Hội nhậpThế giới 24h

Nhiều nước sơ tán công dân khỏi Sudan

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều nước gấp rút đưa công dân khỏi Sudan, nơi giao tranh tiếp diễn khiến hàng ngàn người nước ngoài mắc kẹt, trong đó có các nhà ngoại giao và nhân viên cứu trợ.

Theo Reuters, lực lượng Không quân Đức đã sơ tán khoảng 311 người từ một sân bay gần Khartoum. Chuyến đầu tiên chở 101 người đã về đến thủ đô Berlin hôm 24-4.

Thụy Điển cho biết tất cả nhân viên Đại sứ quán ở Khartoum, cùng gia đình họ và nhiều công dân nước này đã được sơ tán đến Djibouti. Theo hãng tin Reuters, máy bay và lực lượng quân sự Thụy Điển sẽ tiếp tục hỗ trợ sơ tán công dân nước ngoài miễn là tình hình an ninh cho phép.

Chính phủ Anh hôm 23-4 cho biết hơn 1.200 quân nhân đã tham gia cuộc sơ tán các nhà ngoại giao và gia đình họ khỏi Sudan. Các nước châu Âu khác – bao gồm Ý, Hà Lan và Hy Lạp – cũng lên kế hoạch giải cứu công dân mình.

Riêng lực lượng Đặc nhiệm Mỹ sử dụng trực thăng MH-47 Chinook từ một căn cứ ở Djibouti đến thủ đô Sudan và đưa ít nhất 100 người khỏi nước này trong vòng 1 giờ hôm 23-4.

 Tờ The Washington Post dẫn lời một quan chức an ninh cho biết các thành viên Đội Đặc nhiệm SEAL 6 – được biết đến từng tham gia chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden 12 năm trước và Nhóm Lực lượng Đặc nhiệm số 3 của Lục quân Mỹ đã tham gia chiến dịch này.

Nhiều nước sơ tán công dân khỏi Sudan - Ảnh 1.

Các nhân viên ngoại giao và công dân Tây Ban Nha được sơ tán từ Sudan đến Djibouti hôm 24-4. Ảnh: Reuters

Trước đó một ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken xác nhận hoạt động tại Đại sứ quán ở TP Khartoum đã bị đình chỉ và tất cả nhân viên cùng người thân được sơ tán an toàn. Chính phủ Mỹ cũng cam kết sẽ nỗ lực giúp đỡ 16.000 người Mỹ hiện sống ở Sudan.

 Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ khuyến cáo công dân không nên đến quốc gia châu Phi này do "xung đột vũ trang, bất ổn dân sự, tội phạm, khủng bố và bắt cóc".

Theo đài Al Jazeera, giao tranh tại Sudan nổ ra từ ngày 15-4 sau nhiều tuần căng thẳng giữa quân đội và nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF). Hai lực lượng này từng là đồng minh và cùng nhau thực hiện cuộc đảo chính năm 2021.

Căng thẳng ngày một gia tăng do đề xuất hợp nhất RSF với quân đội, trong đó tranh cãi chính là ai sẽ là tổng tư lệnh của lực lượng mới. Đứng đầu RSF là Mohamed Hamdan Dagalo – thường được gọi là Hemedti.

Trong khi đó, Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Abdel Fattah al-Burhan hiện còn là Chủ tịch Hội đồng Chủ quyền chuyển tiếp Sudan. Phần lớn giao tranh đang diễn ra ở thủ đô Khartoum nhưng đụng độ cũng xảy ra ở nhiều nơi khác.

Tổ chức Y tế thế giới cho biết tính đến ngày 24-4, chiến sự đã khiến hơn 420 người thiệt mạng, 3.500 người bị thương và 2/3 bệnh viện phải đóng cửa. Trong bối cảnh giá cả tăng cao, thực phẩm ngày càng trở nên khan hiếm, nhất là khi nhà máy bột mì lớn nhất nước đã bị phá hủy trong giao tranh vào cuối tuần rồi.

 Nhiều người hiện đối mặt nguy cơ thiếu nước sinh hoạt và lương thực trong lúc nguồn cung tiền mặt đang dần cạn kiệt. Một số chuyên gia nhận định xung đột đang đẩy Sudan đến bờ vực sụp đổ, đe dọa an ninh khu vực nói riêng và thế giới nói chung. 

Theo AP, những khó khăn kinh tế của Sudan dường như là cơ hội để các quốc gia phương Tây sử dụng biện pháp trừng phạt kinh tế để ép hai bên xuống thang căng thẳng. Tuy nhiên, theo AP, thực tế là cả hai phe đều có hàng chục ngàn tay súng, được nước ngoài ủng hộ, sở hữu tài nguyên thiên nhiên và những nguồn lực khác để chống chọi trừng phạt.

Trong khi đó, số lượng đông đảo các bên có thể làm trung gian hòa giải – Mỹ, Liên Hiệp Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Ai Cập, các quốc gia vùng Vịnh, Liên minh châu Phi, Cơ quan Phát triển liên chính phủ Đông Phi (IGAD, gồm 8 nước Đông Phi) – có thể khiến bất kỳ nỗ lực hòa bình nào sẽ trở nên phức tạp hơn cả chính cuộc chiến.

Theo Xuân Mai – Anh Thư/NLĐO

 

Bình luận (0)