Thua lỗ vì chính phủ cấm dạy thêm, nhiều công ty gia sư ở Trung Quốc quyết định "đánh" vào thị trường nước ngoài – nơi có nhiều gia đình gốc Trung đang sinh sống, làm việc.
Trẻ em sống ở nước ngoài vẫn có thể tham gia các lớp gia sư của Trung Quốc. Ảnh: Sixth Tone.
Kể từ khi Trung Quốc áp dụng chính sách "giảm kép" từ tháng 9/2021, nhiều công ty gia sư tư nhân ở Trung Quốc buộc phải chuyển hướng vì không thể tổ chức dạy học cho học sinh trong nước như trước. Họ quyết định khai thác một thị trường mới thay thế: Những học sinh là con em Trung Quốc đang sống ở nước ngoài.
Think Academy, công ty con của Tập đoàn giáo dục TAL có trụ sở tại Bắc Kinh, đạt mức tăng trưởng ba chữ số nhờ chuyển hướng kinh doanh. Trong khi hoạt động trong nước liên tục thua lỗ, doanh thu ở nước ngoài của công ty này lại tăng gấp đôi trong năm 2022.
Các cha mẹ Trung Quốc sống ở nước ngoài, nhiều người trong số đó từng là học sinh giỏi ở Trung Quốc, cũng tận mắt chứng kiến sự mở rộng của các công ty giáo dục. Chính họ cũng tìm đến các dịch vụ gia sư này để cho con học tiếng Trung Quốc.
"Tôi không muốn con trai mình quên tiếng mẹ đẻ. Hơn nữa, việc thông thạo nhiều ngôn ngữ cũng giúp con nộp đơn vào đại học thuận lợi hơn", người mẹ Zhang Jiao sống ở Mỹ nói về lý do cho con theo học lớp gia sư do công ty Trung Quốc cung cấp.
Bà Lin Xilei (35 tuổi, sống ở Canada) cũng chọn Blingo, ứng dụng học tiếng Trung từ mẫu giáo đến lớp 12 thuộc sở hữu của công ty giáo dục New Oriental, vì tính linh hoạt và giá cả phải chăng.
Người mẹ cho biết khóa học tiếng Trung của Blingo cung cấp gồm 80 buổi, mỗi buổi 25 phút theo hình thức một thầy một trò. Học phí có giá hơn 10.000 nhân dân tệ (tương đương 1.450 USD). Bà Lin nhận xét việc học online hợp lý hơn so với việc cho con đi học trực tiếp tại các trường ngoại ngữ ở Canada.
"Giáo viên dạy rất hiệu quả, không lan man và không kéo dài các buổi học quá lâu. Con tôi giờ đã có thể viết những đoạn văn ngắn bằng tiếng Trung", bà Lin nói với Sixth Tone.
Ngoài đào tạo ngôn ngữ, các công ty dịch vụ gia sư của Trung Quốc còn cung cấp khóa dạy toán, STEM, nghệ thuật, âm nhạc. Những khóa học này thu hút sự quan tâm của nhiều gia đình, đặc biệt là các gia đình ở khu vực cạnh tranh học thuật và có lượng dân nhập cư lớn như Thung lũng Silicon.
Những khóa gia sư của Trung Quốc lại càng nổi tiếng nhờ loạt câu chuyện thành công của học viên, ví dụ sự thành công của vận động viên trượt tuyết tự do người Mỹ gốc Trung Cốc Ái Lăng (Elieen Gu). Cốc Ái Lăng sinh ra và lớn lên ở Mỹ nhưng được mẹ cho học gia sư với công ty Trung Quốc.
Mẹ của nữ vận động viên cho rằng học Toán ở Trung Quốc trong 10 ngày tương đương việc học cả năm ở Mỹ. Không riêng mẹ của Cốc Ái Lăng, nhiều cha mẹ Trung Quốc sống ở nước ngoài cũng có niềm tin như vậy.
Tuy nhiên, không phải ai cũng hài lòng với dịch vụ gia sư của các công ty Trung Quốc. Trước khi cho con trai học ở Blingo, bà Lin từng đăng ký lớp gia sư cho con ở Spark Education. Sau một thời gian, bà nhận thấy phương pháp dạy học của công ty này quá khác so với những gì con bà được học ở trường.
Một số phụ huynh khác cũng lo rằng sự "bành trướng" của các công ty gia sư, kèm theo kiểu nuôi con "luyện gà" có thể khiến trẻ em gặp quá nhiều áp lực khi còn nhỏ. Chính hiện tượng này cũng khiến Trung Quốc phải áp dụng lệnh cấm dạy thêm trong vài năm qua.
Theo Thái An/Zingnews
Bình luận (0)