Ngành điện ảnh phục hồi chậm sau đại dịch COVID-19, khiến các đạo diễn nổi tiếng Hàn Quốc có thêm nhiều lựa chọn hấp dẫn.
Cơn sốt The Glory giúp Netflix thu về doanh thu lớn trong quý I/2023.
Xu hướng phát trực tuyến tiếp tục bùng nổ
Từ đầu năm đến nay, các đạo diễn điện ảnh xứ kim chi lần lượt công bố các dự án hợp tác với nền tảng Netflix và Disney+. Theo đó, Lee Byeong-heon, được biết đến với bộ phim hài ăn khách Extreme Job (2019), sẽ phát hành Chicken Nugget trên Netflix vào khoảng cuối năm.
Trước đó, đạo diễn Jung Ji-woo cũng đã công bố loạt phim đầu tiên của anh ấy trên Netflix mang tên Somebody. Trong khi đó, đạo diễn Kang Yoon-sung của The Outlaws (2017) cũng quyết định trở lại với một phim hành động ly kỳ khác là Big Bet, vào cuối năm ngoái trên nền tảng Disney+.
Những người trong ngành cho biết sự phục hồi chậm chạp của điện ảnh là nguyên nhân khiến các nhà làm phim chuyển sang nền tảng phát trực tuyến như một giải pháp thay thế.
“Không phải nói quá khi cho rằng việc sản xuất phim trở nên rất khó khăn sau đại dịch vì nguồn đầu tư (vào phim) đã cạn kiệt theo đúng nghĩa đen”, một người trong ngành đã làm việc tại công ty quảng bá phim địa phương trong một thập kỷ nói với The Korea Herald.
Theo Korea Herald, điện ảnh Hàn Quốc đã ghi nhận doanh thu 79,8 tỷ won (60,1 triệu USD) trong 3 tháng đầu năm 2023, chỉ bằng khoảng 1/4 so với thời điểm trước đại dịch năm 2019. Trong tháng 2, vé xem các bộ phim Hàn Quốc chỉ chiếm 19,5% tổng doanh thu bán vé, mức thấp nhất trong 19 năm qua. Trong số 8 phim nội ra rạp năm nay, phần lớn đều không hòa vốn, ngoại trừ phim hành động đầu tay The Point Men của đạo diễn Yim Soon Rye.
Đạo diễn Lee Byeong-heon chăm chú trong quá trình quay phim Extreme Job.
Dữ liệu của Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc cũng cho thấy khoảng 90 bộ phim xứ kim chi đã nhận được ít nhất 5-10 tỷ won đầu tư vẫn chưa được phát hành, gây khó khăn cho việc tạo ra một “vòng tuần hoàn” của dòng tiền.
“Những nhà đầu tư này hiện đang thiếu tiền mặt vì họ không thể thu lại tiền khi các bộ phim không được khởi chiếu. Điều này gây khó khăn cho việc đầu tư vào phim mới", một quan chức có 10 năm kinh nghiệm tại một công ty phát hành phim địa phương cho biết.
Ngoài tình trạng trì trệ của ngành công nghiệp điện ảnh do đại dịch kéo dài nhiều năm, thì vấn đề giá vé tăng cao cũng khiến người xem cân nhắc.
Trước đại dịch, người ta chỉ cần quyết định xem gì tại rạp. Giờ đây, nhiều người đang đặt câu hỏi liệu một bộ phim có thực sự đáng ra rạp để xem hay không? Bởi nếu như năm 2020, vé xem phim có giá trung bình 11.000 won (190.000 đồng) thì hiện tại, mức giá trung bình đã tăng lên 14.000 won (250.000 đồng). Một buổi tối đi xem phim dành cho 2 người với bỏng ngô và đồ uống có thể khiến chúng ta tiêu tốn khoảng 40.000 won (700.000 đồng).
Các nền tảng đẩy mạnh nội dung K-drama
Theo bước chân của loạt phim ăn khách Squid Game trên Netflix, các nhà làm phim đang đổ bộ vào thế giới phát trực tuyến, nơi mà họ không phải lo lắng về nguồn vốn đầu tư. Cơ cấu chia sẻ lợi nhuận cũng phần nào đảm bảo.
Trong báo cáo quý đầu tiên năm 2023 được Netflix công bố ngày 19/4, nền tảng ghi nhận mức tăng trưởng 3,7%, thu về 8,1 tỷ USD doanh thu. Và cú hích của The Glory được xem là một trong những lý do trọng yếu thúc đẩy sự tăng trưởng này của Netflix.
Các nền tảng trực tuyến thu hút nhiều nhà làm phim nhờ nguồn vốn đầu tư khủng.
2 năm trở lại đây, mức độ nổi tiếng toàn cầu của K-drama (phim truyền hình Hàn Quốc) ngày càng tăng mạnh. Các số liệu cho thấy ít nhất 60% trong số 230 triệu người đăng ký Netflix trên toàn thế giới đã xem ít nhất một nội dung Hàn Quốc trong năm ngoái. Và hiển nhiên Netflix và Disney+ cũng không giấu được tham vọng, liên tục đẩy mạnh các dự án phim của xứ kim chi.
Trong năm 2023, Netflix đã đầu tư nguồn vốn khổng lồ 550 tỷ won để sản xuất 25 bộ phim Hàn.
Park Ki-yong, chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc cho biết, nếu chính phủ không có chính sách hỗ trợ kịp thời, rất có thể các nhà làm phim sẽ đổ dồn hết vào các nền tảng phát trực tuyến.
“Chúng tôi thậm chí còn thấy các công ty sản xuất phim sửa đổi kịch bản của họ để có thể phát hành các dự án thông qua các nền tảng phát trực tuyến, như một giải pháp thay thế cho rạp chiếu phim. Chúng tôi cần các biện pháp đặc biệt từ chính phủ, như tài trợ sản xuất phim để các công ty sản xuất có thể hoàn trả chi phí khi phim bắt đầu tạo ra lợi nhuận”.
Bất chấp các đặc quyền như vốn đầu tư lớn và phạm vi tiếp cận toàn cầu, thì vẫn còn có những khía cạnh bất lợi khi các nhà làm phim hợp tác với các dịch vụ phát trực tuyến.
“'Netflix Original có nghĩa là tài sản trí tuệ của nội dung thuộc về Netflix, tức là bất kể nội dung đó có sức ảnh hưởng ra sao, thì nhà sản xuất hoặc tác giả ban đầu cũng không thể thu được bất kỳ lợi ích nào. Nói cách khác, nội dung độc đáo, sáng tạo và nguyên bản của Hàn Quốc đang bị bỏ qua”, một người trong ngành giấu tên nói với The Korea Herald.
Theo Hương Chung/PNO
Bình luận (0)