Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Năm học mới với nhiều niềm vui và nỗi lo!

Tạp Chí Giáo Dục

Chưa có năm học nào như năm học mới 2020-2021, khi mà kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 cho học sinh (HS) lớp 12 của một số địa phương bị ảnh hưởng dịch bệnh chưa kết thúc, vì còn chờ công đoạn chấm thi, thì cả nước phải bước vào lễ khai giảng năm học mới. Quả thật, đây là một mùa khai giảng với thật nhiều cảm xúc đặc biệt, nhiều niềm vui xen lẫn không ít lo toan. Niềm vui trước nhất mà ai cũng cảm nhận được là, chỉ vài tháng trước đây thôi, khi dịch Covid-19 đang hoành hành, ít ai dám “mơ tưởng” đến một năm học sẽ kết thúc trọn vẹn nhiệm vụ của nó… Thì nay, có thể nói gần như đã hoàn thành, đã trở thành hiện thực. Vui vì hầu như HS cả nước được trả về đúng ý nghĩa của ngày tựu trường, ngày 5-9, “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”. Điều mà trước đây, giáo viên và HS cảm thấy mất hết ý vị, vì khai giảng quá lâu sau ngày nhập học. Hy vọng từ năm sau sẽ được áp dụng lâu dài. Vui vì sau một thời gian dài dự thảo, biên soạn, tiếp thu ý kiến đóng góp của xã hội; sau nhiều lần tạm hoãn thời gian đưa vào áp dụng và được sự đồng ý của Quốc hội, thì cuối cùng Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới đã đưa vào áp dụng cuốn chiếu với lớp 1 từ năm học này. Một niềm vui lớn nhất là, qua “lửa” đã thử được “vàng”, qua “khó khăn, gian nan” đã thử thách được sự “tùy thời, ứng biến”. Ngành giáo dục bước vào một năm mới với tâm thế khác hẳn: tự tin, chủ động, sáng tạo, linh hoạt. Chẳng hạn, những quy định mới về lễ khai giảng (gồm cả khai giảng trực tuyến ở những vùng chưa lắng dịch), việc chủ động áp dụng cách thức giảng dạy trực tuyến. Hay là việc Bộ GD-ĐT công bố nội dung tinh giản chương trình 10 môn học của cấp THCS và THPT, trong đó có nhiều bài học được giảng dạy theo hình thức tích hợp. Và mới đây nhất, ngay từ đầu năm học này, Bộ GD-ĐT đã ban hành văn bản thay đổi cách kiểm tra đánh giá HS từ tiểu học, THCS đến THPT. Đây là chủ trương rất đáng được hoan nghênh đón nhận. Nó là sự chủ động đón đầu để ứng phó với dịch bệnh, vừa là bước chuẩn bị cần thiết cho việc áp dụng chương trình phổ thông mới tới đây.

Tuy nhiên, cạnh những niềm vui trên vẫn còn nhiều nỗi buồn, nỗi lo. Việc dạy lớp 1 theo chương trình và sách giáo khoa mới khó đạt hiệu quả theo mong muốn vì điều kiện cơ sở vật chất, sĩ số HS. Nhiều địa phương thiếu trường lớp, thiếu giáo viên giảng dạy các cấp. Tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT dù ảnh hưởng dịch bệnh song vẫn đạt kết quả khá cao so với các năm bình thường. Trong khi đó, các trường ĐH đa dạng hình thức xét tuyển, trong đó có việc xét tuyển học bạ. Điều này càng tăng thêm sự lo lắng cho chất lượng, số phận, nhiệm vụ của kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm tới đây. Và thông tin mới nhất mà Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời báo chí vừa qua là sẽ bỏ kỳ thi THPT quốc gia của năm nay, giao việc thi và xét tốt nghiệp về cho các địa phương, trả việc tuyển sinh về cho các trường ĐH. Thông tin này dấy lên lo lắng là HS sẽ chịu áp lực của nhiều kỳ thi như trước đây!

Trn Ngc Tun
(giáo viên THPT)

 

Bình luận (0)