệm.

Theo tờ Bangkok Post, Pheu Thai hôm 5.4 công bố chính sách tranh cử với mục tiêu đem lại tương lai tốt đẹp hơn cho người dân bằng cách tăng thu nhập, cải cách hệ thống tư pháp và nâng cấp hạ tầng để tăng sức cạnh tranh. Trọng tâm chiến dịch là cam kết áp dụng công nghệ và sáng tạo để phát triển đất nước cũng như cải thiện sinh kế của người dân. Bà Paetongtarn nhấn mạnh rằng 2 lĩnh vực này sẽ phát huy vai trò thúc đẩy sự phát triển quốc gia.

Một gương mặt trẻ khác là lãnh đạo Pita Limjaroenrat (42 tuổi) của đảng Tiến lên, đảng duy nhất kêu gọi sửa đổi luật với hình phạt lên đến 15 năm tù giam đối với hành vi xúc phạm hoàng gia. Các chính sách của ông Pita gồm thúc đẩy vai trò doanh nghiệp nhỏ, đối phó tình trạng độc quyền và chấm dứt nghĩa vụ quân sự. Những người ủng hộ đảng này chủ yếu là cử tri trẻ.

Chống tham nhũng

Đảng Dân chủ Thái Lan giới thiệu lãnh đạo đảng là ông Jurin Laksanawisit tranh cử chức thủ tướng. Đảng này cam kết thúc đẩy các sáng kiến chống tham nhũng và xem đó là vấn đề khẩn cấp quốc gia. Ông Alongkorn Ponlaboot, phó chủ tịch đảng, cho rằng tham nhũng đã đến mức khủng hoảng và cần nỗ lực chung đối phó, theo Bangkok Post. "Nỗ lực chống tham nhũng phải nằm trong chương trình nghị sự quốc gia để nhân lực, vật lực có thể được tận dụng hiệu quả", ông phát biểu. Đảng này dự định tổ chức diễn đàn mang tên "Lắng nghe, suy nghĩ, hành động chống tham nhũng", nhằm thu thập ý kiến định hình chính sách chống tham nhũng để tiếp tục vận động tranh cử.

Huy động hơn 90.000 cảnh sát giữ an ninh tổng tuyển cử

Tờ Bangkok Post ngày 6.4 dẫn lời trung tướng Archayon Kraithong, phát ngôn viên Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, cho biết lực lượng này sẽ triển khai hơn 90.000 cảnh sát để đảm bảo an ninh cho cuộc tổng tuyển cử. Lực lượng này cũng sẽ vận hành một trung tâm an toàn bầu cử hoạt động từ ngày 20.4 – 17.5 do phó cảnh sát trưởng quốc gia Roy Ingkapairoj đứng đầu, nhằm điều tiết, huấn luyện lực lượng cảnh sát bảo vệ người dân và giải quyết các vụ phạm pháp trong thời gian bầu cử. Trong khi đó, Thủ tướng Prayuth kêu gọi tất cả các bên nên đoàn kết, ưu tiên hòa bình và an ninh trong dịp bầu cử.

Theo Khánh An/TNO

 

Bình luận (0)