Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cấu trúc các bài học của sách Ngữ văn 8

Tạp Chí Giáo Dục

1. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chỉ quy định các yêu cầu đạt về đọc, viết, nói, nghe một số thể loại và kiểu văn bản; không quy định nội dung và tên các tác phẩm cụ thể (trừ một số ít văn bản bắt buộc). Do đó, việc xác định số lượng bài học và lựa chọn văn bản ngữ liệu cho mỗi bài là hoàn toàn do nhóm tác giả quyết định. Vì thế, các văn bản đọc của các bộ sách khác nhau không giống nhau là chuyện bình thường. Tuy nhiên, sách nào cũng phải tuân thủ yêu cầu của chương trình về dạy cách đọc theo thể loại và kiểu văn bản để hình thành năng lực; thông qua nội dung tác phẩm mà giáo dục nhân cách, phát triển phẩm chất cho học sinh.


Tiết hc môn ng văn ca hc sinh THCS (nh minh ha). Ảnh: N.Q

2. Sách Ngữ văn 8 (bộ Cánh diều) gồm 10 bài, mỗi tập đều có 3 loại: Văn bản văn học, văn bản nghị luận và văn bản thông tin. Trong đó ưu tiên cho văn bản văn học (6/10 bài) như yêu cầu của chương trình. Trong văn bản văn học, mỗi tập đều có truyện và thơ. Ngoài truyện và thơ, sách Ngữ văn 8 tập 1 đọc hiểu kịch bản văn học và sách Ngữ văn 8 tập 2 đọc hiểu truyện lịch sử. Văn bản nghị luận gồm nghị luận văn học và nghị luận xã hội được chia ra cho 2 tập. Tập 1, học các tác phẩm nghị luận trung đại nổi tiếng như “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn, trích “Đại cáo bình Ngô” của Nguyễn Trãi… Đây là hai văn bản bắt buộc mà chương trình quy định. Tập 2, học văn bản nghị luận văn học như đọc hiểu các bài viết về những tác phẩm có trong sách Ngữ văn 8 nhằm vừa ôn lại các bài đã đọc hiểu, vừa dạy cho học sinh cách đọc nghị luận văn học. Văn bản thông tin gồm 2 bài, chia đều cho 2 tập. Tập 1 học các văn bản giải thích một hiện tượng tự nhiên; tập 2 là các văn bản giới thiệu 1 cuốn sách, bộ phim.

3. Do số lượng bài học ít và số tiết cho mỗi bài học lại nhiều (12 tiết, tức 3 tuần học 1 bài), nên trong sách Ngữ văn 8 có bài học 2 thể loại. Đó là bài 4: Hài kịch và truyện cười. Thông qua các văn bản để dạy cách đọc văn bản hài kịch và cách đọc truyện cười. Tuy nhiên, do nội dung và mục đích của 2 thể loại này khá giống nhau nên ghép thành 1 bài. Tương tự ở bài 8, truyện lịch sử và tiểu thuyết (trích đoạn) có đặc điểm riêng nhưng chúng đều có đặc điểm chung là truyện, dạy cách đọc truyện. Ở 2 bài ghép, mặc dù 2 thể loại cùng trong 1 bài nhưng khi dạy văn bản cụ thể, giáo viên chỉ cần bám sát các đặc trưng của từng thể loại để hướng dẫn học sinh cách đọc.

4. Một số điểm mới của sách Ngữ văn 8 so với sách Ngữ văn 6 và Ngữ văn 7 là: Thứ nhất, về thể loại văn học, cách đọc kịch bản văn học (hài kịch); truyện cười, truyện lịch sử, thơ Đường luật, thơ 6 – 7 chữ. Thứ hai, về kiểu văn bản như văn bản thông tin thuyết minh một hiện tượng tự nhiên và giới thiệu một cuốn sách, bộ phim; văn bản nghị luận xã hội thời trung đại. Thứ ba, về nội dung (đề tài, chủ đề, tư tưởng, tình cảm, thái độ…) có rất nhiều những nội dung mới gắn với các văn bản đọc hiểu các thể loại và kiểu văn bản. Thứ tư, về kỹ năng viết, ngoài việc tiếp tục rèn luyện cách tạo lập văn bản qua 4 bước, Ngữ văn 8 có thêm nội dung và yêu cầu mới. Đó là rèn luyện kỹ năng viết (kỹ năng diễn đạt, trình bày) cho học sinh. Ví dụ, cách viết mở bài, kết bài; cách viết đoạn văn biểu cảm; các loại bằng chứng phân tích và trình bày bằng chứng; khẳng định, phủ định và biểu cảm trong văn bản nghị luận; cách phân tích tác dụng của hình thức truyện, thơ…

5. Các văn bản kế thừa và văn bản mới. Thứ nhất, văn bản kế thừa: Tôi đi học (Thanh Tịnh), Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam), Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục (Mô-li-e, Văn học Pháp), Treo biển (truyện cười); Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn), Chiếu dời đô (Lý Công Uẩn), Nước Đại Việt ta (Nguyễn Trãi); Lão Hạc (Nam Cao), Cố hương (Lỗ Tấn), Cảnh khuya (Hồ Chí Minh), Vịnh khoa thi hương (Trần Tế Xương), Xa ngắm thác núi Lư (Lý Bạch), Đánh nhau với cối xay gió (Xec-van-tet, Văn học Tây Ban Nha), Tức nước vỡ bờ (Ngô Tất Tố)… Thứ hai, văn bản mới: Người mẹ vườn cau (Nguyễn Ngọc Tư), Chuỗi hạt cườm màu xám (Đỗ Bích Thúy); Trong mắt trẻ (Ê-xu-pe-ri), Người thầy đầu tiên (Ai-ma-tốp), Nắng mới (Lưu Trọng Lư); Nếu mai em về Chiêm Hóa (Mai Liễu), Đường về quê mẹ (Đoàn Văn Cừ); Quê người (Vũ Quần Phương), Mời trầu (Hồ Xuân Hương), Cái kính (Nê-xin), Thi nói khoác (truyện cười), Đổi tên cho xã (trích vở kịch Bệnh sĩ của Lưu Quang Vũ), Bên bờ Thiên Mạc (Hà Ân)… Toàn bộ các văn bản trong bài nghị luận văn học và văn bản thông tin đều là văn bản mới.

6. Cấu trúc mỗi bài học vẫn gồm các phần, mục như sách Ngữ văn 6 và Ngữ văn 7, chỉ khác về nội dung cụ thể.

PGS.TS Đ Ngc Thng

Bình luận (0)