Ngày 25-8, Hội thảo và triển lãm an toàn thông tin khu vực phía Nam 2023 với chủ đề “Công nghệ mới và an ninh mạng trong kỷ nguyên chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo” đã chính thức diễn ra.
Các bạn trẻ tìm hiểu các giải pháp, sản phẩm an toàn thông tin tại các gian hàng triển lãm
Sự kiện do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, Cục An toàn thông tin và Chi hội An toàn thông tin phía Nam (VNISA phía Nam) tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP.HCM.
Tại hội thảo, ông Dương Anh Đức (Phó Chủ tịch UBND TP.HCM) nhận định, chuyển đổi số là xu thế không thể đảo ngược nhưng làm chuyển đổi số thế nào cho hiệu quả và đảm bảo an toàn đó là điều hết sức quan trọng. Do đó, cần triển khai các giải pháp chuyển đổi số để đạt được hiệu quả và đảm bảo an toàn về bảo mật, dữ liệu, nếu không sẽ để lại những hậu quả hết sức nghiêm trọng.
“Tôi hy vọng sẽ có nhiều giải pháp tốt để thực thi công việc của mình dù đó là cơ quan quản lý nhà nước hay doanh nghiệp”, ông Đức nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thành Hưng (nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hiệp hội VNISA) cho biết, chuyển đổi số là chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm tăng cường sự cạnh tranh của nền kinh tế, tăng cường tính phục vụ minh bạch và hiệu quả của các cơ quan nhà nước, đẩy nhanh quá trình xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Tuy nhiên, việc đảm bảo an toàn thông tin của dữ liệu trên các nền tảng số, đảm bảo an toàn thông tin cá nhân của người dân trong bối cảnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo như ChatGPT, Deepfake làm tăng cường các hình thức tội phạm mạng, lừa đảo, tấn công mạng, đang là một thách thức lớn đối với cộng đồng an toàn thông tin.
Theo thống kê từ Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng (Cục An toàn thông tin), trong 7 tháng đầu năm 2023 tại Việt Nam đã ghi nhận 9.519 cuộc tấn công mạng, gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin, trong đó riêng trong tháng 7 là 988 cuộc. Gần 4.000 phản ánh do người dùng Internet Việt Nam gửi tới hệ thống cảnh báo và qua kiểm tra, có rất nhiều trường hợp lừa đảo giả mạo website của ngân hàng, công ty tài chính… Trung tâm cũng đã ngăn chặn 926 website lừa đảo, trong đó có nhiều trang giả mạo các ngân hàng, tổ chức tài chính.
Còn theo ghi nhận từ Hệ thống kỹ thuật của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), chỉ riêng tháng 7 đã có 444.901 địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong mạng botnet (tăng 8,3% so với tháng 6-2023), trong đó có 133 địa chỉ IP của cơ quan, tổ chức nhà nước. Hơn 56.373 điểm yếu, lỗ hổng tại các hệ thống thông tin của cơ quan tổ chức nhà nước, một vài lỗ hổng đã bị các nhóm APT khai thác.
PGS.TS Trần Minh Triết (Phó Chủ tịch VNISA phía Nam) cho hay, việc tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người sử dụng về an toàn thông tin cũng đã được chú trọng so với trước đây, khi có 92% tổ chức cho biết, đã thực hiện vấn đề này.
Việc tuyên truyền, phổ biến chủ yếu thông qua các hình thức như: Đào tạo nâng cao nhận thức tập trung; Đưa việc bảo đảm an toàn thông tin vào các quy định chung của tổ chức; Nâng cao nhận thức về an toàn thông tin cho cán bộ nhân viên. Tuy nhiên, theo các tổ chức, cần đẩy mạnh hơn việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức thông qua hình thức tập huấn xử lý sự cố an toàn thông tin.
Mặc dù hầu hết các đơn vị đã triển khai hoạt động nâng cao nhận thức an toàn thông tin nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Vấn đề khó nhất trong việc bảo đảm an toàn thông tin doanh nghiệp vẫn luôn là nâng cao nhận thức cho người dùng.
Tại hội thảo, nhiều đơn vị đã giới thiệu những kinh nghiệm và giải pháp quản lý trong lĩnh vực an toàn thông tin. Song song đó, khách tham dự còn được tham quan các giải pháp, sản phẩm an toàn thông tin tại các gian hàng triển lãm. Đây là dịp để người tiêu dùng trao đổi và tìm hiểu thông tin trực tiếp với các công ty công nghệ cũng như được tư vấn về các vấn đề mà mình quan tâm.
Hồ Trinh
Bình luận (0)