Sự kiện giáo dục

Có hay không “lá cờ đỏ sao vàng” trong “Vợ nhặt”?

Tạp Chí Giáo Dục

Trong bài viết “Nỗi khổ của “Vợ nhặt” ở kỳ thi tốt nghiệp THPT” trên báo LĐ ra ngày 30-6-2023, tác giả H.H đã phản ánh dư luận xã hội xung quanh đề thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn vừa rồi, đồng thời nêu lên nhận xét của mình: “… Ngay khi kết thúc phần thi môn ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT, trên khắp các diễn đàn mạng xã hội là cuộc tranh cãi nảy lửa về sự cũ kỹ, xáo (sic) mòn, thậm chí nhiều người dùng từ “tăm tối” để chỉ trích cách đưa tác phẩm “Vợ nhặt” vào đề thi năm nay; về “… Những tranh cãi bất tận là việc dạy văn, học văn đang bị lỗi thời, xáo (sic) mòn”. Cuối cùng, tác giả đặt ra vấn đề rất đáng lưu tâm trong việc đổi mới công tác ra đề thi môn ngữ văn là: “… Tại sao không đưa thêm các tác phẩm văn học thời cận đại, hiện đại vào sách giáo khoa, từ đó đổi mới cách ra đề về môn ngữ văn ở các kỳ thi”. Tuy nhiên, trong bài viết, tác giả đã nhiều lần nhắc đến hình ảnh “lá cờ đỏ sao vàng” trong đoạn trích cuối tác phẩm “Vợ nhặt” của Kim Lân – ngữ liệu của đề thi: “Tràng nhớ lại hình ảnh những người đói chạy trên đê cùng với lá cờ đỏ sao vàng”. “Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng cùng với tên gọi “Việt Minh” xuất hiện cuối tác phẩm “Vợ nhặt” là niềm tin, hy vọng của những người như Tràng, như mẹ và vợ anh, đang phải sống lay lắt trong nạn đói”. “Cụm từ Việt Minh và lá cờ đỏ sao vàng không chỉ là hình ảnh tươi sáng của tác phẩm, còn là niềm tin, là sự tươi sáng của cả một giai đoạn lịch sử”.

Là giáo viên dạy môn ngữ văn ngót 40 năm nay, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên về sự sử dụng, trích dẫn ngữ liệu tùy tiện của tác giả bài viết. Chúng tôi khẳng định rằng: Trong tác phẩm “Vợ nhặt” nói chung và đoạn trích ngữ liệu trong đề thi vừa rồi nói riêng không hề có hình ảnh một lá cờ đỏ sao vàng nào hết! Ngoài việc nhiều lần dùng từ “xáo mòn” sai chính tả, tác giả bài viết cũng đã nhiều lần tùy tiện đưa hình ảnh “lá cờ đỏ sao vàng” vào bài viết của mình. Nhiều năm chấm thi tốt nghiệp THPT và chấm thi tuyển sinh ĐH, CĐ, chúng tôi đã từng bắt gặp không ít bài làm, thí sinh dùng một cách sai lạc các hình ảnh “lá cờ đỏ sao vàng”, “lá cờ đỏ búa liềm”… Từ đó, trong quá trình dạy học sinh phổ thông về tác phẩm “Vợ nhặt”, chúng tôi không quên nhắc nhở các em cần phải sử dụng, trích dẫn ngữ liệu chính xác về chi tiết “lá cờ đỏ” xuất hiện nhiều lần trong tác phẩm này, tránh sự nhầm lẫn ngây ngô không đáng có ở trên.

Nên chăng, cần có động thái biên tập và chỉnh sửa lại từ ngữ trong bài viết cho chuẩn xác, nhằm tránh sự ngộ nhận của các thế hệ học sinh sau này, khi tiếp nhận văn bản tác phẩm “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân?

ThS. Đ Thành Dương
(Trưng b môn Ng văn Trưng D b
ĐH Dân t
c TW Nha Trang)

Bình luận (0)