Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Học sinh tiểu học giao lưu với nhà thơ

Tạp Chí Giáo Dục

Trong Ngày hội giao lưu với nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng sáng 16-5, học sinh Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1) đã được hóa thân thành những nhà thơ nhí, sáng tác những bài thơ đầy đáng yêu, dễ thương về trường, lớp, thầy cô, ba mẹ, bạn bè…


Nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng (ở giữa) giao lưu với cô trò Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo

Nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng đã xuất bản tập thơ Giấc mơ buổi sáng, gồm 345 bài. Năm 2019, NXB Giáo dục Việt Nam và các nhóm biên soạn SGK đã dựa vào tập Giấc mơ buổi sáng chọn ra 5 bài thơ hoặc trích đoạn thơ để đưa vào 7 cuốn SGK.

Cụ thể thơ Nguyễn Lãm Thắng trong SGK như sau: Sách Tiếng Việt 1, tập 2 (bộ sách Chân trời sáng tạo), bài thơ Dạo phố (trang 116). Sách Tiếng Việt 1, tập 1 (bộ Cùng học để phát triển năng lực), đoạn trích thơ Mưa giông (trang 128). Sách Tiếng Việt 1, tập 2 (bộ Cùng học để phát triển năng lực), đoạn thơ Giờ ra chơi (trang 87). Sách Tiếng Việt 1, tập 2 (thuộc bộ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục), bài thơ Trong giấc mơ buổi sáng (trang 133). Sách Tiếng Việt 1, tập 1 (thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống), bài thơ Hoa giấy (trang 180). Sách Tiếng Việt 1, tập 2 (thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống), với 2 bài thơ Giờ ra chơi (trang 60) và bài thơ Trong giấc mơ buổi sáng (trang 126-127).

Trong ngày hội giao lưu, những bài thơ với những vần thơ trong trẻo được các em học sinh sáng tác và được trang trọng dán lên góc Nhà thơ nhí tài ba để bạn bè trong trường cùng thưởng thức.


Học sinh hóa thân thành nhà thơ nhí sáng tác thơ trong ngày hội giao lưu

Với bài thơ Vẽ tranh – Dương Hoàng Tấn Đạt (học sinh lớp 5/4) chia sẻ: Em rất thích vẽ tranh và thường vẽ về những điều diễn ra xung quanh mình. Bài thơ như sự hồi tưởng, chia sẻ với bạn bè về những bức tranh, để bạn bè cùng đọc. “Em rất vui khi bạn bè đều thích bài thơ mà em sáng tác” – Đạt háo hức.

Trong khi đó, Phan Ngân Giang (lớp 4/5) lại sắm vai nhà thơ nhí với bài thơ Nghỉ hè: “Trần Hưng Đạo yêu dấu/Ngày hè sắp đến rồi/Vắng bóng những học sinh/Vang tiếng cười nô nức/Ngôi trường đứng giữa phố/Chỉ còn tiếng ve kêu/Cây phượng vĩ trong sân/Khoe sắc hoa trong nắng…”.

Qua bà thơ, Ngân Giang bày tỏ: Sắp được nghỉ hè, phải xa thầy cô bạn bè nên em rất buồn. Với bài thơ, em muốn gửi tặng đến bạn bè, thầy cô và ngôi trường tiểu học yêu dấu tình cảm mến thương của mình…

Hóa thân thành nhà thơ nhí sáng tác thơ chỉ là 1 trong 4 trạm khám phá học sinh Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo được trải nghiệm khi tham gia trong ngày hội. Bên cạnh đó còn có các trạm: Đọc thơ hay; Vẽ minh họa thơ; Ký tặng sách – chụp ảnh.

Ngoài ra, khi giao lưu với nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng, học sinh còn được gửi gắm những chia sẻ về thơ đến nhà thơ qua “Cây yêu thương”. Các câu hỏi của học sinh treo trên cây yêu thương có thề là những bức thư, video…

Chia sẻ về cơ duyên đến với thơ thiếu nhi, nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng cho hay: “Tôi viết cho thiếu nhi như một nhu cầu cấp thiết của đời mình. Phải làm sao, khi các em đọc, luôn thấy mình trong đó. Cách quan sát và cách nghĩ phải sinh động, hồn nhiên và hóm hỉnh. Có như vậy, mới nói hộ được các em về những cảm nhận của bản thân về thế giới chung quanh bằng tình cảm và ước mơ cuộc sống. Trước cuộc sống hiện đại đầy rẫy những đổi thay, tôi cũng muốn dẫn dắt các em về với cội nguồn văn hóa Việt”.


Các em thích thú khi thấy bài thơ của mình và bạn bè trên Góc nhà thơ nhí

Cô Lê Thanh Hương – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo chia sẻ, các bài thơ của nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng trong sách giáo khoa được học sinh rất yêu thích. Ngày hội giao lưu với nhà thơ được tổ chức với mong muốn các em biết thêm về tác giả những bài thơ mình được học, hiểu thêm về chất liệu được nhà thơ sáng tác, từ đó học với sự say mê, ham thích…

“Ngày hội giao lưu cũng là hoạt động để nhà trường bồi đắp thêm cho học sinh tình yêu với sách, phát triển văn hóa đọc trong học sinh. Đặc biệt là ươm mầm năng khiếu văn thơ, phát triển các phẩm chất, năng lực học sinh theo đúng mục tiêu mà Chương trình GDPT 2018 hướng tới” – cô Lê Thanh Hương nhấn mạnh.

Yến Hoa

Bình luận (0)