Tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ sống mãi, động viên, thôi thúc thế hệ trẻ vững bước kế tục sự nghiệp của cha ông biến khát vọng đất nước hùng cường, thịnh vượng thành hiện thực. Sinh viên thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm rạng danh đất nước từ khát vọng hùng cường đang được lan tỏa mạnh mẽ.
Thiếu tướng Trần Ngọc Thanh (Vụ trưởng Vụ Giáo dục quốc phòng và an ninh, Bộ GD-ĐT) phát biểu tại hội thảo
Đây là điều mà Thiếu tướng Trần Ngọc Thanh (Vụ trưởng Vụ Giáo dục quốc phòng và an ninh, Bộ GD-ĐT) đã kỳ vọng gửi gắm sinh viên thông qua hội thảo khoa học quốc gia “70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, giá trị lịch sử và bài học cho công tác dục quốc phòng và an ninh hiện nay” do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM phối hợp Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức.
Ngành giáo dục tiên phong truyền tinh thần yêu nước trong sinh viên
Trong tham luận tại hội thảo, Thiếu tướng Trần Ngọc Thanh nhận định chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 là thắng lợi của bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Chiến thắng này khẳng định đường lối chính trị, quân sự đúng đắn của Đảng; tư duy quân sự độc đáo, sự mưu lược, quyết đoán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Qua 70 năm, những giá trị và ý nghĩa thời đại của chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên vẹn, tỏa sáng. Thắng lợi đó có giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc; để lại nhiều bài học quý giá đối với sự nghiệp đổi mới, hội nhập, phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Theo ông Thanh, việc truyền lửa, ý chí, tinh thần yêu nước của các chiến sĩ Điện Biên cho sinh viên ngày nay là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị trong đó ngành giáo dục là tiên phong. Đội ngũ giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh giữ vai trò rất lớn trong việc xây dựng cho sinh viên lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, năng động sáng tạo, nỗ lực vươn lên trên mọi lĩnh vực đời sống, đóng góp hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa, ông Thanh cho rằng toàn xã hội, đặc biệt là ngành giáo dục cần lan tỏa khát vọng hùng cường đến toàn thể đội ngũ của ngành, nhất là với học sinh, sinh viên. Những chủ nhân tương lai của đất nước cần hình thành dần niềm khát khao được tham gia xây dựng đất nước hùng cường và thể hiện trách nhiệm, có sự phấn đấu ngay từ bây giờ. Sự phấn đấu của từng sinh viên để giành được nhiều thành tựu vừa cho bản thân vừa mang ý nghĩa cho xã hội. Những điều này không tự nhiên có mà cần được gợi mở, lan tỏa, khích lệ, truyền cảm hứng.
“Trong từng bài giảng, người thầy cần gợi lên niềm tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí khát khao được tham gia xây dựng và phát triển đất nước ở thời đại mới. Từng trường phải tạo nên một môi trường đổi mới, hội nhập, năng động sáng tạo và phát triển để khơi dậy hoài bão, khát vọng cho sinh viên. Trong đó, những hạn chế, tiêu cực, tệ nạn xã hội… sẽ phải nhường chỗ cho sự năng động, đổi mới, sáng tạo và cơ hội khẳng định, phát triển. Như vậy, sinh viên sẽ trưởng thành, sẽ thực sự trở thành chủ nhân đất nước với những trách nhiệm và hành động cụ thể”, Thiếu tướng Trần Ngọc Thanh (Vụ trưởng Vụ Giáo dục quốc phòng và an ninh, Bộ GD-ĐT). |
“Tăng cường lan tỏa tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ giúp sinh viên biết phát huy trí thông minh, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám đổi mới, dám khởi nghiệp; góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” – ông Thanh nhấn mạnh.
Tăng cường giáo dục quốc phòng và an ninh
Để phát huy giá trị lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, đại biểu Nguyễn Minh Lương (Cục Dân quân Tự vệ, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng) cho rằng, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cần tăng cường, nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên, các tầng lớp nhân dân; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, xây dựng ý chí quyết tâm, niềm tin chiến thắng.
Đồng quan điểm, ông Bùi Duy Khiên (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nhận định chiến thắng Điện Biên Phủ đem lại bài học sâu sắc về lòng yêu nước, chính vì vậy, mỗi trường học, giáo viên cần xem giáo dục và bồi dưỡng lòng yêu nước cho học sinh, sinh viên là nhiệm vụ trọng tâm. Đặc biệt, với môn học giáo dục quốc phòng và an ninh, nội dung này càng phải được chú trọng. Thông qua giảng dạy, hình ảnh những người Việt Nam anh hùng với chiến tích phi thường, là biểu tượng sáng ngời về lòng yêu nước, được đến gần với sinh viên hơn. Những bài học quý báu này sẽ giúp sinh viên cảm nhận chân thực về lòng yêu nước của dân tộc, từ đó khơi dậy lòng tự hào, góp phần bồi dưỡng tinh thần yêu nước trong các em.
Trung tá Nguyễn Ngọc Giáp (Khoa Quân sự, Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh ĐH Quốc gia TP.HCM) trong khi nêu một số giải pháp thực hiện hiệu quả sứ mệnh môn giáo dục quốc phòng và an ninh đối với bồi dưỡng tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc cho học sinh, sinh viên thông qua chiến thắng Điện Biên Phủ có đề cập việc đổi mới phương pháp dạy học. Cùng với đó, chú trọng phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo; biến quá trình giáo dục thành tự giáo dục, biến quá trình tuyên truyền lịch sử truyền thống thành nhu cầu tự tìm hiểu để củng cố tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc.
Bên cạnh đó, cần phát huy tối đa sức mạnh của công nghệ thông tin, truyền thông, nhất là các nền tảng mạng xã hội trong giáo dục, định hướng và tuyên truyền. “Mỗi người dùng mạng xã hội là một sứ giả để đưa ý nghĩa chiến thắng Điện Biên Phủ và khí chất của những người lính Điện Biên năm xưa đến với đông đảo nhân dân, trong đó có học sinh, sinh viên” – ông Giáp kỳ vọng đề xuất.
Thục Trân
Bình luận (0)