Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nâng chất sàn diễn với kịch văn học

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều tác phẩm văn học mang đến cho khán giả yêu sân khấu kịch những vở diễn giàu giá trị nghệ thuật

Sân khấu Kịch Hồng Vân sẽ công diễn vở mới "Mẹ và người tình" vào ngày 10-8, dựa theo tác phẩm văn học của tác giả Lê Chí Trung.

Chuyển biến tích cực

Thời gian qua, sàn diễn đã xuất hiện một số vở dựa theo tác phẩm văn học như: "Hiu hiu gió bấc" (Sân khấu Phim trường Truyền thông Khang), "Ái tình ngoài hôn nhân" (Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM), "Bông cánh cò" (Sân khấu Kịch Hồng Vân)… Nhiều dự án mới về kịch văn học cũng đã và đang được triển khai, hứa hẹn mang lại sự hấp dẫn cho sàn diễn của TP HCM.

Trước đây, kịch bản dựa theo tác phẩm văn học chỉ xuất hiện ở các hội diễn, liên hoan. Thỉnh thoảng, một số vở diễn bán vé mới được giới thiệu, như: "Bí mật vườn Lệ Chi" (dựa theo kịch thơ của Hoàng Hữu Đản), "Vua thánh triều Lê" (tác giả Lê Duy Hạnh), "Cánh đồng bất tận" (tác giả Minh Nguyệt, dựa theo tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư), "Thời con gái đã xa" (Đoàn Bá – Nguyễn Thu Phương), "Nỏ thần" (Lê Duy Hạnh), "Người đàn bà đức hạnh" (tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc, dựa theo tác phẩm của nhà văn Nguyễn Quang Sáng)… Hiện nay, việc đầu tư cho kịch văn học đã có nhiều chuyển biến tích cực, được nhiều đơn vị sân khấu xã hội hóa quan tâm.

Nâng chất sàn diễn với kịch văn học - Ảnh 2.

Một cảnh trong vở “Bông cánh cò” trên Sân khấu Kịch Hồng Vân. Ảnh: Thanh Hiệp

Theo những người trong cuộc, các vở diễn từ chất liệu văn học đã đưa nghệ sĩ tiếp cận gần hơn với khán giả. Kịch văn học cũng dễ tác động đến một bộ phận người xem, do không ít khán giả đã biết đến câu chuyện từ tiểu thuyết, bút ký, ký sự… được khai thác để viết kịch bản. Từ nền tảng này, kịch văn học đã tác động đến đời sống thẩm mỹ, nâng dần văn hóa thưởng thức trong cộng đồng.

Cần tổ chức các hội thảo, tọa đàm về văn hóa đọc cho những người sáng tác kịch bản văn học. Bởi lẽ, có đọc thì mới đúc kết được nhiều chất liệu để sáng tác.

Tác giả Trần Văn Hưng cho rằng tác phẩm văn học khi được chuyển thể, đưa lên sàn diễn còn thúc đẩy giới trẻ tìm kiếm để đọc tác phẩm đó, nối dài thêm việc phổ biến tới đông đảo công chúng. "Rất cần có thêm nhiều vở diễn từ những tác phẩm văn học có giá trị. Những nhân vật trong tác phẩm văn học – vốn tồn tại qua sự mường tượng của người đọc – sẽ hiện hữu rõ ràng, cụ thể, ấn tượng hơn trên sàn diễn qua sự thể hiện của nghệ sĩ" – ông Trần Văn Hưng nhận xét.

Sáng tác kịch bản mang chất văn học

Như đã nêu trên, sau "Bông cánh cò" (dựa theo nhạc truyện của NSƯT – nhạc sĩ Bắc Sơn), Sân khấu Kịch Hồng Vân sẽ ra mắt tiếp vở diễn mới từ tác phẩm văn học "Mẹ và người tình".

Trong khi đó, Chi hội Tác giả – Hội Sân khấu TP HCM sắp trình làng 2 vở diễn mới từ chất liệu tác phẩm văn học là "Trái tim kiêu hãnh" và "Có một ngày như thế" (hay "Áo xưa dù nhầu") tại Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ. Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh cũng sẽ ra mắt vở kịch văn học "Trả lại lia thia" trong tháng 8-2023…

Các nhà chuyên môn cho rằng cần có chiến lược củng cố lại đội ngũ sáng tác kịch bản mang tính văn học và chuyển thể kịch bản từ tác phẩm văn học. Bên cạnh đó, rất cần có cơ chế đặc thù để duy trì, ổn định và phát huy năng lực sáng tác kịch bản văn học.

"Đội ngũ tác giả trẻ cần phải được tham gia các trại sáng tác kịch bản, tham gia tập huấn, tọa đàm về tác phẩm văn học; mở rộng mời các nhà văn dự trại sáng tác… Đó là cách để tăng cường những sáng tác mang chất văn học, tạo ra những kịch bản văn học chất lượng cho sàn diễn" – NSND Trần Minh Ngọc nhìn nhận.

Những người trong cuộc cũng cho rằng để tạo vị thế cho kịch văn học, sự hiểu biết và trải nghiệm về văn hóa nghệ thuật của giới sáng tác lẫn nghệ sĩ biểu diễn cũng cần được lưu tâm. Các chuyến đi về nguồn, các đợt tập huấn kết hợp tìm hiểu thực tế đời sống xã hội sẽ là những chất liệu hữu ích đối với những người sáng tác kịch bản văn học.

Theo Thanh Hiệp/NLĐO

 

Bình luận (0)