Cho các em tham gia những buổi trải nghiệm, 'vào vai' các vở kịch, chia sẻ thêm về công việc, nghề nghiệp trong các tiết dạy… là cách để định hướng nghề nghiệp cho học sinh tiểu học đang được nhiều trường áp dụng.
Học sinh tiểu học tại TP.HCM trong một hoạt động ngoại khóa. ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Học sinh được đóng vai, giới thiệu về nghề nghiệp
Theo dự thảo Thông tư quy định công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục của Bộ GD-ĐT mới đưa ra, học sinh (HS) tiểu học cũng sẽ được hướng nghiệp, giới thiệu về vấn đề việc làm trong trường học.
Cụ thể, theo dự thảo này, các trường tiểu học có nhiệm vụ giáo dục HS nhận biết một số công việc, nghề nghiệp của cha mẹ, người thân, các nghề truyền thống ở địa phương và một số việc làm cơ bản trong xã hội. Hướng dẫn HS tham gia các công việc thường ngày tại gia đình và nhà trường. Các trường cũng rèn luyện, bồi dưỡng cho HS các kỹ năng nghề nghiệp cơ bản như: quản lý bản thân, kỹ năng xã hội, tìm hiểu về gia đình, cộng đồng. Phát hiện năng khiếu của HS và có kế hoạch bồi dưỡng, phát triển năng khiếu cho các em.
Phát hiện, bồi dưỡng, phát triển năng khiếu: Không dễ
Về việc phát hiện, bồi dưỡng, phát triển năng khiếu cho HS, theo cô H.T.A là rất khó. Vì trên thực tế, mỗi lớp học ở trường công lập của TP.HCM hiện dao động từ 40 đến trên 50 HS, giáo viên khó nắm bắt được sở trường, năng khiếu của từng em, chưa nói đến việc bồi dưỡng, phát triển năng khiếu đó.
“Chỉ việc dạy hoàn thành chương trình các môn học trên lớp đã rất áp lực, chương trình học hiện hành cũng khá nặng nên để giáo viên quan tâm được từng em rất khó. Để định hướng nghề nghiệp cho tới việc phát triển năng khiếu của từng em thì rất cần sự hỗ trợ từ phía gia đình, phụ huynh HS”, cô H.T.A nói thêm.
|
Đánh giá cao dự thảo này, nhưng ông Phạm Thanh Nam, Hiệu trưởng Trường tiểu học – THCS – THPT Nam Sài Gòn (Q.7, TP.HCM), cho rằng cần có hướng dẫn cụ thể hơn để các trường triển khai. Theo ông, trên thực tế việc định hướng, giới thiệu nghề nghiệp trong môi trường tiểu học đã có từ trước nhưng tùy thuộc vào sự linh động của giáo viên và chương trình hoạt động của từng trường, vì chưa có quy định bắt buộc hay hướng dẫn cụ thể.
“Định hướng nghề nghiệp trong chương trình của HS tiểu học mới bắt đầu có ở lớp 1 năm nay, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, nhưng còn khá mờ nhạt, chủ yếu dạy kết hợp với giáo dục nghề nghiệp địa phương rồi lồng ghép vào, ví dụ như cho các em tiếp cận nghề đầu bếp thông qua hoạt động làm bánh, chế biến món ăn và các trò chơi đóng vai liên quan tới các nghề nghiệp. Hiện các trường chưa đi sâu vào chuyên môn hay dạy theo một chương trình nào cụ thể”, ông Nam chia sẻ.
Ví dụ như với chương trình lớp 1 năm nay, các em sẽ có thêm các tiết học kỹ năng, hoạt động ngoài trời. Giáo viên cũng có quyền tự chủ, sáng tạo trong việc tổ chức các hoạt động cho HS. Trong những tiết này, giáo viên có thể lồng ghép các kỹ năng, kiến thức xã hội, tích hợp giáo dục địa phương, giới thiệu các chủ đề liên quan đến nghề nghiệp…
Cụ thể, trong các hoạt động, nhiều trường cho HS chơi trò chơi dân gian, đóng kịch… Các em sẽ được vào các vai như giáo viên, bác sĩ, kỹ sư, chú bộ đội… Nếu được nghe, trải nghiệm và giáo viên chia sẻ thường xuyên, các em sẽ có được những nhận thức cơ bản đầu tiên về những công việc, nghề nghiệp. Và theo ông Nam, với lứa tuổi bậc tiểu học, các em chỉ cần tiếp cận tới đây là đủ, lên các cấp THCS, THPT, HS sẽ được định hướng rõ ràng hơn.
Giáo dục học sinh: Ngành nghề nào cũng cao quý
“Với chương trình học hiện hành, nội dung liên quan đến nghề nghiệp không nhiều. Nếu thông tư này được ban hành, chúng tôi hy vọng trong chương trình sách giáo khoa đổi mới sắp tới sẽ có định hướng cụ thể hơn”, ông Nam nói thêm.
Bà Mai Thị Kim Phượng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Sơn Nhì (Q.Tân Phú, TP.HCM), cũng cho rằng HS tiểu học từ trước đến nay cũng đã được tiếp cận một số nội dung mang tính chất giới thiệu về nghề nghiệp trong môn học tự nhiên xã hội, tiếng Việt… Nội dung học đã giới thiệu một số ngành nghề cơ bản của cộng đồng, địa phương. Qua các hoạt động trải nghiệm, các em cũng có điều kiện tìm hiểu về lĩnh vực này.
“Những môn học này chỉ mới giới thiệu sơ qua về các công việc, nghề nghiệp đơn giản phù hợp với lứa tuổi HS chứ chưa đi sâu vào hướng nghiệp cho HS như ở bậc THCS, THPT. Quan trọng là phải giáo dục HS có ý thức rằng “mỗi ngành nghề sẽ có những đặc thù riêng, nhưng không được phân biệt hay kỳ thị, vì ngành nghề nào cũng cao quý”. Đặc biệt, từ năm nay, với chương trình lớp 1, giáo viên sẽ có nhiều cơ hội hơn để chia sẻ với các em về định hướng này khi có thêm các tiết trải nghiệm, giáo dục kỹ năng…”, bà Phượng nói.
Theo bà Phượng, để định hướng tốt hơn cho các em, khi dạy tới những nội dung có liên quan đến nghề nghiệp, giáo viên có thể chủ động chia sẻ, trao đổi thêm với HS để các em biết thêm. Ví dụ như hỏi các em xem ba mẹ làm công việc gì, giải thích những công việc đó cho các em nghe, những tính chất đặc biệt của từng loại công việc…
Định hướng đến đâu ?
Là người dạy HS tiểu học hơn 10 năm nay, cô H.T.A, giáo viên tại một trường tiểu học ở TP.HCM, cho rằng việc giáo dục, định hướng nghề nghiệp ở bậc tiểu học là cần thiết, nhưng chỉ nên dừng lại ở mức giới thiệu cơ bản, phù hợp với lứa tuổi.
“Bậc tiểu học các em tìm hiểu mọi thứ vì tò mò, muốn khám phá, nếu đưa nội dung này vào như những tiết dạy chính khóa chưa chắc sẽ hiệu quả, vì các em rất dễ quên khi ý thức về nghề nghiệp tương lai hay công việc mà các em mong muốn còn là một khái niệm khá xa so với suy nghĩ. Thay vào đó người dạy có thể lồng ghép, gợi ý cho các em tìm hiểu những công việc mà các em thấy ấn tượng”, cô H.T.A chia sẻ.
Cũng theo cô A., hiện nay trong chương trình học của bậc tiểu học chưa có nội dung, chương trình dạy cụ thể về định hướng nghề nghiệp, các tiết hoạt động trải nghiệm cũng không bắt buộc. Trong một số tiết dạy, khi nhắc tới giáo viên, chú bộ đội, bác sĩ… các em đều rất háo hức, tò mò. Lúc này giáo viên có thể chia sẻ thêm về những nghề nghiệp này, như vậy HS vừa hứng thú, vừa có ấn tượng và có thể nhớ lâu hơn.
Theo Nguyễn Loan/TNO
Bình luận (0)