“Phát triển đô thị thông minh đòi hỏi phải có tính bền vững, hiệu quả và “tính thông minh”; muốn có thông minh phải có công nghệ số, dữ liệu số và giải pháp phù hợp”… Những vấn đề này đã được các nhà quản lý nêu ra tại “Diễn đàn quốc tế về phát triển hạ tầng dữ liệu và phân tích hiện đại cho đô thị thông minh” tổ chức tại TP.HCM mới đây.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tham quan mô hình xây dựng đô thị thông minh
TP.HCM tập trung tạo ra các dữ liệu dùng chung
Đầu năm 2023, TP.HCM ban hành Chiến lược quản trị dữ liệu của TP đến năm 2025, định hướng đến 2030 với mục tiêu tạo ra dữ liệu, thông tin để sử dụng trong hoạch định chính sách cho công tác quản trị trên nền tảng số. Theo đó, TP sẽ tập trung tạo ra các dữ liệu, rồi từ những nền tảng dữ liệu này sẽ triển khai cho dịch vụ đô thị thông minh.
Bà Võ Thị Trung Trinh – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP – cho biết, Chiến lược quản trị dữ liệu giúp TP hiện thực hóa kế hoạch xây dựng đô thị thông minh cũng như kế hoạch chuyển đổi số. Trước đó, khi đưa ra kế hoạch phát triển đô thị thông minh, TP hướng đến một đô thị cung cấp dịch vụ cho người dân được tốt nhất, lấy người dân làm trọng tâm trong việc thay đổi các mô hình cung cấp dịch vụ hành chính công.
Sau khi quốc gia ban hành chương trình chuyển đổi số thì TP cũng ban hành chương trình chuyển đổi số thể hiện khát vọng, mong muốn thay đổi toàn diện trong hoạt động của TP; trong đó, tập trung thúc đẩy hoạt động chính quyền số và thúc đẩy kinh tế số, xã hội số tại TP.
Với Chiến lược quản trị dữ liệu, TP muốn dữ liệu là một nguyên liệu để phục vụ phát triển kinh tế số TP. Hiện kinh tế số của TP chiếm khoảng 18%, dự kiến đến 2030 sẽ đóng góp 40% GRDP của TP. Quan trọng nhất trong việc triển khai chiến lược dữ liệu này là hỗ trợ cho vấn đề nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh của TP trong giai đoạn sắp tới.
Bà Trinh nhấn mạnh, nguyên tắc chính trong xây dựng chiến lược dữ liệu đó là xác định dữ liệu sẽ trở thành “tài sản cốt lõi”. TP đã ban hành rất nhiều chính sách, trong đó khẳng định dữ liệu là dùng chung, là tài sản của các cơ quan TP. TP đã đặt ra những chỉ tiêu, những chỉ tiêu biến thành kế hoạch thực hiện. Đơn cử hệ thống thông tin lớn của TP như đất đai, xây dựng, quy hoạch… sẽ được hình thành thống nhất trên toàn TP để phục vụ điều hành kinh tế TP, phục vụ phát triển xã hội.
Có 3 trụ cột chính mà hiện nay chiến lược dữ liệu số TP hướng đến, trong đó tập trung vào dữ liệu đất đai – đô thị; người dân; tài chính – doanh nghiệp. Những dữ liệu này giúp TP hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến thông minh.
Theo bà Trinh, trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh, TP.HCM xác định phát triển đô thị thông minh, chuyển đổi số và quản trị dữ liệu là một hành trình. Hành trình này cần phải cải tiến thường xuyên dựa theo điều kiện thực tế cũng như thay đổi về công nghệ mới đảm bảo được những ứng dụng khoa học công nghệ số có hiệu quả.
Đô thị thông minh phải giải quyết những vấn đề đặc thù
Ông Phan Xuân Dũng – Chủ tịch các Hội Liên hiệp khoa học và kinh tế Việt Nam – cho biết, nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển và hội nhập mới với một tâm thế, vị thế cao hơn rất nhiều so với trước đây. Trong quá trình đó, vấn đề chuyển đổi số quốc gia là một trọng tâm trong toàn xã hội và được coi là một trong những giải pháp đột phá trong quản trị xã hội, cải cách hành chính, sản xuất kinh doanh nhằm góp phần phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng. Phát triển đô thị thông minh là tất yếu trong một xã hội đang chuyển mình theo xu thế xã hội số.
Tại diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng, phát triển đô thị thông minh không còn là chuyện xa lạ đối với nước ta. Từ 2018 đến nay, có trên 40 tỉnh, thành triển khai đô thị thông minh và đã có một số hiệu quả, người dân bắt đầu thụ hưởng dịch vụ đô thị thông minh. Tuy nhiên, so với mục tiêu, định hướng đặt ra thì phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam thời gian qua còn rất nhiều vấn đề cần khắc phục.
Theo TS. Huỳnh Lương Huy Thông – Giám đốc R&D của Tập đoàn VNPT, những vấn đề đó là thiếu thông tin; thụ động trong xử lý sự cố; dữ liệu phân tán, không thống nhất nên khó khai thác trong dự báo và độ chính xác không cao; mô hình cồng kềnh, phối hợp chồng chéo, chậm chạp, chưa minh bạch hiệu quả; người dân ít được tham gia vào các hoạt động chính quyền; các bất cập của đô thị hóa, dân cư tập trung gây áp lực lên cơ sở hạ tầng; phát triển đô thị thông minh phải mang tính đặc thù của từng địa phương.
Ông Nguyễn Phú Tiến – Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia – thừa nhận, trừ những đô thị lớn như TP.HCM, Đà Nẵng… thì các dịch vụ đô thị thông minh triển khai thời gian vừa qua ở các địa phương vẫn gắn với bài toán nhỏ, những bài toán chính quyền điện tử, chính quyền số từ trước đây, chưa đi vào giải quyết căn cơ những bài toán thực sự của đô thị. Trong khi đó, nếu gọi là thông minh thực sự phải giải quyết những vấn đề đặc thù như giao thông, môi trường, y tế, giáo dục… Muốn giải quyết những nút nghẽn, khó khăn này phải ứng dụng công nghệ số. Đô thị hay TP thông minh thực chất là chuyển đổi số ở mức độ làm sao cho đô thị có tính bền vững, hiệu quả và có tính thông minh.
“Các địa phương phải khắc phục được những điểm yếu thời gian vừa qua. Muốn có thông minh phải có công nghệ số, dữ liệu số và giải pháp phù hợp. Trong triển khai đô thị thông minh không phải đơn giản chỉ đưa ra chủ trương, chính sách, bởi khi triển khai sẽ có rất nhiều vấn đề nảy sinh”, ông Tiến nói.
Ngọc Trinh
Bình luận (0)