Nhiệm vụ cấp bách mới của Đông Nam Á là đối phó với nắng nóng tàn khốc, theo tiến sĩ Vinod Thomas của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak.
Nhiệt độ lên tới 42 độ C ở Bangkok (Thái Lan) vào cuối tháng 4.
Viết trên Channel News Asia, tiến sĩ Vinod Thomas cho biết, khử carbon là câu trả lời lâu dài duy nhất cho bài toán kiềm chế sự nóng lên toàn cầu, nhưng trong khi chờ đợi, các nước ASEAN phải đầu tư vào việc xây dựng khả năng phục hồi và chống chịu khí hậu.
Đông Nam Á đã phải hứng chịu cái nóng kỷ lục trong những tuần gần đây. Nhiệt độ lên tới 42 độ C ở Bangkok (Thái Lan) vào cuối tháng 4 và 37 độ C ở Singapore vào ngày 13.5.
Trung tâm Khí tượng đặc biệt khu vực ASEAN (ASMC) ngày 29.5 cảnh báo nguy cơ khói mù cao hơn trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 10 do mùa khô kéo dài và gay gắt hơn.
Nghiên cứu của tổ chức World Weather Attribution Group cho thấy đợt nắng nóng tháng 4 ảnh hưởng đến các khu vực ở Nam và Đông Nam Á năm nay có khả năng xảy ra cao gấp 30 lần do biến đổi khí hậu.
Khử carbon cho nền kinh tế toàn cầu là câu trả lời lâu dài duy nhất để kiềm chế sự nóng lên toàn cầu, nhưng đồng thời, các quốc gia phải đầu tư vào việc xây dựng khả năng chống chịu khí hậu và khả năng phục hồi. Chỉ cần một phản ứng đa chiều về an ninh năng lượng, an ninh lương thực và sức khỏe cộng đồng là đủ.
Làm mát giữa nhu cầu năng lượng tăng
Nhu cầu làm mát ở Đông Nam Á có thể làm vấn đề biến đổi khí hậu trầm trọng hơn theo thời gian. Nắng nóng khắc nghiệt dẫn đến nhu cầu sử dụng điều hòa nhiệt độ và làm mát nhiều hơn, từ đó dẫn đến việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch nhiều hơn.
Kế hoạch thực hiện các giải pháp làm mát xanh cần được đẩy mạnh trên khắp Đông Nam Á. Ở những nơi đô thị mở rộng, thảm thực vật đã bị thay thế, nhiệt bị giữ lại bởi bêtông và nhựa đường trong các tòa nhà và đường phố vào ban ngày, sau đó tỏa ra vào ban đêm, dẫn đến hiệu ứng đảo nhiệt đô thị.
Là một phần của “Kế hoạch Xanh Singapore 2030”, quốc gia này đang triển khai các giải pháp làm mát bền vững, chẳng hạn như ở Tampines. Trong hệ thống tiết kiệm năng lượng ở Tampines, nước lạnh được tạo ra trong một nhà máy làm mát trung tâm, sau đó được dẫn đến các tòa nhà khác nhau thông qua một mạng lưới ngầm để điều hòa không khí.
Bên cạnh công nghệ như vậy, cây xanh trên đường phố, rừng đô thị và mái nhà xanh có thể giúp làm mát các khu vực đô thị.
Bảo vệ thực phẩm và nước khỏi nắng nóng
Mối đe dọa trực tiếp nhất từ sóng nhiệt nằm ở tác động của chúng đối với an ninh lương thực và nước. Nước cần được lưu trữ, phân phối và bảo tồn, chẳng hạn như thu gom nước mưa, xử lý nước đã qua sử dụng và khử mặn nước biển.
Các đợt nắng nóng gây thiệt hại cho mùa màng và nguồn cung cấp nước. Theo tiến sĩ Thomas, các biện pháp nông nghiệp mới không sử dụng nhiều nước – như tưới nhỏ giọt – phải được khuyến khích, trong khi nông dân cần được hỗ trợ chuyển đổi sang các giống cây trồng chịu được khí hậu khắc nghiệt.
Luật chống đốt nương làm rẫy phải được thực thi hiệu quả, để giảm không chỉ ô nhiễm không khí mà còn cả lượng khí thải carbon.
An ninh lương thực cũng có thể được hỗ trợ bằng cách hạn chế lãng phí. 1/3 tổng số thực phẩm được sản xuất trên toàn thế giới – tương đương 1,3 tỉ tấn – bị thất thoát hoặc lãng phí hàng năm, đóng góp tới 1/10 lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.
Làm việc dưới nhiệt độ cao
Với những đợt nắng nóng thường xuyên hơn, nhiều công nhân làm việc ngoài trời ở Nam và Đông Nam Á sẽ phải làm việc cực nhọc dưới nhiệt độ hàng ngày trên 40 độ C. Sự hỗ trợ của chính phủ để bảo vệ sức khỏe của người lao động là rất quan trọng, theo tiến sĩ Thomas.
Tiến sĩ Thomas đề xuất, nông dân cần được trợ cấp để trồng cấy và mua thiết bị phù hợp hơn với thời tiết khắc nghiệt. Người lao động ở các thành phố và nông thôn cũng có thể được hưởng lợi từ các hệ thống cảnh báo sớm, các chương trình tiếp cận cộng.
Các chương trình bảo hiểm có thể giúp chuyển một số rủi ro do nắng nóng nghiêm trọng mà công nhân công nghiệp, xây dựng và nông nghiệp phải đối mặt sang các công ty bảo hiểm.
PV (theo laodong)
Bình luận (0)