Nghi vấn lộ, lọt dữ liệu học sinh trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 TP.HCM được đặt ra, ngay sau khi có điểm thi vào lớp 10, hàng loạt học sinh nhận được tin nhắn thông báo trúng tuyển vào các trường THPT tư thục, trường cao đẳng, trung cấp nghề.
Nghi vấn lộ, lọt thông tin dữ liệu học sinh trong kỳ thi tuyển sinh 10 vừa qua
Một học sinh nhận được 3, 4 tin nhắn “gọi” trúng tuyển
Ngay sau khi có kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2023, N.C (học sinh Trường THCS Qui Đức, huyện Bình Chánh) cùng lúc nhận được tin nhắn thông báo trúng tuyển của 3 đơn vị: Trung tâm Giáo dục phổ thông, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM (hiện đã đổi tên thành Trường ĐH Công thương TP.HCM – PV); Trường THPT Việt Nhật, THPT Hoa Lư.
“Em không hề đăng ký xét tuyển, đặt nguyện vọng vào các đơn vị này cũng chưa từng cung cấp thông tin cho các trường này nhưng không hiểu vì sao ngay sau khi vừa có điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 thì liên tiếp gia đình em nhận được các tin nhắn thông báo em trúng tuyển vào các trường ngoài công lập. Điều này khiến em rất hoang mang, lo sợ mình đã rớt cả 3 nguyện vọng vào lớp 10 công lập” – N.C chia sẻ.
Trường hợp như N.C không phải hiếm trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua. Q.H (học sinh một trường THCS tại TP.Thủ Đức) thậm chí nhận được cùng lúc 5 tin nhắn thông báo trúng tuyển của nhiều trường THPT tư thục và các đơn vị trường trung cấp, cao đẳng nghề ngoài công lập khác nhau.
Điểm chung của những học sinh nhận được tin nhắn này là đều có điểm thi tuyển sinh dưới 15 điểm, tức là khó có khả năng trúng tuyển vào lớp 10 công lập.
“Tôi không biết tại sao các đơn vị đó lại có thông tin dữ liệu của con để gửi các tin nhắn “rác” như vậy. Khi nhận những tin nhắn không ai muốn nhận này ngoài vấn đề phiền phức thì còn ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của con khi gia đình đang trong thời gian chờ đợi điểm chuẩn” – phụ huynh một học sinh nhận được những tin nhắn trên bày tỏ.
Lập lờ, mạo danh
Không chỉ dừng ở việc gửi các tin nhắn thông báo trúng tuyển đơn thuần, có đơn vị còn lập lờ, sử dụng những từ ngữ “đánh tráo khái niệm” để gửi tin nhắn, tạo sự hiểu nhầm cho phụ huynh học sinh. Đơn cử như Trung tâm Giáo dục phổ thông, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM gửi các tin nhắn thông báo đến phụ huynh học sinh với nội dung “trúng tuyển lớp 10 công lập”, học tập như một trường THPT công lập. Trong khi trên thực tế đơn vị này là một đơn vị với chức năng đào tạo tương đương hệ GDTX.
Thậm chí, cũng trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 TP.HCM vừa qua, nhiều học sinh còn nhận được tin nhắn thông báo trúng tuyển nguyện vọng 2 vào Trường THPT Tân Bình (quận Tân Phú) – trong khi điểm chuẩn trúng tuyển vào lớp 10 chưa được Sở GD-ĐT TP.HCM công bố.
Trước các sự việc liên tiếp trên, với nghi vấn lọt, lộ thông tin, dữ liệu của học sinh trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, Sở GD-ĐT TP.HCM đã chuyển thông tin qua cơ quan công an để hỗ trợ thực hiện điều tra, làm rõ.
Có những học sinh cùng lúc nhận được 3 tin nhắn thông báo trúng tuyển của các đơn vị tư thục, ngay sau khi có điểm thi lớp 10
Riêng đơn vị Trung tâm Giáo dục phổ thông của Trường ĐH Công thương TP.HCM, trong báo cáo giải trình với Sở GD-ĐT TP.HCM, đơn vị này đã nêu lý do vì sao có thông tin dữ liệu học sinh như sau:
“Dữ liệu thực hiện gửi tin nhắn tuyển sinh lớp 10 được bộ phận tuyển sinh ghi nhận từ quý phụ huynh, quý học sinh trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp học sinh THCS phối hợp cùng Trung tâm GDNN-GDTX quận Tân Phú, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Bình Chánh, trong các buổi phối hợp thực hiện chương trình kỹ năng cùng các trường THCS, từ chương trình tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS của Tạp chí Giáo dục TP.HCM”.
Tuy nhiên, trên thực tế trong mùa tư vấn phân luồng học sinh sau THCS năm 2023 do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM thực hiện, Trung tâm Giáo dục phổ thông – Trường ĐH Công thương TP.HCM tham gia rất ít, số chương trình mà đơn vị này góp mặt chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tức là đơn vị này chỉ tham gia tư vấn phân luồng, hướng nghiệp sau THCS tại một vài trường, và cũng chỉ ở quận Gò Vấp.
Như vậy, thông tin mà đơn vị này nêu ra trong báo cáo giải trình với Sở GD-ĐT TP.HCM về việc lấy dữ liệu học sinh từ việc tham gia chương trình tư vấn phân luồng là hoàn toàn không có căn cứ, và được xem như một kiểu lấp liếm. Ngay sau đó, Tạp chí Giáo dục TP.HCM đã yêu cầu đơn vị này đính chính.
Nói như vậy để thấy rằng việc Sở GD-ĐT TP.HCM chuyển sự việc qua cơ quan công an để xác minh, điều tra làm rõ việc dữ liệu học sinh “đến tay” các đơn vị trường tư thục bằng cách nào là điều hết sức cần thiết, tránh tình trạng lấp liếm, trục lợi, lừa đảo từ chính dữ liệu học sinh.
Đặc biệt, điều này càng quan trọng, cấp bách hơn khi hiện tại ngành giáo dục TP.HCM đang triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số giáo dục. Các nhà trường, học sinh sử dụng nhiều các nền tảng, ứng dụng trong dạy và học, càng đòi hỏi cao hơn về tính bảo mật thông tin học sinh…
“Dữ liệu học sinh là thông tin luôn được ngành giáo dục bảo mật rất nghiêm ngặt. Các phòng giáo dục, các nhà trường đều được Sở GD-ĐT quán triệt yêu cầu không cung cấp thông tin, dữ liệu học sinh cho các đơn vị đối tác, không công bố thông tin học sinh, tránh các trường hợp đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo. Do vậy, trước sự việc liên tiếp các trường hợp học sinh TP nhận được tin nhắn thông báo trúng tuyển ngay sau khi có điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 của các trường tư thục, cao đẳng, trung cấp nghề… Sở GD-ĐT đã chuyển cơ quan công an để phối hợp điều tra xem dữ liệu học sinh đã lọt, lộ ra ngoài bằng cách nào…” – ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin với báo chí.
Đỗ Yến Hoa
Bình luận (0)