Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đừng làm phụ huynh thêm khổ!

Tạp Chí Giáo Dục

Vừa qua, phụ huynh một trường tiểu học trên địa bàn tỉnh N. phản ánh, cuối năm học, ban đại diện cha mẹ học sinh lớp và giáo viên chủ nhiệm vận động tổ chức “lễ tri ân” giáo viên. Cụ thể là ban đề nghị phụ huynh đóng góp để chi cho các khoản: Quà tặng nhà trường, quà cho ban giám hiệu, giáo viên bộ môn… Đó là hoạt động chung của nhà trường, các lớp còn tổ chức riêng nữa, lại phải nộp thêm. Một số phụ huynh không muốn tham gia, nhưng nghĩ tội con nên cũng đành chấp nhận. Thực chất việc làm này là sinh ra thêm một hoạt động có tính chất lễ lạt, lại phải thu tiền từ phụ huynh, vốn đã phải nộp rất nhiều khoản tiền từ khi con đặt chân vào trường cho đến khi ra trường.

Theo tôi, tri ân thì cũng tốt và nên làm nhưng để tự nhiên, chứ nhà trường không nên đứng ra kêu gọi, tổ chức. Mà thật ra, đây là hoạt động hình thức, làm khổ học sinh. Ngành giáo dục tuyệt đối không nên đặt ra vấn đề phụ huynh học sinh phải tri ân. Giáo dục, thực chất là tổ chức một dịch vụ công, Nhà nước chi ngân sách, phụ huynh nộp học phí, mọi thứ sòng phẳng rồi. Đối với giáo viên, đó là trách nhiệm, nghĩa vụ và tình cảm. Kể cả dạy miễn phí, người thầy càng không bao giờ yêu cầu học sinh tổ chức lễ tri ân mình. Nếu học sinh có đặt vấn đề, thì giáo viên và cả nhà trường nên từ chối, hoặc nói đại ý: Các em hãy học giỏi, làm công dân tốt, cống hiến cho xã hội, đạt đỉnh cao trong các lĩnh vực, trở thành nhà khoa học, nhà giáo, doanh nhân, bác sĩ xuất sắc…, đó chính là sự tri ân thầy cô đích thực. Nghề giáo là “trồng người”, thì phải chờ học sinh trưởng thành, mới có hoa thơm, quả ngọt.

Giáo dục quan trọng nhất là tính nhân văn, thương yêu học sinh. Thương học sinh thì không làm phiền hà, tốn kém cho gia đình các em. Thầy cô lại còn phải làm gương giản dị, tiết kiệm, thực tế. Cứ bày vẽ tổ chức nghi lễ rình rang, hình thức, làm phụ huynh tốn kém, vậy là làm theo hay làm trái lời Bác Hồ dạy?

Tóm lại, theo tôi, nên bãi bỏ cái gọi là “lễ tri ân” trong nhà trường. Tri ân là “biết ơn”, nên không phải là nghi lễ – ăn uống và nói vài lời cảm ơn sáo rỗng, mà ở tấm lòng, tình cảm, sự chân thành, ở hành động vì một cái gì đó tốt đẹp hơn.

Trn Quang Đi

Bình luận (0)