Bộ GD-ĐT vừa ban hành hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học môn tin học đối với bậc THCS, THPT từ năm học 2020-2021. Trong đó, đáng chú ý, nội dung giảng dạy ngôn ngữ lập trình Pascal trong chương trình tin học lớp 11 đã bị lược bỏ khá nhiều.
Từ năm học này, học sinh lớp 11 sẽ được học ngôn ngữ lập trình mới, thay vì Pascal
Thay vào đó, Bộ GD-ĐT cho phép các cơ sở giáo dục có thể lựa chọn giảng dạy các ngôn ngữ lập trình có tính cập nhật, hiện đại, và thông dụng, đang được triển khai trong trường phổ thông nhiều nước như Python, C, C++… Tùy từng cơ sở giáo dục sẽ thay thế một cách tương ứng ngôn ngữ lập trình phù hợp.
Hoan nghênh, đón nhận
Thông tin Bộ GD-ĐT bỏ Pascal ra khỏi chương trình tin học lớp 11 đã được nhiều trường THPT tại TP.HCM hoan nghênh, đón nhận. Theo các đơn vị, SGK Tin học 11 trình bày các yếu tố đặc trưng riêng về Pascal quá sâu, không cần thiết, nhiều nội dung về Pascal gây quá tải cho việc dạy và học, thiên nhiều về yếu tố lý thuyết nặng nề, nhiều kiến thức vượt quá chuẩn kiến thức, kỹ năng…
Thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Q.10) nhìn nhận, trong thời 4.0 hiện nay, Pascal đã là ngôn ngữ rất lạc hậu, rất nhiều phần mềm hiện đã không còn ứng dụng chương trình này, vì thế nếu tiếp tục giảng dạy cho học sinh ngôn ngữ Pascal trong các nhà trường sẽ trở nên thiếu tính ứng dụng. “Việc Bộ GD-ĐT lược bỏ Pascal ra khỏi chương trình môn tin học là rất đúng, nhà trường hoàn toàn ủng hộ, dù hơi muộn. Tới đây, trường sẽ làm việc với giáo viên tổ tin học của trường để phổ biến, đồng thời đưa ra phương hướng giảng dạy môn tin học lớp 11 trong năm học. Tuy nhiên, trường cũng đang chờ đợi sự chỉ đạo của Sở GD-ĐT TP.HCM để chọn một ngôn ngữ lập trình mới mang tính chính thống đưa vào sử dụng, giảng dạy trong các nhà trường vào năm học này”.
Song, việc đưa một ngôn ngữ lập trình mới vào giảng dạy trong nhà trường, thầy Phú cho rằng cần phải có lộ trình để đội ngũ giáo viên có sự thích ứng, nhà trường có sự chuẩn bị cả về đội ngũ giáo viên lẫn cơ sở vật chất. “Giáo viên cần phải được tập huấn bài bản hoặc có hình thức bồi dưỡng phù hợp để thích ứng với chương trình mới. Khi thay thế Pascal bằng một ngôn ngữ khác thì ngôn ngữ đó phải mang hơi thở 4.0, có sự đồng nhất giữa các đơn vị, đồng nhất với kế hoạch giảng dạy của trường, và phù hợp với đối tượng học sinh. Làm sao ngôn ngữ lập trình mới có sự tích hợp và phục vụ trực tiếp vào quá trình nghiên cứu, học tập của các môn học khác. Quan trọng là từ môn tin học sẽ trở thành nền tảng giúp phát triển công nghệ cho học sinh, phục vụ vào các môn học khác, phát triển công nghệ 4.0…”.
Đi cùng với việc loại bỏ Pascal ra khỏi chương trình tin học 11, thầy Phú cũng đề xuất cần có sự đổi mới ở môn tin học nghề trong trường phổ thông, để tin học nghề thực sự thu hút học sinh học tập, có tính ứng dụng thực tế, giúp phát triển đam mê, định hướng sớm nghề nghiệp cho học sinh.
Ở góc độ giáo viên tin học trực tiếp giảng dạy, thầy Trần Bảo Quân (giáo viên tin học, Trường THPT Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận) cũng bày tỏ sự hoan nghênh, đồng tình khi Bộ GD-ĐT lược bỏ Pascal ra khỏi chương trình tin học lớp 11. Theo thầy Quân, Pascal rất khô khan, đòi hỏi học sinh khi học phải nhớ từng câu lệnh, sai một chữ là sai hoàn toàn nên thường không tạo được sự thích thú cho học sinh khi học. Trong khi hiện tại có nhiều phần mềm, chương trình mang tính trực quan sinh động, thông dụng, chỉ cần kéo – thả rất dễ học, thu hút học sinh mà vẫn đảm bảo được mục đích trang bị cho học sinh về lập trình và ngôn ngữ.
“Điều băn khoăn nhất hiện nay là khi bộ loại bỏ phần mềm này ra khỏi chương trình giảng dạy thì phải có sự hướng dẫn bài bản, không để giáo viên tự bơi, sẽ dẫn đến tình trạng mạnh trường nào trường đó làm. Nếu nói bỏ là bỏ luôn thì sẽ trở thành gánh nặng với giáo viên, nhà trường bởi thầy cô đã quá quen với cách giảng dạy ngôn ngữ cũ”, thầy Quân bày tỏ.
Hình thành cho học sinh kỹ năng tư duy thiết kế, lập trình
Vài năm trở lại đây, trong làn sóng đổi mới về phương pháp giảng dạy, việc giảng dạy tin học trong các trường THPT cũng đã được nhiều đơn vị THPT tại TP.HCM mạnh dạn đổi mới, thiên về trang bị tính ứng dụng cho học sinh. Do đó, khi Bộ GD-ĐT loại bỏ Pascal ra khỏi bộ môn tin học lớp 11, nhiều đơn vị cho rằng sẽ là cơ hội, tạo điều kiện để các nhà trường tiếp tục đổi mới.
“Từ trước giờ, với chương trình Pascal, giáo viên cũng phải linh động tìm cách đổi mới, tăng cường tính ứng dụng để học sinh thích thú. Hướng dẫn học sinh lập trình, tự thiết kế những game nhỏ. Vì vậy, khi thay thế Pascal, lựa chọn chương trình, phần mềm mang tính ứng dụng nhiều hơn sẽ tạo điều kiện để học sinh sử dụng phần mềm này để phục vụ cho các môn học khác…”, thầy Đào Phi Trường (Hiệu trưởng Trường THPT Long Trường, Q.9) chia sẻ.
Tuy nhiên, thầy Trần Bảo Quân (giáo viên tin học, Trường THPT Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận) cho rằng, để đưa một chương trình mới vào giảng dạy học sinh thì cần phải có một mức chuẩn để kiểm tra, đánh giá học sinh cũng như cách thức giảng dạy của giáo viên. Giáo viên cần phải được hướng dẫn về chương trình, chuẩn kiến thức, kỹ năng để thầy cô dựa vào đó mà giảng dạy… “Dù chọn chương trình nào đi chăng nữa, bộ có thể trang bị nhiều loại sách về tin học để thầy cô lựa chọn, phù hợp với đối tượng học sinh trường mình”, thầy Quân đề xuất.
Là đơn vị mạnh dạn đổi mới trong bộ môn tin học, thầy Võ Thiện Cang (Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hữu Trang, Q.5) cho hay, năm học này nhà trường cũng đã thay đổi, bắt đầu dạy ngôn ngữ C++ cho học sinh. Khi đưa chương trình mới vào giảng dạy, thầy Cang cho biết, nhà trường đã phải đầu tư, sửa chữa lại phòng máy, nâng cấp máy, trang bị phòng học khang trang hơn để tạo sự hứng thú cho học sinh khi học tin học, nhất là lập trình. Nhất là đội ngũ giáo viên đã có sự tập huấn bài bản trước đó. “Để thay thế Pascal, các nhà trường có thể đưa ngôn ngữ C++ hoặc ngôn ngữ khác vào giảng dạy. Tuy nhiên, không nên đặt nặng quá việc sử dụng ngôn ngữ gì mà quan trọng là phải hình thành cho học sinh hiểu được như thế nào là lập trình, rèn luyện kỹ năng tư duy thiết kế, xây dựng một chương trình máy tính… Giáo viên phải dạy và hướng dẫn kỹ từng bài học, cho học sinh thực hành nhiều, ứng dụng kỹ năng tư duy cho những môn học khác”, thầy Cang nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)