Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

“Thầy bán sách” trong giờ dạy văn

Tạp Chí Giáo Dục

Hồi còn đi dạy học, tôi say mê dạy ngữ văn và mong ước học sinh của mình cũng “lây lan” ngọn lửa yêu bộ môn văn như thế. Với các tạp chí, tập san về văn học nghệ thuật, tôi hay gửi bài cộng tác và yêu cầu nếu được đăng thì ban biên tập gửi sách, tạp chí thay vì gửi nhuận bút. Đó là nguồn sách, tạp chí làm phần thưởng để khích lệ các em học sinh học tập. Lần ấy, tập san “Áo trắng” có đăng bài của tôi và các anh chị trong tòa soạn gửi về 10 cuốn tập san còn thơm mùi giấy mới. Tôi nghĩ mình phải “thử thách tấm lòng say mê đọc sách” của các em học sinh lớp chuyên văn mới được. Theo đó, đến giờ dạy, tôi vào lớp với chồng tập san “Áo trắng” trên tay còn “nguyên đai nguyên kiện”. Các em háo hức, chỉ trỏ và râm ran bàn tán, không biết bữa nay có việc gì mà thầy mang một chồng tạp chí như vậy. Đợi cho các em “thảo luận nhóm” xong, tôi tranh thủ vào bài dạy cho kịp giờ, không đả động gì đến mấy cuốn tập san. Cuối giờ, còn vài phút, tôi cầm 1 cuốn tập san lên và nói với cả lớp: Tòa soạn nhờ thầy phát hành (tôi tránh nói chữ “bán”) cuốn tập san này tới học sinh trong trường. Vậy ở lớp mình, em nào mua thì đăng ký nhé!

– Bao nhiêu một cuốn vậy thầy?

– 10 ngàn đồng thôi.

Cả lớp một thoáng im lặng. Có vài tiếng xì xào: “Thầy lại đi bán tập san nữa rồi!”. Một số học sinh ngồi dãy bàn cuối nhỏ to điều gì không rõ. Tôi hỏi lại: “Có em nào đăng ký mua thì đưa tay lên!”. Lác đác vài cánh tay đưa lên và tôi lấy viết ghi tên. “Trang ơi, bạn mua đọc xong, cho mình mượn đọc ké với nhé!”, có tiếng của một học sinh nói với bạn vừa đăng ký mua. Đến em thứ 10, tôi dừng lại vì vừa đủ 10 cuốn tập san. Tôi mở ra và viết lời đề tặng cho những em vừa đăng ký và cầm từng cuốn tập san trao cho các em trong sự ngỡ ngàng của cả lớp. “Thầy có thể nghèo về vật chất nhưng tâm hồn không nghèo bao giờ! Cuốn tập san này có đăng bài của thầy và thầy tặng cho 10 em đã đăng ký. Thầy “thử thách” các em cho vui vậy thôi”. Cả lớp vỗ tay hoan hô rần rần. Từ buổi đó, tiết học nào cũng đầy niềm háo hức, bởi bên cạnh niềm vui học bài mới, các em còn hăng say phát biểu ý kiến cá nhân.

Sau này, mỗi khi gặp mặt, các em học sinh đều không quên kể lại câu chuyện “thầy bán sách năm nào” trong tiếng cười vui rộn rã.

Lê Đc Đng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)