Thành ủy TP.HCM vừa tổ chức Hội nghị đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã tới dự và phát biểu.
Bà Trương Thị Mai phát biểu tại hội nghị
Nỗ lực ở mức cao nhất
Đây là khẳng định của bà Mai đối với những kết quả mà TP.HCM đã đạt được trong nửa nhiệm kỳ.
Bà Mai cho rằng, TP.HCM chịu tác động nghiêm trọng, nặng nề liên quan đến an ninh phi truyền thống, môi trường, tội phạm, dịch bệnh, nước sạch, nhất là đại dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, toàn bộ hệ thống chính trị TP đã vào cuộc với sự nỗ lực giải quyết ở mức cao nhất, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương dần dần TP kiểm soát được dịch bệnh, mang lại cuộc sống bình thường cho người dân. Trong bối cảnh đó, TP đã đạt những kết quả nổi bật. Thành ủy đã nghiêm túc quán triệt, cụ thể hóa triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng gắn với Nghị quyết XI của Đại hội Đảng bộ TP, các nghị quyết, quy chế, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. TP đã có 51 đề án, chương trình để thực hiện chương trình phát triển từ năm 2020 đến 2025.
“Đây là sự nỗ lực rất lớn, TP cần tiếp tục cụ thể hóa để tổ chức có hiệu quả các chương trình đã đề ra”, bà Mai nói.
Đối với chương trình phục hồi phát triển kinh tế – xã hội, TP.HCM cũng có nhiều nỗ lực. Năm 2021, trước tác động của đại dịch Covid-19 TP cũng như nhiều tỉnh phía Nam rơi vào tăng trưởng âm. Tuy nhiên, năm 2022 sau khi kinh tế bắt đầu phục hồi, tăng trưởng đạt 9,03%. 6 tháng đầu năm 2023, mặc dù có nhiều lo ngại nhưng kết thúc 6 tháng đầu năm tăng trưởng đạt 3,55%.
Lĩnh vực dịch vụ được duy trì tỷ trọng cao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số của TP cũng đã đạt mức 19%, trong khi mục tiêu đặt ra đến năm 2025 đạt được mức 25%. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 6.700 USD.
Mặt khác, năng suất lao động TP đang tăng cao hơn mức cả nước, giai đoạn vừa qua tăng khoảng 4%, cao hơn cả nước khoảng 1,8 lần. Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng hơn 111 tỷ USD. So với nửa nhiệm kỳ trước, thu hút FDI tiếp tục là nhóm địa phương dẫn đầu. Ngân sách, giai đoạn 2021-2023 tăng khoảng 109%.
“Mặc dù có khó khăn, cũng như có những trồi sụt không vững chắc nhưng TP.HCM đã có những điểm sáng về các mục tiêu, chỉ số kinh tế – xã hội”, bà Mai nhấn mạnh.
Bà Mai thừa nhận, TP.HCM gần đây tiếp tục tập trung đầu tư để đưa vào sử dụng nhiều công trình trọng điểm, nhất là những công trình liên quan giao thông như cầu Ba Son, các cầu vượt, hầm chui, nút giao thông, đường nối và đẩy mạnh công tác chuẩn bị để có thể triển khai các dự án giao thông trọng điểm kết nối vùng như các đường vành đai, cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư như cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm.
Trên các lĩnh vực văn hóa xã hội, y tế, GD-ĐT, khoa học công nghệ, TP.HCM tiếp tục có bước phát triển, có nhiều tiến bộ. Tiếp tục đổi mới GD-ĐT, y tế, quan tâm chính sách an sinh, phúc lợi xã hội. Tăng cường đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhiều dự án công nghệ cao của TP đã được triển khai thành công. Ngoài ra, chuyển đổi số ứng dụng công nghệ thông tin cũng đang tiếp tục được đẩy mạnh. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo của TP chỉ còn 0,84% và tỷ lệ hộ cận nghèo chỉ còn 0,71%.
TP tiếp tục giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Mở rộng hội nhập đối ngoại, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế – xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh.
Tập trung đảm bảo an sinh cho người dân
“Kết quả đạt được của nửa nhiệm kỳ là nền tảng, sẽ tác động quan trọng đến mục tiêu phát triển tiếp theo của TP.HCM đến năm 2030, năm 2045. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, một số chỉ tiêu, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XI đặt ra vẫn còn khó khăn”, bà Mai nhấn mạnh.
Theo đó thời gian tới, TP.HCM tiếp tục tập trung tìm kiếm giải pháp giải quyết các điểm nghẽn, khó khăn. Những vấn đề thuộc thẩm quyền thì TP khẩn trương quyết tâm làm. Những nội dung liên quan tới Trung ương thì khẩn trương kiến nghị phối hợp để giải quyết, không để kéo dài, ảnh hưởng đến cơ hội, sự thuận lợi trong việc phát huy tiềm năng của TP. TP có vị trí rất quan trọng về chính trị đối với đất nước. TP sẽ đạt được kết quả cao nhất có thể ở nửa nhiệm kỳ còn lại.
Tận dụng thời cơ vượt qua thử thách Chủ trì hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, theo một số chuyên gia, trước mắt TP đối mặt với các “cơn gió ngược”: Suy giảm kinh tế toàn cầu, hậu quả của đại dịch, cạnh tranh chiến lược nước lớn, các xung đột vũ trang, khả năng chống chịu thích ứng của các nước đang phát triển trước biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. Trong sự nỗ lực, cố gắng thì chọn lựa của TP lúc này là tận dụng thời cơ vượt qua thử thách. Nêu cao ý chí quyết tâm, tinh thần tự lực, tự cường, phát huy nội lực, huy động ngoại lực, giữ vững mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 11 đề ra trên cơ sở có điều chỉnh linh hoạt theo thứ tự ưu tiên, phù hợp với tình hình. Một số nhiệm vụ, giải pháp phấn đấu thực hiện để đạt các chỉ tiêu phát triển về đô thị thông minh, TP dịch vụ công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu. Trước mắt là hành động quyết liệt để đưa các nghị quyết của Bộ Chính trị và nghị quyết của Quốc hội nhanh chóng đi vào cuộc sống. Sớm tạo ra một chuyển biến nhanh, có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược, thúc đẩy TP phát triển nhanh, bền vững; giữ vững vị trí, vai trò, động lực đầu tàu của khu vực phía Nam và cả nước. |
Nhiệm vụ, giải pháp sắp tới TP đã xác định rõ ràng. TP cần tiếp tục gắn kết chặt chẽ giữa thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nửa nhiệm kỳ còn lại với Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 24 về phát triển vùng Đông Nam bộ; Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Bởi sự phát triển của TP.HCM không chỉ cho nhân dân TP hiện nay, tương lai mà còn góp phần rất to lớn cho phát triển của đất nước và phát triển của khu vực Đông Nam bộ.
TP cần chú trọng những vấn đề liên quan thiết yếu đến cuộc sống của nhân dân như GD-ĐT, y tế, văn hóa, các chính sách an sinh xã hội. Làm sao tăng số người dân tiếp cận được bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội để đảm bảo một mạng lưới an sinh xã hội tốt hơn, đảm bảo cho người dân TP chịu đựng được những cú sốc có thể xảy ra về kinh tế, về dịch bệnh. Đồng thời, tiếp tục bảo đảm quốc phòng, an ninh.
“Chúng ta chủ động để xử lý, kiểm soát, kiềm chế và bảo đảm sự bình an cho người dân của TP trong quá trình phát triển, không để xảy ra điểm nóng, điểm phức tạp; đáp ứng nguyện vọng, tâm tư hợp pháp, chính đáng của người dân”, bà Mai nhấn mạnh.
Linh Anh
Bình luận (0)