Giới phân tích nhận định, lĩnh vực bán dẫn đang chứng kiến sự suy giảm nghiêm trọng nhất trong hơn một thập kỷ qua và tình trạng này sẽ kéo dài hơn dự kiến, do nhu cầu đối với linh kiện ô tô suy yếu, kèm theo doanh số PC và smartphone sụt giảm.
Sau khi doanh số bán hàng điện tử bùng nổ trong bối cảnh tình trạng thiếu linh kiện lan rộng vào thời kỳ đỉnh điểm đại dịch Covid-19, lượng hàng bán dẫn tồn đọng đã ngày càng tăng kể từ mùa hè năm ngoái.
Cuộc suy thoái điển hình
TSMC, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, vừa hạ mức kỳ vọng phục hồi của thị trường, khi doanh thu hàng năm lần đầu tiên sụt giảm kể từ năm 2009. Công ty này cũng đang gặp khó khăn trong việc giải phóng lượng hàng tồn kho.
“Việc điều chỉnh hàng tồn kho bán dẫn trong nửa đầu năm 2023 mất nhiều thời gian hơn dự kiến trước đây của công ty”, CC Wei, giám đốc điều hành TSMC nói tại cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh tuần trước. “Tình trạng này có thể kéo dài sang quý III năm nay trước khi trở về mức lành mạnh hơn”.
TSMC hiện dự kiến doanh số công ty sẽ giảm vài % trong năm 2023. Năm ngoái, doanh nghiệp Đài Loan đạt mức tăng trưởng doanh thu ròng 43%.
Lĩnh vực bán dẫn thế giới ghi nhận lượng hàng tồn kho kỷ lục sau khi doanh số bùng nổ thời kỳ đại dịch
Trước đó vào đầu tháng, số liệu từ Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn, cho thấy, tổng doanh số của lĩnh vực này đã giảm 20,7% trong tháng 2/2023 so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu tháng giảm thứ 6 liên tiếp.
Ben Bajarin, chuyên gia phân tích tại Creative Strategies, công ty tư vấn trụ sở Mỹ, nhận định rằng “những biến động của ngành công nghiệp chip ngày nay có tác động lớn hơn nhiều so với giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2008-2009, do chưa bao giờ có nhiều ngành công nghiệp phụ thuộc vào bán dẫn như hiện tại”.
Ngành công nghiệp máy tính cá nhân (PC) bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thắt chặt tiêu dùng cá nhân và doanh nghiệp. Công ty nghiên cứu thị trường IDC ước tính, trong quý I, lĩnh vực PC giảm 29% so với năm 2022, trở thành “năm tồi tệ nhất từng được ghi nhận”.
Trong khi đó, theo Canalys, smartphone đang có quý giảm thứ 5 liên tiếp, thấp hơn 12% so với năm ngoái, khi người tiêu dùng thắt chặt hầu bao do lạm phát.
Apple cũng dự kiến doanh thu quý giảm 5% do nhu cầu với iPhone yếu hơn, cùng với việc doanh số Mac ước tính giảm 25%.
Thị trường đã chạm đáy?
Trái ngược với tình trạng dư thừa linh kiện thiết bị điện tử cá nhân, ngành công nghiệp ô tô trong vài tháng đầu năm 2023 đang là “cứu cánh” cho các nhà sản xuất chip, khi cầu vẫn cao hơn cung. Tuy nhiên, CC Wei nhận định ngay cả thị trường này cũng “đang có dấu hiệu lắng xuống vào nửa còn lại năm 2023”.
Những bình luận không khả quan, cùng các đợt giảm giá liên tiếp của Tesla, khiến cổ phiếu Infineon và STMicroelectronics, những nhà cung cấp bán dẫn lớn nhất cho ngành công nghiệp xe hơi, lao dốc 5% trong tuần trước.
Tuần này, gã khổng lồ Intel dự kiến báo cáo doanh thu điều chỉnh giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm mạnh hơn cả trong giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008.
Song, các giám đốc điều hành tại TSMC và ASML tin rằng, sự suy thoái sẽ chạm đáy trong năm nay. “Tôi cho rằng, công ty đang đi qua điểm đáy chu kỳ kinh doanh trong quý II”, CEO TSMC cho biết. Còn Wennink của ASML nói rằng, ông mong đợi “một năm tăng trưởng mạnh mẽ nữa cho công ty”, vì các nhà sản xuất chip vẫn duy trì lộ trình dài hạn và kế hoạch chi tiêu vốn bất chấp thách thức ngắn hạn.
Trong khi đó, dù lượng tồn kho bán dẫn tăng cao, nhưng các công ty trong ngành lại không thể tăng sản lượng những con chip phức tạp đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu tăng vọt từ những công ty AI. Điều đó tạo ra cuộc chạy đua giữa các doanh nghiệp công nghệ săn tìm những bộ vi xử lý mạnh mẽ như H100 của Nvidia.
TSMC, một trong những nhà cung ứng cho Nvidia thông tin, đã có khách hàng đề nghị công ty “tăng mạnh” công suất và sự gia tăng nhu cầu liên quan AI đã giúp “tiêu hoá lượng hàng tồn kho”.
“Không ai biết được điều gì sẽ xảy ra với ChatGPT vào tháng 11 năm ngoái. Sẽ cần ít nhất 18 tháng để chuẩn bị cho nhu cầu khi nó bùng nổ”, Bajarin của Creative Strategies kết luận.
Thế Vinh (theo vietnamnet)
Bình luận (0)