Những ngày đầu năm mới TP.HCM đã tuyên dương 14 gương “Công dân trẻ tiêu biểu” năm 2023. Đây là những gương mặt dám nghĩ, dám làm và không ngừng sáng tạo trên nhiều lĩnh vực. Trong đó có những gương mặt đại diện cho lĩnh vực nghiên cứu, giáo dục, góp phần xây dựng thành phố văn minh, hiện đại.
Lãnh đạo TP.HCM chúc mừng 14 gương “Công dân trẻ tiêu biểu” năm 2023
Nghiên cứu phục vụ cộng đồng
Với mong muốn ứng dụng khoa học để nâng cao sức khỏe cộng đồng, TS. Hà Thị Thanh Hương (Trưởng bộ môn Y học tái tạo, Trường ĐH Quốc tế – ĐH Quốc gia TP.HCM) đã có nhiều nghiên cứu liên quan đến sức khỏe não bộ, căng thẳng, hệ giao diện não máy tính để hỗ trợ bệnh nhân đột quỵ, chẩn đoán bệnh và can thiệp sớm bệnh cho người dân. Cụ thể, trong năm 2023, TS. Thanh Hương đề xuất dự án “Phần mềm Brain Analytics phân tích hình ảnh MRI sọ não người bệnh và chẩn đoán bệnh Alzheimer” một cách chính xác, tự động, nhanh trong vòng 7 giờ được huấn luyện và kiểm tra trên cơ sở dữ liệu ADNI (Mỹ) với độ chính xác khoảng 96%. Dự án giúp lan tỏa được tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ trong giải quyết các bài toán y khoa. Phần mềm đã được các bác sĩ và sinh viên y khoa thuộc 8 bệnh viện khác nhau trên toàn quốc trải nghiệm và đánh giá, 80% trong số họ hài lòng với những tính năng mà phần mềm mang lại. Dự án BrainAnalytics đã kết nối được với gần 300 y bác sĩ tại 42 bệnh viện khắp cả nước và đạt nhiều giải thưởng cấp Trung ương, cấp thành phố và quốc tế. Tính đến nay, TS. Thanh Hương đã có 24 bài báo được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín; tác giả 3 sách chuyên khảo; 2 sáng kiến được ứng dụng trong thực tiễn. Những sáng kiến trong quá trình công tác của TS. Thanh Hương đã đóng góp tích cực, hiệu quả vào nền y học của TP.HCM và cả nước.
Tại buổi tuyên dương, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vui mừng trước sự lớn mạnh của đội ngũ công dân trẻ TP.HCM. “Chúng tôi mong muốn các cấp bộ Đoàn – Hội – Đội và các bạn trẻ TP tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu với TP.HCM, với đất nước Việt Nam, từ đó định hướng cho quá trình học tập, lao động… để cống hiến vào quá trình xây dựng và phát triển TP; thực hiện nhiệm vụ chủ đề năm 2024 là quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết 98”, ông Mãi nhấn mạnh. |
Trong khi đó, PGS.TS Lê Thanh Long (giảng viên Khoa Cơ khí Trường ĐH Bách khoa – ĐH Quốc gia TP.HCM) là một trong những nhà khoa học trẻ dám dấn thân và nghiên cứu ra những sản phẩm thiết thực phục vụ cộng đồng. Tính đến nay, PGS.TS Long đã có 35 bài báo khoa học được công bố trên tạp chí khoa học, tham gia hội thảo khoa học quốc tế uy tín; 16 bài báo khoa học đã được công bố trên tạp chí khoa học trong nước. Trong năm 2023, PGS.TS Long có 5 sáng kiến cấp cơ sở được công nhận; nghiệm thu thành công đề tài nghiên cứu khoa học cấp Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM với sản phẩm là Phòng áp lực âm. Sản phẩm có ý nghĩa thiết thực trong việc chung tay phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe và nâng cao nhận thức của cộng đồng. Ngoài việc đam mê nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm thiết thực, PGS.TS Long còn quan tâm đến việc đào tạo và hướng dẫn đội ngũ kế thừa có niềm đam mê với nghiên cứu khoa học. Hàng năm, PGS.TS Long hướng dẫn trung bình 6-8 sinh viên làm luận văn tốt nghiệp và hướng dẫn thành công 4 học viên cao học đã nhận bằng thạc sĩ.
Truyền cảm hứng sáng tạo trong học tập
Trong số những gương mặt được tuyên dương, em Đặng Lê Minh Khang (sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM) là sinh viên duy nhất đạt nhiều thành tích trong học tập, nghiên cứu. Bên cạnh kết quả học tập đáng nể, năm 2023 Minh Khang còn tích cực tham gia thử sức mình và đạt thứ hạng cao tại các cuộc thi y khoa thế giới và trong nước. Ngoài ra, Minh Khang còn là chủ biên báo cáo đề tài nghiên cứu về “Tác động của phương pháp học tập tự định hướng của sinh viên y khoa năm thứ hai trên môi trường mô phỏng lâm sàng tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM” trong Hội nghị Giáo dục y học toàn quốc lần thứ 7; Báo cáo đề tài nghiên cứu về “Xây dựng khóa học điện tâm đồ dựa trên chuẩn năng lực trong hoạt động bổ trợ kiến thức cận lâm sàng hè 2023 Trường ĐH Y Dược TP.HCM”. Các báo cáo đề tài nghiên cứu của Minh Khang góp phần khẳng định vai trò của hoạt động học tập tự định hướng ở sinh viên y khoa trong bối cảnh các trường ĐH y khoa tại Việt Nam đang tiến hành quá trình xây dựng các chương trình đào tạo dựa trên chuẩn năng lực theo xu hướng quốc tế.
Dù còn đang ở môi trường THPT nhưng em Lê Minh Đức (lớp 12CT1, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) được bạn bè và thầy cô biết đến với thành tích đáng nể trong học tập và những sáng kiến trong nghiên cứu khoa học, chế tạo robot. Minh Đức xuất sắc đạt danh hiệu học sinh giỏi với điểm số trung bình lớp 10 là 9.3/10, lớp 11 là 9.8/10. Song song đó Minh Đức còn vinh dự đạt học sinh 3 tốt cấp TP năm 2023, hiện đang được xét chọn học sinh 3 tốt cấp Trung ương. Đặc biệt, trong năm 2023, Minh Đức đã sở hữu cho mình 5 giải thưởng từ TP đến quốc tế cho công trình nghiên cứu về “Mô hình robot bốn chân hỗ trợ tìm kiếm, cứu hộ người trong vùng bị sạt lở”. Nghiên cứu này xuất phát từ câu chuyện về những người chiến sĩ anh dũng hy sinh trong vụ sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3 vào năm 2020, chính đó trở thành nguồn động lực lớn lao đã thôi thúc Minh Đức lựa chọn hướng nghiên cứu robot hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn và hoàn thiện sản phẩm. Sản phẩm nghiên cứu của Minh Đức đã nhận được sự công nhận của các nhà khoa học trên thế giới và được đề cao về tính nhân văn tại hội thi Khoa học kỹ thuật thế giới REGENERON ISEF 2023 – cuộc thi về STEM lớn nhất toàn cầu. Hiện tại, Minh Đức đang quản lý nhóm với hơn 20 học sinh đam mê robot và máy thông minh, các loại robot động học, drone, xe tự động hay kỹ thuật in 3D… “Qua những hoạt động trên em ấp ủ có thể ươm mầm tình yêu khoa học trong các bạn trẻ để chắp cánh những dự án nghiên cứu và góp phần tạo nên những sản phẩm đi vào thực tiễn”, Minh Đức chia sẻ.
Hồ Trinh
Bình luận (0)