Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giám sát, phản biện xã hội ngày càng được nâng lên

Tạp Chí Giáo Dục

Vấn đề này được bà Trần Kim Yến – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM nêu ra tại chương trình bồi dưỡng công tác dân vận của chính quyền và quy chế dân chủ cơ sở năm 2023, do Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM tổ chức sáng 7-7.


Báo cáo chuyên đề, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Trần Kim Yến nhấn mạnh hoạt động giám sát, phản biện xã hội ngày càng được nâng lên

Tại chương trình, bà Trần Kim Yến – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đã báo cáo chuyên đề “Phát huy vai trò giám sát của nhân dân tham gia thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”.

Đánh giá chung về hoạt động giám sát, bà Trần Kim Yến cho biết nhận thức của cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị, xã hội các cấp và nhân dân TP về giám sát, phản biện xã hội được nâng lên. Công tác giám sát, phản biện xã hội được thực hiện trên cơ sở các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, dự án có tác động, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Bên cạnh đó, hoạt động giám sát độc lập như tổ chức đoàn, tổ chức giám sát được tăng cường.

Tuy nhiên, theo bà Trần Kim Yến, hoạt động thực hiện giám sát với cấp ủy đảng còn ít. Còn nể nang, né tránh, ngại va chạm, chưa mạnh dạn góp ý những hạn chế, yếu kém của cấp ủy, chính quyền các cấp. Nhiều đề xuất, kiến nghị sau giám sát chưa được các cấp chính quyền quan tâm, xem xét, giải quyết, phản hồi một cách thỏa đáng. Nội dung giám sát còn chung chung, thiếu cụ thể, thiếu tính chuyên sâu. Hoạt động giám sát vẫn chủ yếu đối với chính quyền.

Nêu các bài học kinh nghiệm trong hoạt động giám sát, bà Trần Kim Yến, cho biết để chuẩn bị giám sát phải thu thập thông tin, khi cần thiết có thể tổ chức đi khảo sát, tìm hiểu thực tiễn để nắm tình hình một cách cụ thể, chính xác.

Nội dung giám sát cần xác định trọng tâm, trọng điểm, không thực hiện dàn trải, rõ đối tượng, nội dung, phạm vi giám sát cụ thể, xuất phát từ lợi ích hợp pháp và chính đáng của người dân.

Cần tăng cường hoạt động giám sát MTTQ các cấp của TP, nên tổ chức các đoàn đi giám sát. Ngay sau khi kết thúc giám sát phải có văn bản kiến nghị ngay với cơ quan có thẩm quyền, trong đó cần kiến với UBND cùng cấp.

Sau kiến nghị và nhận được văn bản trả lời của cơ quan có thẩm quyền thì hệ thống mặt trận cần tiếp tục theo dõi việc giải quyết những tồn tại, hạn chế.

Theo bà Trần Kim Yến, từ năm 1990, ủy ban MTTQ cấp xã bắt đầu tổ chức và chỉ đạo hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn với 4 phạm vi giám sát: giám sát thực hiện chính sách pháp luật của cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức nhà nước trên địa bàn xã, phường, thị trấn; giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; giám sát thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn; giám sát thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng ở xã, phường, thị trấn.

Giai đoạn này, hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam chủ yếu tập trung chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động giám sát của nhân dân thông qua ban thanh tra nhân dân; giám sát thông qua hoạt động góp ý kiến từ các dự thảo luật, pháp lệnh; thông qua tổng hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân để kiến nghị với Đảng, Nhà nước.


Quang cảnh chương trình bồi dưỡng công tác dân vận của chính quyền và quy chế dân chủ cơ sở năm 2023

Qua các giai đoạn, Hiến pháp 2013 bổ sung vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Luật MTTQ Việt Nam 2015 đã quy định rõ quyền và trách nhiệm giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.

Đây cũng là lần đầu tiên Luật MTTQ Việt Nam quy định các cơ chế về phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam tương tự như cơ chế giám sát của MTTQ Việt Nam. Đó là quy định tính chất, mục đích, phạm vi và các hình thức phản biện xã hội; quy định quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong hoạt động phản biện; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo dự thảo văn bản được phản biện.

So sánh với Luật MTTQ Việt Nam năm 1999 thì Luật MTTQ Việt Nam năm 20215 quy định tương đối đầy đủ, rõ ràng về cơ chế giám sát của MTTQ Việt Nam, nhất là quy định cụ thể, chi tiết các hình thức giám sát.

Trong giai đoạn này, tần suất hoạt động giám sát của mặt trận, nhân dân tăng lên rất nhiều. Hoạt động giám sát được thực hiện theo chương trình, kế hoạch hàng năm.

Hoạt động phản biện xã hội bắt đầu chuyển động mạnh từ Trung ương đến cơ sở xã, phường, thị trấn với hình thức hội nghị phản biện. Và hiện nay, hoạt động giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam đã có cơ chế, chính sách, pháp luật quy định tương đối đầy đủ.

Cũng tại hội nghị, bà Trần Kim Yến đã triển khai Thông tri số 24-TT/TU ngày 19-5-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy TP về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội.

Bà Tô Thị Bích Châu – Bí thư Quận ủy quận 1 cũng báo cáo thực tiễn về phát huy vai trò giám sát của nhân dân tham gia thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

N.Trinh

 

Bình luận (0)