Tình cờ tôi đọc được bài báo: “Môn văn ở đâu trong thời 4.0?”. Trong bài báo ấy tác giả có nêu lên một số băn khoăn, suy nghĩ của mình về vai trò và vị trí của môn văn trong thời 4.0, thời đại của tự động hóa, robot sẽ dần thay thế con người… Tôi không có ý kiến gì về nội dung mà tác giả nêu lên, chỉ góp thêm ít lời nhân vấn đề bài báo đặt ra.
Trước hết tôi xin nhắc tên đầy đủ của môn học này là ngữ văn. Nếu chỉ nói một mình môn văn dễ gây hiểu nhầm là chỉ học văn chương thuần túy và do đó không thấy hết chức năng, nhiệm vụ của môn học này trong nhà trường phổ thông. Cũng vì thế không thấy hết vị trí và vai trò của nó trong thời 4.0.
Ngữ văn bao gồm cả ngôn ngữ và văn học; tức học sinh phải học cả tiếng Việt và văn học. Tổ chức học môn này như thế nào thì tùy mỗi thời, mỗi giai đoạn. Thường tiểu học tập trung học tiếng Việt nhiều hơn để học sinh nắm chắc công cụ ngôn ngữ. Học sinh phải biết đọc, biết viết thì mới học được các môn học khác, mới sống và làm việc có hiệu quả được dù ở đâu và lúc nào. Vậy nếu là thời 4.0 thì con người có cần biết đọc, biết viết hay không? Tôi nghĩ dù thời nào đi nữa, con người vẫn cần biết đọc, biết viết, ít nhất một ngôn ngữ nào đó, trước hết là tiếng nước mình. Chẳng lẽ khi có robot rồi thì người máy sẽ học đọc và viết tiếng Việt hộ học sinh tiểu học? Lên cấp THCS và THPT, học sinh vẫn phải tiếp tục học tiếng Việt với yêu cầu đọc, viết cao hơn, đa dạng và phong phú hơn. Cứ cho là đọc tác phẩm văn chương phù phiếm không phục vụ gì cho thời 4.0 thì vẫn phải học đọc – viết các văn bản thời ấy. Chẳng hạn phải đọc và hiểu các văn bản có nội dung phức tạp, các văn bản đa phương thức, các chỉ dẫn sơ đồ, cách thức điều hành, cách tạo ra robot… Con người nếu còn là người vẫn phải sinh hoạt, phải sống, phải giao tiếp với những nhu cầu đời thường. Và như thế vẫn cần đọc và viết, nghe, nói các văn bản thông tin. Con người vẫn phải suy nghĩ, tư duy. Dạy đọc, viết, nói, nghe là dạy học sinh biết tư duy; dạy cách nghĩ.
Tính công cụ của môn ngữ văn vì thế thiết nghĩ khó mà bác bỏ dù là thời 4.0. Nó chỉ yêu cầu cao hơn, khác trước… Vấn đề đặt ra là văn học giúp gì cho con người thời 4.0? Liệu học sinh có cần đọc văn chương nữa không? Trả lời câu hỏi này thực chất cũng là trả lời câu hỏi: Liệu văn học có còn tồn tại ở thời 4.0? Nếu văn học vẫn tồn tại và mãi mãi tồn tại thì việc dạy ngữ văn vẫn cần thiết. Tôi nghĩ, văn học thời 4.0 vẫn còn, nhưng chắc chắn nó sẽ thay đổi, thậm chí thay đổi lớn. Một khi văn học thay đổi thì độc giả cần thay đổi cách đọc. Ai dạy cho học sinh phổ thông cách đọc văn nếu không phải là nhà trường, các thầy cô giáo dạy ngữ văn. Vì văn học hay bất kỳ một ngành nào trong thời đại 4.0 cũng sẽ thay đổi rất nhanh và mạnh mẽ; khối lượng tác phẩm sẽ rất khổng lồ, vô tận… Vì thế không thể chạy theo dạy nội dung mà chỉ có thể là dạy cách đọc, cách tiếp nhận… nhằm trang bị cho học sinh phương pháp để các em dù đã rời ghế nhà trường vẫn tiếp tục tự mình đọc, viết, nghe, nói ngày càng có hiệu quả hơn. Chương trình ngữ văn 2018 chủ trương dạy cho học sinh biết cách đọc theo thể loại và kiểu văn bản là vì thế.
Đó là chưa nói dạy đọc văn, học ngữ văn còn là vấn đề trang bị vốn văn hóa dân tộc, bồi dưỡng tâm hồn và giáo dục nhân cách. Hiện nay, hàng năm có gần 17 triệu học sinh phổ thông. Nếu vào thời 4.0, học sinh không cần học ngữ văn nữa, thì các nhà văn lo trước. Vì họ sáng tác ra cho ai đọc? Đọc bằng cách nào? Chẳng lẽ khi đó nhà văn viết cho người máy đọc?
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống
Bình luận (0)