Ngày 14-7, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã tổ chức khởi động dự án nghiên cứu “Thất thoát thực phẩm trong chuỗi giá trị cá da trơn (cá tra) ở lưu vực sông Mekong”. Dự án này đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt để thực hiện trong vòng 3 năm, từ ngày 1-4-2023 đến ngày 30-6-2026.
TS. Đinh Công Khải (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) phát biểu tại buổi khởi động
Được tài trợ bởi Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (Úc) và Trung tâm Nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada, dự án đặt mục tiêu tổng quát là xác định thất thoát, lãng phí thực phẩm trong chuỗi giá trị cá tra ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó, phát triển các giải pháp, khuyến nghị nhằm giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm ở ngành này.
Giảm thất thoát thực phẩm, tăng năng suất
Ở giai đoạn đầu, dự án sẽ xác định những thách thức, tiềm năng và cơ hội mới tác động đến nguồn lương thực trong tương lai. Giai đoạn hai, sẽ lên kế hoạch và thực hiện các dự án nghiên cứu nhằm giải quyết những thách thức của nông dân sản xuất nhỏ ở các quốc gia đang phát triển.
Dự án sẽ mang đến những giá trị thiết thực cho các đối tượng được thụ hưởng. Trong đó, ngành sản xuất cá tra, nông dân, các hiệp hội… ở Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ những quy trình hiệu quả, tốt nhất thu được thông qua việc tìm hiểu các thất thoát và lãng phí thực phẩm hiện tại trong chuỗi giá trị cá tra. Người nông dân cùng những bên tham gia trong lĩnh vực này sẽ có khả năng đưa ra giải pháp về thất thoát giá trị và lãng phí thực phẩm; cùng nhau thiết kế, thử nghiệm và đánh giá những phương án có tính tác động cao trong chuỗi giá trị cá tra ở Việt Nam. Các nhà nghiên cứu trẻ được đào tạo để nâng cao năng lực về chuỗi giá trị, dự báo…
TS. Đinh Công Khải (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) chia sẻ, dự án nghiên cứu “Thất thoát thực phẩm trong chuỗi giá trị cá da trơn (cá tra) ở lưu vực sông Mekong” chính là một trong những dự án nghiên cứu quan trọng mà trường đang thực hiện cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, cả nước nói chung. Dự án hướng đến tìm giải pháp tăng năng suất, sản lượng cho nông hộ nhỏ đồng thời giảm thiểu thất thoát thực phẩm ở các giai đoạn sau thu hoạch giúp tăng khả năng cạnh tranh của chuỗi giá trị thực phẩm, cụ thể là cá tra ở Việt Nam. Đây cũng là chủ đề vô cùng thiết thực ở các quốc gia thiếu điều kiện bảo quản thực phẩm, cơ sở hạ tầng giao thông và hạn chế trong tiếp cận các công nghệ sau thu hoạch.
Quang cảnh buổi khởi động
Dự án nghiên cứu “Thất thoát thực phẩm trong chuỗi giá trị cá da trơn (cá tra) ở lưu vực sông Mekong” hướng đến tìm giải pháp tăng năng suất, sản lượng cho nông hộ nhỏ đồng thời giảm thiểu thất thoát thực phẩm ở các giai đoạn sau thu hoạch giúp tăng khả năng cạnh tranh của chuỗi giá trị thực phẩm, cụ thể là cá tra ở Việt Nam. |
Theo ông Khải, tuy đã có nhiều nghiên cứu về thất thoát sau thu hoạch nhưng có rất ít nghiên cứu ở các quốc gia đang phát triển. Chính vì vậy, dự án nghiên cứu này được kỳ vọng sẽ mang đến những hiệu quả thiết thực cho sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam. Thời gian tới, dự án với những hoạt động nghiên cứu chuyên sâu sẽ góp phần giải quyết những thách thức của nông dân và mở ra tiềm năng mới cho nguồn lương thực trong tương lai.
Đội ngũ thực hiện đến từ nhiều nước
Tại buổi khởi động, nhiều nội dung quan trọng đã được các chuyên gia trong và ngoài nước bàn thảo, trao đổi như: Giới thiệu các chính sách nông nghiệp trọng điểm ở đồng bằng sông Cửu Long; tổng quan về vai trò, vị thế của ngành cá da trơn Việt Nam – thách thức thất thoát và lãng phí thực phẩm trong chuỗi giá trị cá da trơn ở đồng bằng sông Cửu Long; tầm quan trọng của chương trình nghiên cứu thất thoát thực phẩm; phương pháp tiếp cận chuỗi giá trị để đánh giá thất thoát thực phẩm trong ngành cá da trơn; sử dụng các phương pháp dự báo để khám phá xu hướng, cấu trúc, thể chế và động lực của chuỗi giá trị trong tương lai của ngành cá da trơn; thách thức thất thoát và lãng phí thực phẩm trong ngành cá da trơn ở Lào, Campuchia…
Được biết, sau buổi khởi động, đội ngũ nghiên cứu của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia và những cố vấn từ các trường ĐH ở Úc sẽ xúc tiến các hoạt động của dự án theo kế hoạch. Thứ nhất, thực hiện các khóa tập huấn đội ngũ nghiên cứu về chuỗi giá trị, dự báo và yếu tố giới. Thứ hai, thiết kế các công cụ điều tra khảo sát, phỏng vấn, tiến hành thực địa tại các vùng nuôi ở An Giang và Bến Tre. Thứ ba, thực hiện xây dựng hệ thống tổng quan tài liệu để trả lời cho 4 câu hỏi nghiên cứu chính của dự án.
Trong đó, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM sẽ chủ trì dự án, có trách nhiệm hỗ trợ đội ngũ nghiên cứu triển khai, thực hiện dự án; tuân thủ các quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý, sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại, đảm bảo thực hiện dự án đúng mục tiêu và hiệu quả; định kỳ báo cáo Bộ GD-ĐT về tình hình triển khai dự án.
Thục Trân
Bình luận (0)